Hiệp hội Xăng dầu: Xăng E5 kém hấp dẫn do bất cập từ chính sách thuế

(Dân trí) - Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khẳng định như vậy và cho rằng, nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng bất cập chính sách thì các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chủ trương của Chính phủ.


Vẫn không ít người dân không thích dùng xăng E5

Vẫn không ít người dân không thích dùng xăng E5

Theo số liệu thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2018, cả nước tiêu thụ khoảng 593.000 m3 xăng E5-RON92, chiếm 42% tổng lượng xăng các loại. Tính bình quân, sản lượng xăng E5 tiêu thụ đã tăng hơn 30% so với năm 2017. Mức tăng này theo Hiệp hội Xăng dầu, có thể coi là tương đối lớn.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Xăng dầu, mức tiêu thụ tăng lại tiếp tục đặt doanh nghiệp vào tình huống khó của cơ chế cũ. Cụ thể, sự chênh lệch thuế tiêu thụ đặc biệt giữa xăng khoáng RON92 dùng để pha chế xăng E5 với thuế tiêu thụ đặc biệt đầu ra của xăng E5 đang khiến các doanh nghiệp xăng dầu phát sinh số thuế chưa được khấu trừ rất lớn. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài chính của doanh nghiệp.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng nhắc lại đề xuất từng gửi tới Bộ Tài chính từ hồi đầu tháng 1/2018 liên quan đến sự bất cập này. Tuy nhiên, hơn 5 tháng trôi qua, Hiệp hội này cho biết vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính liên quan đến việc khấu trừ, hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5.

Theo Hiệp hội xăng dầu, nếu cứ kéo dài tình trạng này, bất cập về thuế không được giải quyết, các doanh nghiệp xăng dầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa mặt hàng xăng E5 trở thành lựa chọn của người tiêu dùng, theo chủ trương của Chính phủ.

Trước đó, ngày 3/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn việc khấu trừ, hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật thuế hiện hành và theo thẩm quyền.

Trong trường hợp cần quy định về "hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt chưa khấu trừ hết của xăng khoáng nguyên liệu dùng để sản xuất, pha chế xăng E5, E10 sau khi bù trừ với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp của hàng hóa, dịch vụ khác" thì Bộ Tài chính cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật thuế cho phù hợp.

Ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được căn cứ trên văn bản của Bộ Tài chính kiến nghị của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam về việc hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng khoáng nguyên liệu dùng để pha chế xăng E5 và E10.

Trước năm 2016, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt quy định mức thu đối với xăng A92 dùng để pha chế với thuế suất 10%. Xăng E5, E10 được pha với tỷ lệ tương ứng 95%, 90% với xăng A92 và 5%, 10% với cồn sinh học. Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 1 lít xăng E5 là 9,5% và 9% đối với xăng E10.

Kể từ năm 2016, để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng xăng nhiên liệu sinh học, góp phần bảo vệ môi trường, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đã được điều chỉnh xuống còn 8% còn mức 7% áp dụng đối với xăng E10. Doanh nghiệp căn cứ vào mức thuế kể trên và tỷ lệ xăng khoáng dùng để phối trộn ra nhiên liệu sinh học để tiến hoành khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính nhận thấy, các hãng xăng dầu đang phát sinh số thuế được khấu trừ quá lớn, ảnh hưởng đến nguồn tài chính của doanh nghiệp. Thậm chí, có doanh nghiệp tồn thuế để khấu trừ lên tới con số hàng chục tỷ đồng một tháng. Con số này được dự báo còn tăng cao hơn nhiều trong năm 2018 khi sản lượng xăng nhiên liệu sinh học tiêu thụ nhiều.

Do đó, các doanh nghiệp cũng như Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đang đề nghị Bộ Tài chính cùng các bộ ngành liên quan hướng dẫn lại đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được khấu trừ đối với mặt hàng xăng khoáng dùng để sản xuất xăng sinh học…

Kiến nghị của doanh nghiệp cũng như Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam được cho là có cơ sở và phù hợp với tình hình thực tế là từ 1/1/2018 theo chỉ đạo của Chính phủ doanh nghiệp chỉ được bán xăng Ron 95 và xăng E5. Điều này cũng đồng nghĩa số thuế tiêu thụ đặc biệt chưa khấu trừ của nguyên liệu sản xuất xăng E5 sẽ rất lớn. Chỉ tính riêng Petrolimex, số thuế chưa được khấu trừ phát sinh từ năm 2018 dự kiến vào khoảng 270 tỷ đồng.

H.Anh

Hiệp hội Xăng dầu: Xăng E5 kém hấp dẫn do bất cập từ chính sách thuế - 2