1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TP.HCM:

Hé lộ công ty đa cấp có dấu hiệu lừa đảo "kiểu Muaban24"

(Dân trí) - “Gắn mác” là các công ty cổ phần nhưng thực chất bên trong lại chẳng mua bán hàng hóa. Hình thức kinh doanh của các công ty này chủ yếu dựa vào việc bán hàng đa cấp, góp vốn đầu tư trả hoa hồng.

Một hình thức đa cấp có dấu hiệu lừa đảo như Muaban24 đang dần bị bóc trần
Một hình thức đa cấp có dấu hiệu lừa đảo như Muaban24 đang dần bị bóc trần

Theo kết quả điều tra bước đầu của cơ quan điều tra, được thành lập vào cuối năm 2010, Công ty cổ phần cuộc sống Phú Hưng Thịnh do bà H.T.T.P. (29 tuổi, ngụ Đồng Nai) làm giám đốc hoạt động được vài tháng thì bà P. ủy quyền cho Nguyễn Văn Thúy (47 tuổi, quê Quảng Nam) trực tiếp điều hành. Biết được một số mô hình kinh doanh bán hàng đa cấp “hái” ra tiền nên đến tháng 3/2012, công ty thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do chính Nguyễn Văn Thúy đứng tên làm giám đốc.

Thời điểm này, công ty Phú Hưng Thịnh chẳng mua bán hàng hóa gì. Thúy đưa ra hình thức kinh doanh cơ bản là mỗi người khi mua một mã số có giá trị 6.050 triệu đồng sẽ được nhập vào cổ đông của công ty. Sau đó, người này buộc phải giới thiệu thêm 2 người khác tham gia kết nạp, nộp tiền mua mã số của công ty. Giai đoạn tham gia này của một người được xem như chu kỳ thứ nhất.

Cứ như vậy khi kết thúc chu kỳ thứ nhất mà có được 15 thành viên thân thiết thì người đầu tiên sẽ được hưởng 10 triệu đồng. Theo phương thức hoạt động mà Thúy đưa ra thì càng lôi kéo được nhiều người tham gia mua mã số với số tiền trên thì những người vào công ty sớm nhất có thể nhận được cả trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, Thúy cũng đưa ra hai “gói” lựa chọn khác. Cụ thể; một người mua một trong hai mã số có trị giá 1,3 triệu hoặc 5 triệu đồng thì được gọi là “thành viên góp vốn”. Để nhận thưởng chu kỳ thứ nhất, khách hàng phải giới thiệu được hai thành viên góp vốn thì được xem thoát chu kỳ 1 và nhận hưởng số tiền 500 ngàn đồng. Khi phía dưới có hai thành viên góp vốn được công nhận thoát chu kỳ 1, thì thành viên góp vốn được công nhận thoát chu kỳ 2 với số tiền 1 triệu đồng. Cứ như thế đến chu kỳ thứ 10 thì được nhận số tiền 1 tỷ đồng.

Với các chương trình đa cấp như vậy, Nguyễn Văn Thúy đã kêu gọi được rất nhiều người tham gia, từ đó chiếm đoạt số tiền khoảng 5 tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Cũng với thủ đoạn bạn hàng đa cấp Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ Cộng Đồng Việt (trụ sở tại quận Tân Phú) đã đưa ra hình thức kinh doanh với loại hình đầu tư trả hoa hồng. Theo đó, khi mua một mã hàng với giá 1,8 triệu, khách hàng trở thành đại lý vip của công ty và được cấp một tài khoản cùng mật khẩu để đăng nhập vào trang web.

Nếu khách hàng giới thiệu được đại lý khác sẽ được hoàn vốn và nhận hoa hồng của công ty. Mức hoa hồng giao động từ 2 triệu đến 4 tỷ đồng. Nhiều người “nhẹ dạ” đã tham gia vào mô hình này. Sau khi nhận tiền, công ty Cộng Đồng Việt không thực hiện đúng hợp đồng và đã chiếm đoạt của khách hàng nhiều tỷ đồng.

Liên quan đến công ty Phú Hưng Thịnh, cơ quan CSĐT công an TP.HCM yêu cầu Nguyễn Văn Thúy ra trình diện để làm rõ vụ việc nêu trên. Đồng thời công an TP.HCM cũng yêu cầu ai là nạn nhân của hai công ty trên liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an TPHCM (Đội 9) địa chỉ 324 Hòa Hưng (phường 13, quận 10) để làm rõ việc tham gia đầu tư và số tiền bị chiếm đoạt.

Trước đó, dư luận đã bị chấn động bởi mạng lưới Muaban24. Cũng với hình thức bán hàng đa cấp. Hệ thống Muaban24 đã “vươn vòi” ra trên 50 chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành cả nước. Trong vòng 1 năm, Muaban24 đã phát triển tới 120.000 gian hàng, với số tiền nộp vào hệ thống này lên tới hơn 600 tỷ đồng.

Song thực tế, chỉ có khoảng 5% tổng số gian hàng được bán có hàng để bán. Còn lại chỉ với mục đích mua suất, kêu gọi, lôi kéo người khác tham gia đóng tiền để hưởng % hoa hồng.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm