Hàng loạt chủ tàu câu cá ngừ ở Nam Trung Bộ “méo mặt” vì lỗ nặng

(Dân trí) - Theo Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cả nước có hơn 2.000 tàu cá làm nghề câu cá ngừ ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa nhưng 30% trong số đó bị thua lỗ trong năm 2015.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện đề án “Thí điểm tổ chức khai thác thu mua chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi năm 2015” vừa tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa), Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết từ đầu năm đến tháng 11, sản lượng khai thác cá ngừ đạt hơn 91.300 tấn.

Trong đó, sản lượng cá ngừ vây vàng và mắt to đạt hơn 17.200 tấn (Bình Định hơn 8.800 tấn, Phú Yên hơn 4.000 tấn, Khánh Hòa hơn 4.300 tấn), ước cả năm đạt 17.500 tấn; cá ngừ vằn đạt hơn 74.100 tấn (Bình Định hơn 40.000 tấn, Phú Yên 4.500 tấn, Khánh Hòa hơn 23.800 tấn), ước cả năm sản lượng khai thác cá ngừ vằn đạt 80.000 tấn.

Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tính đến 15/11 đạt 408,672  triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ 2014. Thị trường xuất khẩu đứng đầu vẫn là thị trường Mỹ, tiếp theo là khối EU, ASEAN, Nhật Bản....

Theo Tổng Cục Thủy sản, đối với nghề câu cá ngừ chỉ khoảng 70% tàu đủ chi phí và có lãi, 30% tàu khai thác bị lỗ. Do đó, hiện hàng loạt chủ tàu câu cá ngừ đại dương chuyển sang nghề khai thác đối tượng khác hoặc kiêm thêm nghề khác. Cụ thể, ở Phú Yên gần 100 tàu đã chuyển sang làm nghề lưới chuồn hoặc vừa làm nghề lưới chuồn vừa câu cá ngừ đại dương; ở Bình Định một số tàu kiêm nghề lưới vây với nghề câu tay, nghề câu mực với nghề câu tay, nghề mành chụp với nghề câu tay...

Hoạt động mua bán cá ngừ đại dương ở cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa) - Ảnh: Viết Hảo
Hoạt động mua bán cá ngừ đại dương ở cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa) - Ảnh: Viết Hảo

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, mặc dù có được nhiều tín hiệu đáng mừng nhưng số mô hình chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua, chế biến tiêu thụ còn ít; ngư dân chưa được hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới; các chính sách đầu tư nâng cấp tàu, hầm bảo quản, trang bị máy móc khai thác, bảo quản sản phẩm... chưa được quan tâm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, vấn đề hiện nay cần quan tâm đó là việc khai thác, thu nhập, lợi nhuận cho doanh nghiệp và ngư dân tham gia đề án vẫn chưa được phát huy hết hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, năm 2016, Đề án cần tập trung thực hiện tốt chính sách phát triển thủy sản; đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ khai thác và bảo quản cá ngừ tiến tiến cho địa phương và ngư dân; hỗ trợ doanh nghiệp, ngư dân trong việc nhập khẩu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới trong khai thác, sơ chế, bảo quản, chế biến cá ngừ...

Theo Tổng Cục Thủy sản, năm 2015, do biến đổi khí hậu và chu trình El Nino bắt đầu hoạt động trong khu vực Biển Đông làm cho nhiệt độ nước biển nóng lên; cá ngừ có xu hướng di cư sang khu vực giữa và phía Đông của Thái Bình Dương làm trữ lượng cá ngừ trong vùng Biển Đông giảm, nhất là cá ngừ mắt to, vây vàng…

Được biết, số tàu khai thác cá ngừ ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đến tháng 12/2015 là hơn 3.000 tàu, trong đó có hơn 2.000 tàu làm nghề câu, còn lại là nghề lưới vây, lưới rê.

Phương thức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị là quá trình kết hợp một loạt các hoạt động gồm: khai thác ngư trường, bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác, vận chuyển về đất liền và đến nhà máy, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm (xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa). Mỗi mắt xích đều phải hoạt động đồng bộ để nâng cao hiệu quả đánh bắt, giá trị kinh tế của cá ngừ.

Viết Hảo

 

Hàng loạt chủ tàu câu cá ngừ ở Nam Trung Bộ “méo mặt” vì lỗ nặng - 2