Hiến kế giúp TPHCM sớm “hóa rồng”: Đừng quên doanh nghiệp nhỏ và vừa

(Dân trí) - Bằng cái nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM) đưa ra “kim chỉ nam” trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay để có thể giúp TPHCM rút ngắn được con đường trở thành “Đầu tàu về kinh tế không chỉ của cả nước và còn trong khu vực Đông Nam Á”…

LTS: Tại hội nghị lần 4 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã trăn trở: Sao cho mảnh đất vốn được mệnh danh “Hòn ngọc Viễn Đông” này được trở lại đúng nghĩa, xứng đáng là thành phố số 1 trong khu vực và là đặc khu kinh tế như Thượng Hải.

Trên tinh thần ấy, Dân trí đã tìm đến các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, lập pháp… để ghi nhận sự “hiến kế” và cả phản biện… để góp phần giúp kỳ vọng không của riêng Bí Thư thành ủy mà cũng là nỗi mong chờ của hàng triệu công dân của thành phố này, sớm trở thành hiện thực.

Bài 1 - Đừng quên doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đó là lời khuyên của chuyên gia kinh tế, TS Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM) để giúp TPHCM rút ngắn được con đường trở thành “Đầu tàu về kinh tế không chỉ của cả nước và còn trong khu vực Đông Nam Á".

Thưa Tiến sĩ Bùi Quang Tín, có một hiện thực rằng trước đây, Singapore, Thái Lan nhìn về Sài Gòn - TPHCM với một sự ngưỡng mộ, khao khát. Thế nhưng hiện nay chúng ta đã tụt hậu? Từ trăn trở này, Bí thư Thăng đã đưa ra câu hỏi: “Chúng ta đã nỗ lực hết sức? Chúng ta đang thiếu cái gì?” bởi ông cho rằng TPHCM có đủ điều kiện về dân số, con người cần cù, sáng tạo, truyền thống cách mạng kiên trung bao đời. Không thể chấp nhận thành phố không đứng số 1”. Vậy, với góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông nhìn nhận như thế nào về mục tiêu mà Bí thư Thăng đề ra?

Theo tôi, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã có từ nhiều năm nay để giúp TPHCM phát triển. Thậm chí còn có rất nhiều và khá đầy đủ, điển hình như Nghị Quyết 19 của Chính phủ ngày 13/3/2015 về những giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia 2 năm 2015-2016; Nghị Quyết 01/2016 của Chính phủ về những giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Nghị quyết 35 của Hội đồng nhân dân TPHCM ngày 11/12/2015 về nhiệm vụ kinh tế-văn hoá-xã hội 2016; cũng như nhiều văn bản pháp luật đã sửa đổi bổ sung để phù hợp với tình hình mới của đất nước trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.

Thế nhưng, có một thực tế là hiện nay nếu so với các thành phố trong khu vực thì TPHCM đang tụt hậu. Có nhiều nguyên nhân về sự “trì trệ” này. Các chuyên gia trong và ngoài nước cũng “mổ xẻ” khá nhiều như nền hành chính thành phố vẫn chưa thực chất phục vụ hiệu quả cho nhân dân và doanh nghiệp hay tỷ lệ tăng trưởng GDP của thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm lực của thành phố hiện nay. Tuy nhiên, ở đây, tôi cho rằng thay vì ngồi đó mà tự vấn chính mình thì hãy tìm giải pháp để đột phá, phát triển.

TPHCM sẽ sớm hóa rồng, xứng tầm khu vực
TPHCM sẽ sớm "hóa rồng", xứng tầm khu vực

Vậy theo ông, trong thời gian tới, TPHCM phải có những bước đi như thế nào để có thể “cán đích” ở vị trí số 1 không những trong nước mà cả khu vực?

Trong 1-3 năm tới, TPHCM cần tập trung phát triển kinh tế vĩ mô. Mô hình kinh tế của thành phố cần không chỉ dựa vào tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh mà cần… vì mọi người. Tăng trưởng kinh tế sẽ không thể bền vững nếu như các nguồn lợi không được chia sẻ một cách công bằng cho người dân, người lao động.

Một mô hình kinh tế mới tập trung vào năng suất và hiệu quả cao chắc chắn hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước sử dụng mọi nguồn lực hiệu quả hơn. Đồng thời, mô hình này cũng có thể bảo đảm hướng tới các mục tiêu xã hội như giáo dục, y tế, an ninh xã hội. Bởi vậy, mô hình kinh tế mới cho thành phố cần kết hợp cả 3 yếu tố: tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và vì lợi ích chung của xã hội.

Mặt khác, TPHCM cần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Nguồn vốn FDI là đặc biệt quan trọng nhưng các chính sách của thành phố cần hỗ trợ việc hình thành chuỗi giá trị với mối liên kết giữa FDI và các DN trên địa bàn. Có như thế, FDI mới tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy đầu tư vào TPHCM hiệu quả và thiết thực.

TS Bùi Quang Tín cho rằng, cần tập trung cho loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa
TS Bùi Quang Tín cho rằng, cần tập trung cho loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa

Như ông đã phân tích TPHCM nên tập trung chăm lo doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, TPHCM đang có đến 90% doanh nghiệp thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Chẳng lẽ chúng ta bỏ rơi loại hình doanh nghiệp này?

Tôi chưa nói hết ý của mình. Chính DNNVV là mô hình kinh tế đã tạo ra nhiều việc làm nhất cho người lao động. Do đó, việc tìm giải pháp căn cơ để hỗ trợ cho loại DN này là vô cùng cấp bách.

Trong đó, giải pháp đầu tiên là cần tái cơ cấu thị trường tài chính, cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV bằng cách đơn giản hóa thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn với lãi suất và điều kiện cho vay phù hợp; đẩy nhanh đưa Quỹ phát triển DNNVV vào vận hành trên thực tế để hỗ trợ vốn cho DN, cũng như cần phát triển các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Tiếp đến, cần nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của DN, qua đó đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...

Có cơ chế tạo điều kiện cho DNNVV tham gia thực hiện thí điểm các dự án trong một số lĩnh vực, ngành nghề mà hiện tại chủ yếu do các tập đoàn kinh tế nhà nước thống lĩnh, cần có chính sách khuyến khích hợp tác giữa các DNNVV theo mô hình cụm, nhóm DN có ngành nghề chung hoặc ngành nghề bổ trợ cho nhau nhằm phát triển liên kết giữa các DN, tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực cho DN.

Sự lớn mạnh của một nền kinh tế không thể không tính đến “sức khỏe” của ngành ngân hàng. Là chuyên gia tài chính, giảng dạy về lĩnh vực này, ông có thể đưa ra kế sách cụ thể để mang lại “liều thuốc bổ” nào đó cho hệ thống tài chính để góp phần đưa TPHCM sớm giành lại vị thế số 1?

Muốn ngân hàng “khỏe” thì phải giải quyết hiệu quả nợ xấu. Để làm được điều này, các ngân hàng trên địa bàn thành phố cần chủ động tăng mức trích lập dự phòng các khoản nợ xấu, chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ. Việc làm này sẽ giúp ngân hàng thương mại nhanh chóng bù đắp tổn thất, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, có thể giảm quỹ lương nhưng làm tăng khả năng tài chính nội tại của ngân hàng.

Tôi cũng nghĩ rằng, TPHCM cần có cơ chế đặc biệt trong việc chứng khoán hóa (các khoản nợ khó đòi của các ngân hàng trên địa bàn theo 2 phương pháp. Nếu doanh nghiệp có lịch sử quản trị kinh doanh tốt, đang gặp khó khăn về nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc do các dự án đầu tư đang triển khai chưa đi vào hoạt động… có thể chuyển một phần nợ gốc thành trái phiếu trung hạn. Điều này nhằm hỗ trợ thanh khoản và giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Phương pháp thứ hai là chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần. Đồng thời, chuyển vị thế các ngân hàng đang là chủ nợ thành cổ đông lớn nắm đa số cổ phần nếu nhận thấy sau tái cấu trúc doanh nghiệp có khả năng tồn tại và phát triển. Đây là cách thức xử lý khá phổ biến theo thông lệ thế giới .

TPHCM cũng cần xin Chính phủ cho phép một số ngân hàng nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, quản trị doanh nghiệp tốt mua lại những nhà băng yếu kém.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Công Quang (thực hiện)

Hiến kế giúp TPHCM sớm “hóa rồng”: Đừng quên doanh nghiệp nhỏ và vừa - 3