Hàng loạt nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ
(Dân trí) - Tính đến tháng 7/2017, giải ngân vốn đầu tư công cao hơn so với cùng kỳ 2016, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ.
Đó là khẳng định của ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại buổi tọa đàm “Giải ngân vốn đầu tư công, ODA: Minh bạch và hiệu quả” vừa diễn ra chiều nay (18/8) tại Hà Nội.
Theo ông Phương, có 5 nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công và ODA chậm trễ. Thứ nhất, thói quen của nhiều năm là giai đoạn đầu năm thì chơi, đến giữa và cuối năm mới dồn vào làm. Thứ 2 là do giai đoạn đầu năm có nhiều thủ tục phải hoàn thiện như đấu thầu, giải phóng mặt bằng.
“Lý do thứ 3 là, công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, nhiều dự án lớn có sử dụng diện tích đất lớn nên rất tốn thời gian. Một lý do khác nữa liên quan tới công tác hoàn thiện thủ tục và sự phối hợp giữa chủ đầu tư với cơ quan liên quan trong hoàn thiện thủ tục giấy tờ còn chậm trễ”, ông Phương cho biết thêm.
Ngoài ra, còn một yếu tố khách quan nữa đó là nguyên nhân thời tiết, mỗi vùng khác nhau có mùa mưa, nắng khác nhau, dẫn đến các công trình thi công bị ảnh hưởng khá nhiều.
Cũng theo ông Phương: “Gần đây, dư luận cũng khá quan tâm tới giao vốn. Giao vốn cũng là 1 lí do góp phần dẫn tới khả năng đồng vốn giải ngân bị hạn hẹp. Tuy nhiên, giao vốn phụ thuộc vào quy định pháp luật”.
“Dự án được giao vốn phải đủ hồ sơ, đó là quyết định phê duyệt dự án để giao vốn. Ngoài ra, còn phải trải qua thời gian dài, phải thuê tổ tư vấn, tổ chức đấu thầu, hoàn thiện báo cáo khả thi, thẩm định dự án... Điều này góp phần không nhỏ làm chậm giao vốn”, ông Phương chia sẻ thêm.
Hiện nay, tổng vốn ODA có thể giải ngân trong năm 2017 là 4,2 tỷ USD. Trong khi đó, giải ngân cho tới ngày 31/7/2017 mới chỉ đạt 41.700 tỷ đồng, tương đương với 42% kế hoạch (đạt 95% so với cùng kỳ năm ngoái).
Căn cứ theo Nghị quyết 70, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang tổng hợp nhanh dự án của các Bộ, ngành để triển khai trước 30/9/2017. Trong quá trình tổng hợp, phát sinh vấn đề gì sẽ báo cáo Chính phủ.
Cùng nói về nguyên nhân giải ngân chậm, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lưu Quang Khánh cho biết: “Các dự án ODA cũng có những quá trình kể từ khi phê duyệt phải được thiết kế cơ sở, tiến hành tổng dự toán,... Quy trình ODA cũng bị vướng từ cả 2 phía, đấu thầu cả của Việt Nam và nhà tài trợ. Trong khi đó, giải phóng mặt bằng và tái định cư được nhà tài trợ quan tâm hơn nên chính sách của Việt Nam phải thay đổi theo, dẫn đến tranh luận 2 bên kéo dài”.
“Theo tính toán của 6 ngân hàng phát triển thì từ khi các khoản giải ngân được thống nhất thì phải mất 2 năm để kí kết hợp đồng, với nhà thầu xây lắp là 3 năm”, ông Khánh cho biết thêm.
Ngoài ra, ông Khánh cũng khẳng định: “Hệ quả của việc giải ngân chậm sẽ làm cho lãi vay thời gian tới tăng. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, World Bank không hỗ trợ IDA và ADB kể từ tháng 1/2019, không hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi nhất. Theo đó, Việt Nam sẽ phải trả phí cam kết cho ADB 0,15%/năm và tăng 17,6% nếu chậm trễ.”
Thế Hưng