1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Hệ luỵ" BOT, "kinh tế gia công, xuất khẩu hộ" là thách thức Việt Nam 2018

(Dân trí) - Tại Hội thảo Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), các chuyên gia kinh tế Việt Nam thừa nhận, năm 2018 các thách thức cho kinh tế Việt Nam còn rất lớn, trong đó vấn đề gây nhiều lo ngại nhất là hệ quả BOT và nền kinh tế gia công, xuất khẩu hộ.

Sai từ đầu khi thực hiện chính sách BOT

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM cho biết: Xét về khía cạnh của đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT), năm 2018 chúng ta vẫn sẽ phải giải quyết các vấn đề nóng. Chính sách về BOT như chỉ định đầu tư, cho thu phí đường này để bù đường khác, cho trải thảm đường BOT mới trên con đường cũ có thể nói là sai từ đầu, chứ không phải giữa chừng.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo hệ luỵ của các chính sách sai lệch từ BOT hay nền kinh tế gia công thấp, xuất khẩu hộ đe doạ sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo hệ luỵ của các chính sách sai lệch từ BOT hay nền kinh tế gia công thấp, xuất khẩu hộ đe doạ sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Ông Cung cho rằng: "Khi huy động tư nhân đầu tư BOT đáng lẽ ra chỉ nên coi đây là hình thức bổ sung cho ngân sách, chứ không thể thay thế ngân sách, cho Nhà nước được. Tuy nhiên, nhiều nơi chúng ta làm thay thế, như vậy là sai".

Ông Cung cho biết, phí BOT như hiện nay phải rõ ràng là bán dùng cái gì thì người dân trả phí cái đó, không thể bắt người dân trả tiền thứ người ta không dùng. Trong ngành giao thông dùng từ thuật ngữ trong phạm vi dự án - đây là thuật ngữ tù mù, sai lệch gây tác động xấu.

Viện trưởng Cung lấy ví dụ: Cách đánh thuế và phí đường này để bù đắp đường kia là sai, việc cho phép đánh thuế và phí phải là quyền của Quốc hội, ở đất nước này không ai có quyền đánh thuế và phí đường cả. Năm 2018, vấn đề BOT tiếp tục cần cải thiện và rà soát chính sách chứ không để xảy ra rủi ro.

"Những việc này cần thay đổi, theo hướng cải cách chính sách, còn giải quyết các hệ lụy của BOT hiện tại chỉ là bổ sung. Thu phí đường này để bù đường kia vì nhà đầu đầu tư BOT phải huy động vốn chẳng khác nào bắt dân mình là "con tin của BOT", ông Cung nói.

Rủi ro nền kinh tế gia công, xuất khẩu hộ

Cũng với góc nhìn về năm 2018, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Năm 2017, chúng ta có điểm nóng BOT, đất đai. Rồi tăng trưởng như vậy, lợi ích cho người lao động được bao nhiêu. Rồi thách thức giữa DN với người lao động, chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước với DN. Bên cạnh đó việc đề xuất tăng thuế, phí bị phản đối nhiều nhưng có lẽ ngành tài chính vẫn muốn thu thêm cũng gây lo ngại đến tâm lý xã hội.

Đặc biệt, năm 2018, một trong những điều nên quan tâm quy luật chu kỳ 10 năm của nền kinh tế được lặp lại, các cú sốc nền kinh tế năm 2018-2019 có trở lại như chu kỳ 2008 - 2009 hay không? Kinh tế Việt Nam còn nhiều mặt yếu kém nên cần cảnh giác.

Chuyên gia Lan lo: "Năm 2017 tôi vẫn lo ngại về thành tích xuất khẩu. Tôi rất sợ nói Việt Nam đã xuất siêu, Hàn Quốc bao nhiêu năm người ta mới nói họ là nước xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu xuất phát từ làm gia công, công nghiệp phụ trợ chưa đóng góp được ngành công nghiệp trong nước. Nhất là thành tích đó nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài".

Bà Lan lo ngại, ở một số nước, tính xuất khẩu 50% giá trị gia tăng là của nước nào thì mới tính cho đất nước đó, Việt Nam làm gia công 70% cho bên ngoài nên chúng ta được xem là xuất khẩu hộ. Chúng ta cần hiểu rõ vấn đề này để không bị chạy theo thành tích ảo, không thực chất của nền kinh tế.

"Trung Quốc là nơi xuất khẩu nhiều sang Việt Nam họ không cần tham gia TPP hay ký FTA với EU, trong khi đó Việt Nam là người tham gia vào các hiệp định này. Cái bất lợi thì chúng ta hứng chịu nhưng lợi họ được hưởng", bà Lan chia sẻ.

Theo nữ chuyên gia, vấn đề sản xuất nhờ, xuất khẩu hộ cần được nghiên cứu, vạch ra để người làm chiến lược chính sách lâu dài nhìn thấy. Có thành tích không bằng bảo nhau những điều thực chất của nền kinh tế hiện nay.

Nguyễn Tuyền

"Hệ luỵ" BOT, "kinh tế gia công, xuất khẩu hộ" là thách thức Việt Nam 2018 - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm