1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng Trung Quốc “chiếm” thị trường

Thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc ngày càng lớn và những con số nhập lậu không thống kê được đang làm méo mó thị trường, đè bẹp hàng sản xuất trong nước.

Các chuyên gia kinh tế từng khuyến cáo về số liệu chênh lệch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng phải đến khi đại biểu Mai Hữu Tín lên tiếng tại nghị trường Quốc hội, chuyện này mới thật sự gây sốc. Nếu số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc là chuẩn thì có thể thấy một lượng lớn hàng hóa đã nhập lậu và xuất lậu qua biên giới mà cơ quan quản lý Việt Nam không kiểm soát được.

Bất lợi cho Việt Nam

Thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc trong những năm gần đây ngày càng trầm trọng. Nếu năm 2010, nhập siêu từ Trung Quốc là 12,4 tỉ USD thì đã tăng lên 16,3 tỉ USD vào năm 2012 và 29 tỉ USD trong năm 2014.

Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc cũng chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong tổng nhập khẩu - từ 9% năm 2001 lên 28% năm 2013. Nếu tính cả Đài Loan và đặc khu hành chính Hồng Kông, tỉ trọng nhập khẩu từ khối thị trường này lên tới 36% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu.

Hàng hóa Trung Quốc đang đè bẹp
hàng sản xuất trong nước. Ảnh: Tấn Thạnh
 Hàng hóa Trung Quốc đang đè bẹp hàng sản xuất trong nước. Ảnh: Tấn Thạnh

Vấn đề nguy hiểm hơn, lớn hơn cho nền kinh tế Việt Nam là đã phát sinh chênh lệch về số liệu xuất nhập khẩu theo hướng ngày càng bất lợi cho Việt Nam. Số liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc năm 2014 cho thấy Việt Nam nhập siêu từ nước này lên tới 43,8 tỉ USD, trong khi Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố chỉ 29 tỉ USD. Về lý thuyết, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc mà Việt Nam ghi nhận (đã bao gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm) thường phải cao hơn giá trị Trung Quốc ghi nhận nhưng ở đây, thống kê của cơ quan quản lý 2 nước lại vênh nhau khoảng 20 tỉ USD, chỉ riêng năm 2014.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Bùi Trinh - Nguyễn Việt Phong về mối quan hệ thương mại với Trung Quốc cho thấy trong cả giai đoạn từ 2001-2012, số liệu về cán cân thương mại giữa 2 quốc gia luôn khác nhau. Đặc biệt, chênh lệch số liệu cao nhất trong năm 2010 là 3,6 tỉ USD, năm 2011 là 4,7 tỉ USD và năm 2014 lên đến 20 tỉ USD. Như vậy, một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc đã lọt vào lãnh thổ Việt Nam mà cơ quan quản lý không kiểm soát được?

Hàng nào nhập lậu nhiều nhất?

Theo phân tích của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, từ số liệu xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc năm 2013, hàng nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam hơn 11,7 tỉ USD. Trong đó, các mặt hàng có khả năng nhập lậu nhiều là rau củ, trái cây… chênh lệch hơn 1,1 tỉ USD. “Khủng” nhất là hàng may mặc và các nguyên phụ liệu như bông, sợi, xơ...  khi chênh lệch đến 8,2 tỉ USD. 

Đáng chú ý, đối với hàng may mặc như phụ kiện đan, móc (theo mã 61), Việt Nam nói nhập từ Trung Quốc chỉ 210 triệu USD nhưng cơ quan thống kê nước này công bố xuất sang Việt Nam tới 4,77 tỉ USD. Mặt hàng bông, Việt Nam thống kê nhập từ Trung Quốc chỉ 930 triệu USD nhưng nước này đưa con số 2,5 tỉ USD. “Sắt thép, kim loại cũng chênh lệch số liệu tới 2,2 tỉ USD cho thấy nhập lậu rất khủng khiếp, ngành thép trong nước làm sao cạnh tranh nổi?” - ông Tuấn dẫn chứng.

Khó hiểu nhất, theo vị chuyên gia đến từ Fulbright, là chênh lệch số liệu ở mặt hàng điện, thiết bị điện tử, linh kiện điện tử… Việt Nam công bố nhập khẩu từ Trung Quốc 2,45 tỉ USD, phía Trung Quốc thống kê lên tới 7 tỉ USD. Tại sao có sự chênh lệch số liệu lớn như vậy, một phần có thể do doanh nghiệp khai giá thấp để chuyển giá về công ty mẹ ở nước ngoài, phần còn lại là hàng nhập lậu!

Mới là bề nổi

Tại hội thảo về tăng cường hoạt động thương mại, xuất khẩu qua Trung Quốc tổ chức cuối tuần qua, đại diện Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM cho biết kim ngạch thương mại 2 nước đã cán mốc 83,5 tỉ USD vào năm 2014, trong khi số liệu Việt Nam đưa ra chỉ 58,7 tỉ USD (chênh lệch gần 25 tỉ USD). Ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu, thắc mắc: “Ngoài cách thống kê khác nhau, có phải việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu giữa 2 nước còn lỏng lẻo? Hiện có nhiều thương nhân Trung Quốc đến các cảng cá ở Việt Nam để thu mua trực tiếp từ nông dân. Sau đó, họ xuất tiểu ngạch về nước gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và cũng góp phần làm chênh lệch số liệu thống kê”.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng yếu tố đầu tiên làm chênh lệch số liệu thống kê giữa 2 nước là buôn lậu nhưng không phải tất cả. Chẳng hạn, những mặt hàng tạm nhập tái xuất khi vào Việt Nam không được bóc tách để thống kê riêng (khác với Trung Quốc và các nước) nên sẽ có chênh lệch số liệu.

“Vừa rồi, người em của tôi mua một đầu DVD trên mạng eBay từ Trung Quốc gửi về Việt Nam, giá thanh toán hơn 130 USD. Khi tôi ra nhận hàng, thấy giá hải quan áp dụng để nộp thuế nhập khẩu lên tới 185 USD. Tôi thắc mắc, hải quan nói: Giá trên tờ khai phía Trung Quốc chỉ 60 USD nên hải quan Việt Nam không chấp nhận và đã quyết định áp mức giá 185 USD để tính thuế nhập khẩu” - ông Tuấn dẫn câu chuyện để thấy chênh lệch số liệu do việc ghi giá trị hàng hóa của hải quan 2 nước.

 Né thuế

TS Bùi Trinh cho rằng yếu tố ghi giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của hải quan rất quan trọng, tác động lớn đến chênh lệch số liệu, nhất là với những doanh nghiệp làm gia công. Chẳng hạn, doanh nghiệp dệt may trong nước làm gia công cho doanh nghiệp Trung Quốc, ký mua đơn hàng vải các loại 5 triệu USD ở Trung Quốc nhưng về Việt Nam chỉ khai báo hải quan 2 triệu USD để né thuế hoặc trốn thuế. Cách làm này khá phổ biến. “Ngành hải quan phải tìm ra biện pháp để hạn chế tình trạng ghi sai lệch giá trị hàng hóa để né thuế” - ông Trinh nói.

 Kỳ tới: Chỉ lợi trước mắt

 Theo Thái Phương
NLĐ

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm