Mô hình lừa đảo "kiểu Muaban24" đã hoành hành và biến thể như thế nào?

(Dân trí) - Tranh thủ sự cả tin và tâm lý hám lời cao của người nhẹ dạ, các “ông trùm” của các mô hình Ponzi kiểu Muaban24 đã trục lợi trên mồ hôi, nước mắt của người khác để bỏ túi hàng trăm tỷ. Trên thế giới những vụ scandal tương tự không phải hiếm.

Thế giới cũng "đau đầu" vì lừa đảo kiểu Muaban24

Thời gian qua, dư luận trong nước đã rúng động khi đường dây lừa đảo Muaban24 với các chân rết ở khắp các tỉnh thành bị bóc gỡ, với hàng nghìn nạn nhân. Số tiền bị các “ông trùm” Muaban24 chiếm đoạt lên tới hàng trăm tỷ đồng. Rất nhiều gia đình đã tan cửa nát nhà vì lỡ có người bị lôi kéo vào mạng lưới lừa đảo này.

Những kẻ chủ mưu trong vụ lừa đảo của MB24 đang dần lộ diện
Những kẻ chủ mưu trong vụ lừa đảo của MB24 đang dần lộ diện

Vì sao Muaban24 có “ma lực” lôi kéo nhiều người tham gia đến vậy? Mô hình lừa đảo này có gì mới mà khiến người tham gia không thể nhận ra ngay từ đầu? Thực chất mô hình kinh doanh của Muaban24 chính là huy động tiền của người đến sau trả cho người đến trước, mà trên thế giới vẫn được biết đến dưới cái tên mô hình Ponzi.

Ngay tại một nước phát triển, dân trí cao như Mỹ vẫn có rất nhiều người trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo kiểu này. Số tiền thiệt hại có thể lên tới vài chục tỷ USD với nạn nhân không chỉ bó hẹp trong biên giới nước Mỹ mà trên khắp thế giới.

Tiêu biểu nhất phải kể đến vụ lừa đảo của “siêu lừa” Bernard Madoff năm 2008 với số tiền ước tính 65 tỷ USD. Mới đây hơn, năm 2011 tỷ phú Mỹ Allen Stanford cũng phải nhận án phạt 110 năm tù vì đã lừa đảo 7 tỷ USD trong suốt 20 năm từ những người nhẹ dạ cũng nhờ mô hình Ponzi.

Mô hình này được đặt tên theo Charles Ponzi, một tay lừa đảo người Italia sống tại Boston Mỹ. Tháng 8/1919, tên này nhận được từ một người quen ở quê nhà phiếu mua tem quốc tế. Với phiếu mua hàng này, người sở hữu có thể đến bưu điện đổi thành tem. Ponzi nhận ra rằng phiếu mua tem này không phải được mua tại Italia mà ở Tây Ban Nha với một mức giá rẻ, chỉ bằng 1/6 giá tem lúc bấy giờ ở Mỹ.

Ponzi nảy ra ý nghĩ huy động USD từ người Mỹ để đem mua phiếu mua tem tại Tây Ban Nha sau đó chuyển phiếu này ngược trở lại Mỹ để đổi lấy tem rồi đem bán kiếm lời. Nghĩ là làm, tháng 1/1920 Ponzi mở công ty rồi phát tờ rơi, hứa hẹn trả lãi lên tới 40% trong vòng 90 ngày cho các những ai đồng ý góp vốn.

Tại thời điểm đó lãi suất ngân hàng chỉ là 5%/năm nên chỉ sau thời gian ngắn, người dân ùn ùn kéo tới gửi tiền tại công ty của Ponzi. 1 tháng sau, số nhà đầu tư càng tăng vọt khi mức lãi suất được hứa hẹn lên tới 100% sau 90 ngày và 50% cho 45 ngày. Ponzi đem số tiền huy động được gửi ngân hàng, trở thành khách hàng VIP tại đây và sau đó là cổ đông lớn nhất. Để tạo vỏ bọc cho việc lừa đảo, Ponzi mua mua nhiều đất đai và sống cuộc sống xa hoa.

Chỉ đến khi báo Boston Post khởi đăng loạt bài điều tra chỉ ra rằng công ty của Ponzi không thể sinh lời đủ để trả cho nhà đầu tư, cơ quan kiểm toán của chính phủ vào cuộc phanh phui số nợ hàng triệu USD vào thời điểm đó, mô hình này mới sụp đổ. Kể từ đó cái tên mô hình Ponzi bắt đầu được biết đến.

Kể từ đó đến nay nước Mỹ đã nhiều lần rúng động vì những vụ lừa đảo kiểu này, nhất là khi thị trường tài chính phát triển cao, các sản phẩm trở nên phức tạp khiến nhà đầu tư khó lòng hiểu tường tận. Vụ scandal gây chấn động nhất và được xem là nghiêm trọng nhất trong lịch sử lừa đảo trên thị trường tài chính Mỹ phải kể đến vụ án của “siêu lừa” Bernard Madoff năm 2008.

Với uy tín là chủ tịch sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ, một trong 3 sàn lớn nhất nước Mỹ hiện nay, Madoff huy động được hàng chục tỷ USD thông qua công ty đầu tư của mình có tên Bernard L. Madoff Investment Securities LLC.

Bernard L. Madoff (giữa) bị kết án 150 năm tù vì lừa đảo theo mô hình Ponzi
Bernard L. Madoff (giữa) bị kết án 150 năm tù vì lừa đảo theo mô hình Ponzi

Theo cáo trạng của cơ quan điều tra, suốt từ những năm 1970, công ty của Madoff đã tiến hành lừa đảo. Khác với các “ông trùm” của mô hình Ponzi khác, Madoff không hứa hẹn mức lãi suất cao cho nhà đầu tư mà liên tục gửi cho nhà đầu tư những bản sao kê giả của tài khoản nhà họ mở tại công ty của mình.

Người bị hại sẽ thấy số tiền lời trong tài khoản dù không cao nhưng liên tục tăng ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng. Vì vậy họ không ngừng giới thiệu tới người khác tham gia góp vốn. Đến khi có người muốn rút tiền, Madoff chỉ đạo nhân viên lấy tiền góp vốn của các nhà đầu tư khác để chi trả. Nạn nhân của “siêu lừa” này thuộc đủ mọi tầng lớp, từ người lao động, tầng lớp trung lưu, những người có ảnh hưởng lớn bất kể già trẻ.

Chỉ tính riêng số người nộp đơn xin bồi thường sau khi vụ việc vỡ lở đã lên tới hơn 15.000 người. Và cũng giống như những nạn nhân của Muaban24, trong khi Madoff yên phận với án tù 150 năm thì những nạn nhận của vụ scandal này không chỉ mất hết tiền của mà là cả tương lai.

Mới đây nhất, ngày 17/8, Ủy ban chứng khoán Mỹ đã đóng cửa trang web ZeekRewards.com và phong tỏa tài sản của công ty sở hữu trang web này là Rex Venture Group cũng vì hành vi lừa đảo theo mô hình Ponzi. Quy mô của vụ lừa đảo này được xác định khoảng 600 triệu USD (tương đương hơn 12.000 tỷ đồng) với số người bị hại hơn 1 triệu sau chỉ hơn 1 năm thực hiện.

Những ai truy cập vào ZeekRewards đều được đề nghị đóng một khoản phí thành viên để trở thành “đối tác” với lời hứa hẹn sẽ được chia sẻ lợi nhuận. Trên thực tế, công ty này dùng chính tiền của người đăng ký sau để trả cho người đến trước.

Những dấu hiệu để phát hiện một mô hình Ponzi?

Theo Ủy ban chứng khoán Mỹ, các mô hình Ponzi đều có những đặc điểm chung dễ nhận biết như sau:

Hứa hẹn lợi nhuận cao với rủi ro thấp hoặc không hề có rủi ro: Bất kỳ khoản đầu tư nào cũng sẽ rủi ro nhất định và những khoản đầu tư có khả năng sinh lời càng cao thì rủi ro càng lớn. Vậy nên hãy cảnh giác với những cơ hội đầu tư mà lợi nhuận được hứa hẹn là chắc chắn.

Lợi nhuận quá ổn định: Các khoản đầu tư luôn biến động theo thời gian, đặc biệt là những khoản nhắm tới lợi nhuận cao. Do đó nếu một cơ hội đầu tư nào đó được chào mời rằng sẽ liên tục sinh lời ở mức ổn định bất kể tình hình thị trường ra sao thì đó rất có thể là một mô hình Ponzi.

Các quỹ đầu tư không rõ ràng về danh tính: Đa số các mô hình Ponzi đều liên quan đến các quỹ đầu tư không được đăng ký với cơ quan chức năng, hay không được cấp phép. Việc đăng ký này rất quan trọng bởi nó giúp nhà đầu tư nắm được những thông tin chính yếu về ban lãnh đạo công ty, các sản phẩm, dịch vụ và tình hình tài chính của công ty đó.

Chiến lược đầu tư phức tạp và/hoặc bí mật: Các nhà đầu tư nên tránh xa các loại hình đầu tư mà mình không hiểu rõ hoặc những chiến lược đầu tư được quảng cáo là “bí mật”, chưa thể tiết lộ.

Nhập nhèm về hồ sơ: Đừng bao giờ nhẹ dạ, tin vào những dự án được giới thiệu miệng mà không có tài liệu bằng văn bản. Hãy đọc kỹ bản báo bạch hoặc tài liệu công bố thông tin của các quỹ đầu tư trước khi quyết định góp vốn. Ngoài ra những sai sót trong bản sao kê tài khoản cũng có thể là dấu hiệu cho thấy vốn đầu tư không được sử dụng đúng mục đích.

Gặp khó khăn khi rút vốn hoặc chi trả lợi nhuận: Hãy cảnh giác nếu bạn không nhận được tiền lời hoặc gặp khó khăn khi muốn rút vốn. Hãy nhớ rằng các thuyết khách của mô hình Ponzi luôn khuyến khích người tham gia đừng vội rút tiền lãi bằng cách hứa hẹn khoản lãi sẽ cao hơn nếu nhà đầu tư chờ thêm một thời gian nữa.

Ngoài mô hình Ponzi kể trên, trên thế giới và cả tại Việt Nam những năm gần đây cũng ghi nhận một biến thể khác của nó đó là mô hình kim tự tháp hay còn gọi là mô hình bán hàng đa cấp. Điểm chung của hai mô hình này đó là đều dùng tiền của người đến sau trả cho người đến trước chứ không phải từ lợi nhuận của việc đầu tư hay bán sản phẩm ra thị trường.

Dù vậy so với mô hình Ponzi, mô hình kim tự tháp có một số điểm khác biệt. Trước hết thay vì hứa hẹn về khoản đầu tư sinh lời cao với rủi ro thấp để “hút” tiền từ nạn nhân, “ông trùm” các mô hình kim tự tháp sẽ cam kết rằng người tham gia sẽ kiếm lời cao sau khi góp một số tiền nhất định và tuyển thêm được một lượng người bán sản phẩm đó. Nhưng thực chất các sản phẩm này không tồn tại, hoặc là hàng kém chất lượng, hoặc chỉ được mua bán giữa các thành viên của mô hình này.

Với mô hình đa cấp, để được hưởng lợi nhuận, người tham gia bắt buộc phải tuyển được người tham gia mới. Các khoản lợi nhuận thực chất không đến từ việc bán sản phẩm của công ty mà là từ tiền góp của các thành viên mới để được gia nhập vào mạng lưới.

Theo các chuyên gia, so với mô hình Ponzi thì mô hình kim tự tháp này thường sụp đổ nhanh hơn nhiều bởi nó đòi hỏi số lượng người tham gia ở mỗi cấp phải tăng liên tục. Chỉ cần có một cấp nào đó gặp khó khăn trong việc tuyển người mới, cả “kim tự tháp” sẽ sụp đổ.

Để tránh mắc bẫy mô hình này, nhà đầu tư cần cảnh giác với những “cơ hội” kiếm lời đi kèm với yêu cầu phải lôi kéo thêm những người mới để tăng lợi nhuận hoặc được hoàn lại số tiền góp vốn ban đầu. Ngoài ra việc xác minh tính hợp pháp của bất kỳ quỹ đầu tư hay công ty bán hàng đa cấp nào trước khi đầu tư là rất cần thiết.

Thanh Tùng
Tổng hợp