Hàng lậu, hàng nhái vẫn tràn lan thị trường

(Dân trí) - Mặc dù hành lang pháp lý và ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có tiến triển, vi phạm trong lĩnh vực này vẫn tăng cao - Trung tâm Thông tin Kinh tế VCCI cho biết.

Báo cáo chuyên đề Giải pháp bảo vệ Quyền SHTT đối với hàng hóa của doanh nghiệp do Trung tâm Thông tin Kinh tế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra những con số “gây sốc” cho thấy thực trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tăng cao trong những năm qua.
 
Cơ quan chức năng bắt giữ xe chở hàng lậu
Cơ quan chức năng bắt giữ xe chở hàng lậu

Theo đó, ý thức bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp cũng đã được cải thiện đáng kể sau một số vụ mất thương hiệu đình đám như cà phê Trung Nguyên, Vinataba, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc… Ngày càng nhiều doanh nghiệp đã tích cực và chủ động tìm hiểu các công cụ pháp lý để bảo vệ sản phẩm trí tuệ của mình.

Cụ thể, theo công bố tại Báo cáo thường niên năm 2011 về SHTT, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp gửi tới Cục SHTT trong năm 2011 là 65.336 đơn các loại, tăng 4% so với năm 2010. Trong đó, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng 2,5% với 38.789 đơn bao gồm: 3.688 đơn sáng chế, 307 đơn giải pháp hữu ích, 1.861 đơn kiểu dáng công nghiệp, 28.237 đơn nhãn hiệu quốc gia, 4.567 đơn nhãn hiệu đăng ký quốc tế…

Tính trong cả năm 2011, Cục SHTT đã cấp 27.026 văn bằng bảo hộ, tăng 24% so với năm 2010, trong đó có 985 sáng chế độc quyền, 69 giải pháp hữu ích, 1.145 kiểu dáng công nghiệp, 21.440 nhãn hiệu đăng ký quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực đó, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ với việc bảo vệ quyền STHH của chính mình, Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trang “mất bò mới lo làm chuồng” và khi ấy thì việc bảo vệ quyền STHH đã trở nên vô cùng khó khăn.

Về các vị phạm trong lĩnh vực này, trong năm 2011, các cơ quan chức năng đã phát hiện 33.649 vụ buôn lậu, hàng cấm với giá trị lên tới 287,3 tỷ đồng, tăng tới 20% so với năm 2010; xử lý 1.561 vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hàng với tiền phạt thu trên 9 tỷ đồng… Bên cạnh đó, vi phạm SHTT với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng rất phổ biến nhưng do hiệu quả ngăn chặn vi phạm quyền SHTT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu chưa cao nên cả năm 2011, hải quan mới phát hiện, thu giữ được 56 vụ vi phạm SHTT với trị giá hàng hoá vi phạm ước đạt khoảng 5,6 tỷ đồng.

Trước thực tế đó, một số đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam như EU, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Mỹ và Australia đã lên tiếng tỏ thái độ quan ngại về hiệu quả thực thi pháp luật về SHTT tại Việt Nam. Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong thời gian gần đây.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012 - 2013 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố gần đây, mức độ tôn trọng về bản quyền và bảo vệ quyền SHTT của Việt Nam là rất thấp, chỉ xếp hạng lần lượt là 113 và 123 trên tổng số 144 nền kinh tế được khảo sát và đã khiến xếp hạng tổng thể của Việt Nam tụt 10 bậc so với năm 2011. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng cho thấy thực trạng đáng báo động khi có tới 62% người tiêu dùng được khảo sát đã từng mua phải hàng giả, hàng nhái.

Hoành San

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm