Hãng xe của ông Phạm Nhật Vượng tuyên bố gây ngỡ ngàng, cổ phiếu bật tăng

Mai Chi

(Dân trí) - Cùng với sự "nổi bão" ở nhóm cổ phiếu bất động sản thì "họ" Vingroup với VIC, VHM, VRE đồng loạt tăng mạnh, kéo VN-Index tăng điểm. Vingroup tuyên bố chuyển hoàn toàn sang xe điện vào cuối năm 2022.

Công thần "họ Vin"

Toàn thị trường phiên hôm nay có 520 mã giảm nhưng chỉ có 8 mã giảm sàn, đồng thời cũng có 517 mã tăng, tới 82 mã tăng trần.

Trong 10 mã có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index thì hầu hết liên quan đến bất động sản bên cạnh 3 mã ngân hàng là VCB, BID và SHB.

Công thần số một chính là VIC của Vingroup với mức đóng góp 4,53 điểm. Kế đến là VHM với đóng góp gần 1,5 điểm; VRE với 1,42 điểm.

Hãng xe của ông Phạm Nhật Vượng tuyên bố gây ngỡ ngàng, cổ phiếu bật tăng - 1

Top 3 cổ phiếu họ Vin đóng góp phần lớn vào mức tăng của VN-Index (Ảnh chụp màn hình).

Cổ phiếu "họ Vin" bật tăng mạnh giữa lúc tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng nay (6/1) vừa có màn giới thiệu 5 mẫu xe điện, công bố giá bán VF 8 và VF 9 cùng loạt chính sách ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Triển lãm CES 2022.

Sự kiện EV Day của VinFast khép lại cùng thông điệp chuyển mình thành hãng xe thuần điện toàn cầu. Bà Lê Thị Thu Thủy - Tổng giám đốc VinFast toàn cầu kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup tuyên bố, hãng này sẽ chuyển hoàn toàn sang xe điện vào cuối năm 2022, đồng nghĩa với việc dừng sản xuất xe chạy xăng.

Nhờ sự "gồng gánh" của nhóm Vingroup cùng loạt cổ phiếu bất động sản, VN-Index đóng cửa tăng 6,07 điểm tương ứng 0,4% lên 1.528,57 điểm. Trong khi đó, với 15 mã giảm giá, VN30-Index lại giảm nhẹ 1,06 điểm tương ứng 0,07% còn 1.544,95 điểm.

Hiệu ứng "fomo", tiền đổ vào penny, cổ đất

Hãng xe của ông Phạm Nhật Vượng tuyên bố gây ngỡ ngàng, cổ phiếu bật tăng - 2

Tiền tiếp tục đổ mạnh vào thị trường (Ảnh chụp màn hình).

Tiền vẫn không đổ vào thị trường với thanh khoản nhỉnh hơn so với phiên hôm qua. HSX có 35.394,42 tỷ đồng được giải ngân, khối lượng giao dịch đạt trên 1,13 tỷ cổ phiếu; trong khi trên HNX là 3.900,23 tỷ đồng, khối lượng giao dịch 139,69 triệu đơn vị. UPCoM có 112,09 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.482,93 tỷ đồng.

Dòng tiền vẫn săn đón cổ phiếu penny. Chỉ số VNSML-Index của dòng cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng 17,03 điểm tương ứng 0,76% còn VNMID-Index của dòng vốn hóa trung bình tăng 16,16 điểm tương ứng 0,71%.

Hãng xe của ông Phạm Nhật Vượng tuyên bố gây ngỡ ngàng, cổ phiếu bật tăng - 3

VNSML-Index và VNMID-Index tăng điểm tích cực trong khi VN30-Index bị điều chỉnh.

Cổ phiếu bất động sản vẫn gây "náo động" thị trường với diễn biến tăng trần ồ ạt tại hàng loạt mã như BCM, SCR, AMD, DXG, HAR, HTN, ITA, KHG, VRC, QCG, VPH… Hầu hết đều trắng bên bán và dư mua giá trần.

Nhiều cổ phiếu cùng ngành khác như NBB cũng tăng 6,3%; D2D tăng 6,2%; CCI tăng 5,7%; FLC tăng 5,5%; HQC tăng 5,5%; DRH tăng 3,9%.

Cổ phiếu xây dựng, vật liệu cũng chưa hết sức nóng khi chứng kiến đà tăng trần tại CTD, DC4, DXV, NHA, UDC, VNE, ACC, MCG. PXG cũng tăng 6,5%; CIG tăng 5,9%; EVG tăng 3,3%; PXI tăng 2,9%...

Hãng xe của ông Phạm Nhật Vượng tuyên bố gây ngỡ ngàng, cổ phiếu bật tăng - 4

Cổ phiếu bất động sản đua trần khuấy động thị trường (Ảnh chụp màn hình).

Dòng tiền của nhà đầu tư đang cho thấy sự thiên vị lớn với những cổ phiếu thuộc ngành "nóng" như bất động sản và xây dựng. Trong khi đó, dòng ngân hàng phân hóa còn cổ phiếu chứng khoán thì phần lớn bị bán mạnh.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, một số "đầu tàu" như VCB tăng 1,4%; BID tăng 2,6% nhưng vẫn chưa thể "tiếp lửa" để nhà đầu tư chú ý đến ngành này. Giới đầu tư vẫn tỏ ra lạnh nhạt, rút tiền khỏi nhóm này. SSB, LPB, ABB, CTG, OCB, VIB, TCB, MBB đều giảm giá.

Trong khi đó, dù có triển vọng tốt về kết quả kinh doanh nhưng nhóm chứng khoán vẫn bị chốt lời ngắn hạn. BSI giảm 3,6%; APS giảm 3,2%; ORS giảm 2,9%; PSI giảm 2,6%; WSS giảm 2,2%; FTS giảm 2,1%...

Như vậy, nhìn chung hiệu ứng "fomo" trên thị trường vẫn tương đối mạnh mẽ, sự quan tâm của nhà đầu tư vẫn hướng về "cổ đất" là chủ yếu.