Hàng Thái "ngập hóa" thị trường, doanh nghiệp Việt đừng đứng chờ và hy vọng TPP!
(Dân trí) - Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hàng ngoại nhan nhản siêu thị là do chính sách tiếp thị, xâm nhập thị trường của các DN ngoại rất tốt. Bà Lan khẳng định: đừng trông chờ hàng ngoại phân phối đến tận bàn ăn, mà ngay lúc này cần lập phòng tuyến, làm chiến lược để chống hàng ngoại nhập, bảo vệ lợi ích hàng Việt
Cuộc thua không dễ để chấp nhận
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Chúng ta phải đặt lại câu hỏi, các loại thực phẩm tiêu dùng, đồ may mặc trước kia có sản phẩm Trung Quốc vào siêu thị không? có nhưng mà ít. Nay hàng Thái, Malaysia thì bạt ngàn, đi đâu, chỗ nào, mặt hàng nào cũng có hàng Thái, còn hàng Việt suốt ngày bị dư luận chê bai, người tiêu dùng thờ ơ. Lỗi đầu tiên là chúng ta không định hướng được dư luận và anh làm truyền thông kém”.
Thứ hai, theo bà Lan, các DN Việt đang ở tình trạng "quân ta, hại quân mình", khi các siêu thị đang đòi tỷ lệ yêu cầu chiết khấu quá cao, khiến các DN Việt không đủ ngân sách để cạnh tranh với các nhãn hàng nước ngoài được. Lợi ích siêu thị đang ăn mòn gần hết lãi của DN thì ai dám bán nữa. Lợi ích kinh tế nhất thời của các siêu thị, cửa hàng tiện ích đang giết chết hàng Việt.
"Chúng ta hiểu đơn giản là vào siêu thị, các DN có sản phẩm không phải mua chỗ mà mua luôn cả suất hiện diện thương hiệu. Đa số người tiêu dùng trẻ ở thành phố đều 1 lần đi siêu thị, ấn tượng của họ về hàng hóa đó sẽ định hình thói quen mua sắm và nhu cầu mua sắm hiện tại và tương lai”, bà Chi Lan nói.
Bà Lan nói thêm: Để đánh bại hàng Thái, còn phải một quá trình từ nhận thức đến hành động chính sách rồi năng lực của các nhà sản xuất. Chừng nào chất lượng hàng Việt tốt, các nhà sản xuất hàng Việt chú tâm là chất lượng, liên kết để giảm giá thành và xây dựng thương hiệu thì chúng ta sẽ thành công. Chẳng lẽ hàng Thái đang tràn ngập Việt Nam mà các DN Việt vẫn đứng nhìn, trông chờ vào TPP, AEC? Cần phải có chiến lược chống "ngập hóa" thị trường" ngay.
“Chúng ta không thiếu các sản phẩm nổi bật mà không nước nào cạnh tranh được tại thị trường trong nước, đó là sữa tươi của Vinamilk, của TH...sữa của Thái Lan rất mạnh nhưng họ có vào thị trường của Việt Nam được đâu? Chỉ những mặt hàng nào DN Việt không chú ý xây dựng thương hiệu, không để ý đến tâm lý tiêu dùng của thị trường, hàng Thái mới đánh vào. Lỗi là lỗi của DN Việt, chứ không phải người tiêu dùng. Hơn ai hết, DN Việt cần nhìn ra điểm yếu của mình để tự khắc phục”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Ở quan điểm khác, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nêu quan điểm: "Về tỷ lệ chiết khấu, nó là thực tế bao nhiêu năm nay rồi, nhiều DN bức xúc lắm. Nếu nhìn vào giỏ hàng của các sản phẩm tại các siêu thị, chỉ những nhãn hàng lớn, có tiếng mới vào được, còn nhãn hàng mới, nhỏ thì trầy trật. Đây rõ ràng là cuộc cạnh tranh không công bằng, thiếu minh bạch".
Ông Phú khẳng định: Nếu như trước đây, quan điểm của hầu hết các DN trong nước là hàng tốt thì xuất khẩu, hàng bình thường, thậm chí là kém chất lượng thì bán trong nước…thì nay đã thay đổi. Nhiều DN đã xác định được vị trí, tầm quan trọng của thị trường nội địa và từ đó có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm. Chính bởi nguyên do này, không ít DN nội đang không ngừng đổi mới công nghệ, kỹ thuật để cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng và hàm lượng sáng tạo cao.
Hiện, các DN Thái Lan đang thâu tóm nhiều hệ thống bán lẻ hiện đại lớn nhất tại Việt Nam như Metro, BigC, Nguyễn Kim…. đồng thời họ cũng tự tay mở rộng hệ thống phân phối rộng khắp qua các đại lý, cửa hàng chuyên đồ Thái ở các thành phố lớn.
Lo sợ vào TPP, DN Việt chỉ “hái rủi ro”
Theo các chuyên gia kinh tế, các DN bán lẻ và các nhà sản xuất, đây là cuộc tấn công, “đàn áp” thị trường nhằm biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ. Điều đáng nói, sau khi thâu tóm, các mặt hàng Thái Lan hiện diện ngày càng nhiều trong siêu thị trên, điều đó cho thấy, sự độc quyền trong cạnh tranh sản phẩm.
Ở trong nước, hiện cũng có một số DN phân phối đủ tầm cỡ cạnh tranh với các đối thủ của Thái như: Vingroup, Saigon Co.opmart hay Thegioididong… Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, người Thái cao tay hơn chúng ta, bởi họ mua đứt các hệ thống siêu thị lớn, có tên tuổi và có địa thế cực kỳ tốt, do đó sắp tới, bán lẻ hàng tiêu dùng sẽ là cuộc cạnh tranh quyết liệt, sống còn giữa các nhà phân phối của Việt Nam và Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, nền kinh tế mở cửa mạnh, thậm chí thênh thang đối với các DN nhỏ và vừa. Cơ hội cũng nhiều, nhưng thách thức cũng rất nhiều. Các DN Việt có cơ hội đi Châu Âu, Mỹ, đi khắp ASEAN để bán hàng, thu lợi. Nhưng vùng đất Việt Nam, thị trường Việt Nam cũng sắp mở bung cho các thương nhân, các nhà phân phối nước ngoài. Đây là cơ chế không thể cưỡng được của toàn cầu hóa, khu vực hóa của sân chơi đa phương hóa thương mại.
Bà Lan nói: “Thời điểm Việt Nam mới vào WTO, tôi và các chuyên gia kinh tế bày tỏ cảm xúc lo sợ DN Việt, sản phẩm Việt không thể xuất khẩu được, không thể cạnh tranh được. Nhưng thời gian qua, họ đã làm được, đã có nhiều sản phẩm Việt vươn tầm thế giới và có những cái tên nhất định. Lúc này khi vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và tham gia Hiệp định TPP cùng với FTA với EU, thì ở ta lại nhan nhản nói câu cửa miệng: nào là lợi ích, nào là mở cửa. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại nhất chính là năng lực cạnh tranh và áp lực của doanh nghiệp nhỏ, vừa ngay chính trên thị trường.
"Các DN Việt đang đuối sức trước cuộc cạnh tranh mà họ yếu nhiều bề trước các đối thủ Thái Lan, Malaysia. Hàng điện tử, điện máy của Việt Nam cũng liên doanh với Nhật, Hàn Quốc nhưng tại siêu thị điện máy hiện nay đa số sản phẩm Thái, Malaysia cạnh tranh quyết liệt với nhau. Phải chăng hàng Việt đi xuất khẩu. Không phải, hàng của chúng ta không chen chân vào siêu thị được, không bán được bởi tâm lý sính ngoại, cách làm truyền thông và cách khiến người tiêu dùng thay đổi nhận diện thương hiệu là chưa tốt”, vị chuyên gia tâm sự.
Nguyễn Tuyền