Các lão làng chứng khoán tụt hậu hay chiến lược "mì ăn liền" của đàn em?

Việt Đức

(Dân trí) - VPS tiếp tục bỏ xa các công ty chứng khoán lớn về thị phần môi giới trong quý cuối cùng của năm 2021, nhưng chấp nhập mức tỷ suất sinh lời thuộc dạng thấp nhất toàn ngành.

Bảng xếp hạng nhiều xáo trộn

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) vừa công bố số liệu thị phần giá trị giao dịch môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ của 10 công ty chứng khoán lớn nhất trong quý IV/2021. Kết thúc năm 2021, VPS vẫn ở ngôi đầu bảng với 17,1% thị phần. SSI đứng thứ hai, sở hữu 10,3% thị phần. 

Hai vị trí tiếp theo cũng không thay đổi. VNDirect vững vàng đứng thứ ba với thị phần 7,7%, đi ngang so với quý trước. Trong khi đó, một đại gia lâu đời trong ngành là HSC dù giữ nguyên vị trí nhưng con số thị phần tụt từ 6,8% xuống còn 5,7%. 

Tuy nhiên, vị trí còn lại trong top 5 lại thay đổi. Công ty Chứng khoán Kỹ thương - TCBS, công ty con của ngân hàng Techcombank lần đầu góp mặt trong top 5 về thị phần môi giới cổ phiếu với 5,3%, tăng 0,5% so với quý trước.

Việc TCBS thăng hạng cũng đồng nghĩa với việc Chứng khoán Bản Việt (VCSC) văng khỏi top 5. Tuy nhiên, VCSC thậm chí bị đẩy xuống vị trí thứ 8 khi thị phần giảm còn 4,4%, tương đương MBS và xếp sau Mirae Asset (4,7%).

Hai vị trí cuối cùng trong top 10 không có sự xáo trộn khi lần lượt thuộc về FPTS (3,4%) và KIS (2,8%).

Các lão làng chứng khoán tụt hậu hay chiến lược mì ăn liền của đàn em? - 1

Biểu đồ: Việt Đức.

Tổng kết toàn bộ năm 2021, 5 vị trí dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu trên HSX thuộc về VPS (16,1%), SSI (11,1%), VNDirect (7,5%), HSC (6,7%), VCSC (6,7%). Trong khi đó, ở mảng môi giới trái phiếu, TCBS tiếp tục vị thế thống trị tuyệt đối gần như không có đối thủ với 38,9% thị phần, bỏ xa đơn vị đứng thứ hai là Công ty Chứng khoán Tiên Phong (19% cổ phần).

Đối lập giữa thị phần và lợi nhuận

Trên thị trường, VPS bắt đầu bứt tốc về thị phần môi giới cổ phiếu từ giữa năm 2020 khi thu hút cả nhà đầu tư mới lẫn khách hàng của các công ty khác thành công nhờ các chính sách miễn, giảm phí giao dịch thời gian đầu, hạ lãi suất cho vay margin xuống thấp, có thời điểm chỉ 5-6%. 

Công ty này cũng chấp nhận trả hoa hồng cao so với mặt bằng chung toàn ngành để thu hút đội ngũ môi giới. Tuy nhiên, dù có lượng khách hàng tăng nhanh chóng, VPS cũng chấp nhận đánh đổi về tỷ suất sinh lời.

Các lão làng chứng khoán tụt hậu hay chiến lược mì ăn liền của đàn em? - 2

Biểu đồ: Việt Đức.

Số liệu trên báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm cho thấy dù ghi nhận doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong ngành nhưng VPS cũng phải tiêu tốn đến 1.628 tỷ đồng chi phí cho mảng kinh doanh chính này. 

Như vậy, để có 10 đồng môi giới, công ty này tiêu tốn đến 8 đồng chi phí. Trong khi đó, tỷ lệ chi phí trên doanh thu môi giới chứng khoán ở các công ty có doanh thu môi giới nghìn tỷ khác như SSI, VNDirect, HSC bình quân chỉ dao động trong khoảng 50-60%.

Nếu xét đến tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng doanh thu hoạt động, con số VPS đạt được chưa đến 10%. Trong khi đó, biên lợi nhuận ròng của 4 công ty chứng khoán kỳ cựu lên tới 30-40% dù kém VPS về thị phần môi giới. Nhà đầu tư sử dụng dịch vụ của VPS có thể hài lòng nhưng cổ đông của công ty chứng khoán này thì chắc chắn sẽ phải chạnh lòng khi điểm qua những con số thể hiện tỷ suất sinh lời nói trên.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc VCSC Tô Hải từng chia sẻ tại họp đại hội thường niên hồi tháng 4/2021 rằng nếu các công ty chứng khoán đều lấy thị phần để làm tiêu chí chạy đua, bản thân mảng kinh doanh môi giới sẽ không còn mang về lợi nhuận. Chính sách không lấy phí giao dịch, giảm lãi suất không khác gì việc bỏ tiền ra mua thị phần. 

Ông nhấn mạnh việc chỉ theo đuổi con số thị phần môi giới sẽ rất khốc liệt. Nhiều công ty đổ tiền cho cuộc chơi này vì thị phần là thứ dễ nhìn thấy nhất khi nói đến ngành chứng khoán. Tại đại hội thường niên gần nhất, ông Hải cũng lạc quan cho rằng thứ hạng về thị phần của VCSC có thể sẽ sụt giảm nhưng đó không phải là chỉ tiêu quá quan trọng với công ty. Mục tiêu chính của doanh nghiệp là duy trì tỷ suất lợi nhuận thuộc nhóm đầu toàn ngành.