1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hậu quả nền hành chính xin-cho: Doanh nghiệp Việt vừa không muốn lớn vừa sợ lớn

(Dân trí) - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, nền hành chính “xin – cho” nhiều hơn là quan hệ thị trường và năng lực cạnh tranh chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt vừa không muốn lớn vừa sợ lớn.

Hậu quả nền hành chính xin-cho: Doanh nghiệp Việt vừa không muốn lớn vừa sợ lớn - 1

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Hậu quả của nền hành chính xin-cho rất nặng nề 

Tại cuộc Đối thoại kinh tế Việt Nam 2020 diễn ra sáng nay (29/12), tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM chia sẻ thẳng thắn về các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam năm 2019.

Ông Cung cho rằng, GDP Việt Nam năm 2019 tăng 7,02% vượt chỉ tiêu đề ra là tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Điển hình như chỉ số môi trường báo cáo đạt nhưng chất lượng không khí ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM suy giảm là điều đáng suy ngẫm. Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD nhưng đằng sau con số đó là độ mở lớn, độ rủi ro cao, tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế gia tăng.

"Khi nhìn vào sâu hơn, 70% xuất khẩu của Việt Nam đến từ doanh nghiệp FDI đồng nghĩa với sự lệ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài. Bởi thế, nền kinh tế nước nhà cần nỗ lực nhiều hơn ngoài những con số đẹp", TS Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.

Ông Cung nhận định, với mức tăng 7,02% có sự đóng rất lớn của khu vực kinh tế tư nhân trong nước và nỗ lực cải cách thể chế, môi trường kinh doanh của chính phủ. Để khối doanh nghiệp tư nhân có thể cạnh tranh thực sự bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, chính phủ cần giải quyết 2 vấn đề cốt lõi.

Thứ nhất, hệ thống thể chế cần ổn định, rõ ràng, cụ thể và có sự tiên đoán trước, tránh sự chồng chéo, không đồng nhất giữa các cấp. Thứ hai, phần tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh cần rõ ràng, minh bạch. Nếu nền hành chính còn tiếp tục cơ chế “xin – cho” nhiều hơn là quan hệ thị trường và năng lực cạnh tranh thì doanh nghiệp Việt vừa không muốn lớn vừa sợ lớn.

Đồng quan điểm, ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng, mọi nền kinh tế thị trường, khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng. Bởi vậy, nhà nước cần ưu tiên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân liên doanh, liên kết, mua cổ phần của các DNNN mà nhà nước không cần nắm giữ.

"Doanh nghiệp tư nhân Việt hiện bị gò bó bởi nhiều rào cản nên rất cần những tư tưởng mới để cởi trói, trỗi dậy. Và đó là cách duy nhất để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển", chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhấn mạnh.

Ông Lược dự đoán, nền kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn có thể duy trì mức độ tăng trưởng GDP trên 7% nếu chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả.

An Chi