HDBank và PGBank đang tích cực "về chung một nhà" vào cuối 2019
(Dân trí) - Hai ngân hàng HDBank và PGBank đang tích cực tiến hành các thủ tục sáp nhập và xử lý các vấn đề còn tồn đọng để việc vận hành, kinh doanh trong tương lai được “trôi chảy”.
Ngày 23/4, Ngân hàng Thương mại CP Phát triển TPHCM (HDBank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Trong đó, tiến độ sát nhập giữa HDBank và Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex (PGBank) là vấn đề được cổ đông quan tâm.
Ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng Giám đốc HDBank cho biết, trong đại hội năm 2018, cổ đông của cả hai ngân hàng đều đã thông qua phương áp sáp nhập.
Cụ thể, 100% cổ đông PGBank đồng ý sáp nhập vào HDBank trong khi tỉ lệ đồng ý ở HDBank là 94,28%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập này.
Tháng 10/2018, NHNN đã chấp thuận nguyên tắc sáp nhập. Hồ sơ chính thức đã được gửi lên NHNN và đang trong giai đoạn xử lý. Hai ngân hàng cũng đang tích cực xử lý các vấn đề còn tồn đọng để việc vận hành, kinh doanh sau này được “trôi chảy”.
HDBank đang cử người đại diện tham gia vào HĐQT của PGBank để đẩy nhanh quá trình sáp nhập. Dự kiến đến cuối năm 2019 thì công tác sáp nhập sẽ hoàn thành.
Tại đại hội cổ đông, HĐQT HDBank đã trình cổ đông thông qua tờ trình tự nhiệm của thành viên HĐQT độc lập là ông Lý Vinh Quang.
Theo đó, thực hiện chủ trương của NHNN về việc chấp thuận nguyên tắc sáp nhập PGBank vào HDBank, HĐQT đã cử ông Lý Vinh Quang là thành viên HĐQT độc lập ứng cử làm thành viên HĐQT của PGBank.
Nói về những lợi thế của HDBank trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch HĐQT HDBank chia sẻ, lợi thế phát triển của HDBank chính là sự gắn bó, tin tưởng của cổ đông. Ngân hàng này cũng có đội ngũ nhân viên lành nghề, tâm huyết và tính kết nối cao với kênh phân phối, khách hàng.
“Ngoài các phòng giao dịch của ngân hàng thì chúng tôi cũng còn các điểm giao dịch của các công ty tài chính tiêu dùng. HDBank cũng có một hệ sinh thái khách hàng lớn và đây chính là lợi thế không hề nhỏ của chúng tôi”, bà Thảo nói.
Phân tích cụ thể hơn về lợi thế hệ sinh thái khách hàng, bà Thảo cho biết, HDBank có nguồn dữ liệu khách hàng lên đến 7 triệu người. Các cổ đông của Vietjet cũng có tài khoản thanh toán và thu chi hộ tại HDBank nên HDBank hoàn toàn có cơ hội tiếp cận khách hàng của Vietjet.
Ngoài ra, việc sáp nhập với PGBank của Petrolimex cũng sẽ giúp cho HDBank tiếp cận được nguồn khách hàng xăng dầu “khổng lồ”. Đây là những lợi thế không hề nhỏ của HDBank trong tương lai.
Theo báo cáo của HĐQT tại đại hội, trong năm 2018, HDBank ghi nhận hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, tổng tài sản đạt 216.057 tỷ đồng, tăng 14,1%. Vốn chủ sở hữu đạt 16.828 tỷ đồng, tăng 14%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 129.624 tỷ đồng tăng 17,8%. Tổng nguồn vốn huy động đạt 186.722 tăng 9,5% so với năm 2017, trong đó, huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt 142.987 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp 1,5%, trong đó tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ có 1,1%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 12,1%. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.005 tỷ đồng, tăng 65,7% so với năm 2017 và hoàn thành 101,8% kế hoạch đề ra.
HDBank tiếp tục giữ vững vị thế ngân hàng có tốc độ tăng trưởng kép về lợi nhuận ròng. Thống kê trong vòng 5 năm từ 2013 – 2018,tăng trưởng kép lợi nhuận ròng của HDBank đạt mức 67,1%. Nhờ vậy, hệ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) cũng tăng trưởng bình quân gần 50%.
Đại hội cổ đông HDBank 2019 cũng thông qua phương án phân phối lợi nhuận 2018, tờ trình thù lao – kế hoạch ngân sách của HĐQT, tờ trình tăng vốn điều lệ.
Theo đó, ngân hàng này vẫn tiếp tục giữ mức chia cổ tức cao và đều đặn trong nhiều năm liền với tổng tỷ lệ cổ tức và cổ phiếu thưởng là 30%. Trong đó, cổ đông HDBank sẽ được nhận cổ tức với tỷ lệ 10%, chi trả bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%.
Đồng thời, Đại hội cổ đông cũng nhất trí cao với phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2019 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và cổ phiếu thưởng. Kế hoạch tăng vốn này sẽ giúp HDBank nâng cao hơn nữa chỉ tiêu an toàn vốn theo Basel II và bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
Đại Việt