Hàng loạt sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ, mất vốn hàng trăm tỷ đồng tại VEAM
(Dân trí) - Kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) vừa được ban hành đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm tại doanh nghiệp này...
Sai phạm trong bổ nhiệm
Bộ Công Thương vừa có kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM).KK
Kết luận nêu rõ, trong giai đoạn từ 2010 đến tháng 6/2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên nguồn thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh mang lại.
Hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiết sót.
Cụ thể, VEAM đã để xảy ra một loạt các sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ như không thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục, quy chế trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Một số vi phạm cụ thể như: Hồ sơ bổ nhiệm một số trường hợp không đầy đủ theo quy định; còn sai sót trong quá trình ban hành một số quyết định, không ban hành các quyết định về bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đơn vị thuộc phù hợp với mô hình tổ chức mới của VEAM theo mô hình công ty mẹ - công ty con….
Việc thực hiện công tác cán bộ không đúng quy định trong giai đoạn 2010 đến tháng 6/2018, trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Thanh Giang (Tổng giám đốc 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011; Tổng giám đốc 2011-2015); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014; Tổng giám đốc 2015-2018); ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch 2015 đến nay), (Hội đồng Thành viên) Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, các phòng ban trong công tác tham mưu qua các thời kỳ.
Mất vốn gần 480 tỷ đồng
Không chỉ để xảy ra sai phạm trong công tác cán bộ, kết luận của Bộ Công Thương đã chỉ rõ việc VEAM để xảy ra một loạt sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ.
Cụ thể như lưu trữ hồ sơ không đầy đủ các tài liệu liên quan đến quản lý tài sản, vốn đầu tư; công tác kiểm kê tài sản chưa đầy đủ, không chính xác; mất tài sản 1 ô tô Fortuner với nguyên giá là 1 tỷ đồng; ghi nhận tài sản nhưng không kiểm kê; tính và trích khấu hao tài sản không đúng quy định, thanh lý tài sản chưa đúng quy định; quản lý, sử dụng tài sản hiệu suất sử dụng không cao, gây lãng phí.
Ghi tăng, giảm, điều chuyển tài sản không đúng quy định; mua sắm ô tô không thực hiện theo đúng quy định. Từ năm 2015, VEAM mua xe ô tô sai quy định với số tiền vượt lên là 2,63 tỷ đồng. Trong năm 2016, VEAM mua xe Toyota Landcruiser, xe ô tô Hoanda Odyssey.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết việc quản lý sử dụng vốn tại một số đơn vị hoạt động thua lỗ, gây mất vốn chủ sở hữu như: Chi nhánh VEAM tại Bắc Cạn; việc kinh doanh trong giai đoạn 2010- 6 tháng đầu năm 2018 gây mất vốn đầu tư của VEAM là hơn 331,8 tỷ đồng- ở đây được cho là có trách nhiệm của ông Trần Ngọc Hà- Tổng giám đốc vừa bị Hội đồng quản trị VEAM cho thôi chức vụ.
Đến đầu năm 2018, TAMAC đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và bị ấm vốn hơn 36 tỷ đồng. Công ty Mê Linh thuộc Viện Công nghệ mất 5,6 tỷ đồng. Công ty VEAM Korea mất vốn 208 triệu W. Trong đó, Tổng công ty VEAM mất vốn 185,5 triệu W (tương đương hơn 3,7 tỷ đồng).
Việc góp vốn tại VEAM và một số đơn vị thành viên chưa đúng quy định xảy ra tại một số công ty như Công ty TNHH MTV Cơ khí Mê Linh; Viện công nghệ tăng vốn thiếu 3,15 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Cơ khí Mê Linh…
Có trường hợp sử dụng vốn không đúng mục đích như TAMAC sử dụng sai mục đích số tiền 2,7 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo sử dụng 112,6 tỷ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn điều chuyển quyền sử dụng đất tại 191 và 193 Bà Triệu Hà Nội.
Để xảy ra các vấn đề nêu trên, Bộ Công Thương yêu cầu VEAM và các đơn vị thành viên xây dựng nghị quyết, quy chế, điều lệ làm căn cứ quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Rà soát hồ sơ, xem xét tiêu chuẩn quy trình bổ nhiệm, thu hồi các quyết định bổ nhiệm không đúng theo quy định pháp luật. Xây dựng các chương trình kiểm tra hàng năm đối với công tác cán bộ.
Theo phân cấp quản lý, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến những vi phạm, sai sót nêu trên.
Yêu cầu VEAM rà soát việc đầu tư góp vốn tại các công ty cổ phần, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo không đúng quy định, làm rõ các chênh lệch, rà soát vốn điều lệ tại các công ty thành viên.
Đồng thời chấm dứt việc quản lý điều hành không đạt hiệu quả trong việc cho vay, hỗ trợ vốn của VEAM cho các đơn vị thành viên đã vay quá hạn nhiều năm vay vốn với mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất ngân hàng hoặc miễn lãi. Đối với các công ty kinh doanh thua lỗ, nợ đã quá hạn khó có khả năng thu hồi cần khẩn trương giải quyết, sớm có biện pháp thu hồi.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu VEAM làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong công tác quản lý vốn. Trong đó, kinh doanh thua lỗ, mất vốn tại một số đơn vị thành viên với tổng số tiền là gần 480 tỷ đồng; sử dụng vốn sai mục đích; góp vốn không đúng quy định…
Nguyễn Mạnh