1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng không nội địa chao đảo trước bão giá xăng dầu

(Dân trí) - Kế hoạch kinh doanh bị phá sản, đường bay nội địa lỗ thê thảm… là những tai hoạ đang khiến các hãng hàng không nội địa phải khóc dở mếu dở.

Mở đường bay là quyết định thiêu thân

Trong cuộc trao đổi gần đây với chúng tôi, lãnh đạo một hãng hàng không tại Việt Nam không ngần ngại đưa ra nhận xét: giá xăng dầu hiện nay đang đẩy các hãng hàng không vào thế có quá nhiều khó khăn và căng thẳng. M

inh chứng cho nhận xét này là hàng loạt những điều chỉnh mang tính “sống còn” được các hãng hàng không nội địa đưa ra.

Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc hãng hàng không Jetstar Pacific (JP) cho biết: kế hoạch kinh doanh mà hãng xây dựng từ tháng 12/2007 đã không thể thực hiện được và hãng này đang phải rà soát lại, điều chỉnh lại toàn bộ. Theo đó, kế hoạch mở đường bay từ TPHCM đến Buôn Mê Thuột, Đà Lạt và Hà Nội - Huế đã bị hoãn lại.

“Mở đường bay vào lúc này có thể nói là một quyết định thiêu thân. Với giá xăng dầu hiện nay, hãng chúng tôi bị đội chi tới 3 triệu USD/tháng. Thật khó tưởng tượng khi chi phí xăng dầu đã chiếm tới 65% cơ cấu chi phí sản xuất kinh doanh của JP”, ông Nam cho biết.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự là hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA). Ông Trịnh Ngọc Thành, trưởng ban kế hoạch thị trường hãng bay này cho biết: việc sản xuất kinh doanh của VNA đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng giá nhiên liệu bay tăng cao nhất trong lịch sử.

Giá nhiên liệu bay JET A-1 đầu tháng 4/2008 đã đạt mức kỷ lục trên 140 USD/thùng, tăng 55% so với giá kế hoạch. Dự kiến cả năm 2008, VNA sẽ phải gánh thêm một khoản chi phí do giá nhiên liệu bay tăng là 2.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí phục vụ mặt đất tại các cụm cảng hàng không tăng cao, cạnh tranh giữa các hãng hàng không ngày càng quyết liệt trên cả đường bay quốc tế và nội địa…

Tất cả những yếu tố đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới các cân đối lớn trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của VNA.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành hàng không, trong bối cảnh cơn bão xăng dầu đang hoành hành như hiện nay, những hãng hàng không nhỏ, mới ra đời sẽ là những "nạn nhân" đầu tiên và chịu nhiều thiệt hại nhất.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Đức Tâm, Chủ tịch HĐQT hãng bay Vietjet Air khẳng định: hoàn cảnh này là khó khăn chung của mọi hãng hàng không trên thế giới và chúng tôi không thể là ngoại lệ.

Nhưng dù khó khăn đến đâu thì kế hoạch mở đường bay vào tháng 12/2008 của chúng tôi sẽ không thay đổi. Tất nhiên, kế hoạch cũng sẽ có những thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

Trong khi đó, nhạc sĩ Hà Dũng, ông chủ của hãng bay Air Speed Up cũng thừa nhận giá xăng đang gây ra nhiều khó khăn… “Chúng tôi dự kiến chuyến bay đầu tiên là từ lịch bay mùa đông năm nay (tháng 10/2008 - PV), từ đây đến đó còn có thời gian để hy vọng rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp mọi thứ vẫn không có gì thay đổi thì Air Speed Up cũng phải có giải pháp để vượt qua sao cho bảo đảm tiến độ công việc đã định”.

Đương đầu với bão giá

Trên thực tế, từ trước tới nay các hãng hàng không nội địa bao gồm VNA và JP (trước là Pacific Airline) chưa từng bao giờ kiếm được lãi từ đường bay nội địa.

Lý do là giá xăng dầu thế giới hiện cao ở mức kỷ lục với trên 140 USD một thùng, trong khi giá trần 1,7 triệu cho đường bay Hà Nội - TPHCM áp dụng cho các hãng hàng không trong nước khi giá dầu trên dưới 80 USD một thùng.

Khi giá xăng dầu tăng, cùng với việc tăng giá vé, các hãng hàng không thường bắt khách hàng phải trả phụ thu xăng dầu ngoài giá vé.

Điều này chưa được phép áp dụng tại các đường bay nội địa Việt Nam. VNA và PA đều cho rằng đây là lý do mà tất cả các đường bay nội địa của họ đang bị lỗ.

Ông Trịnh Ngọc Thành, Trưởng ban kế hoạch thị trường của VNA cho biết: “Chúng tôi đang sử dụng lãi trên các đường bay quốc tế để bù lỗ cho các đường bay nội địa... Nhưng điều này cần phải thay đổi vì không thể lấy kinh doanh quốc tế bù lỗ nội địa mãi”.

Theo một số liệu không chính thức, mỗi năm VNA lỗ khoảng 300 - 500 tỷ đồng từ các đường bay nội địa. Và trong điều kiện xăng vẫn giữ mức giá trần như hiện nay, trong năm 2008 đường bay nội địa sẽ bị lỗ tới 50 triệu USD!

Để chống chọi với cơn bão giá, VNA đã ban bố chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Trước mắt, VNA quyết định cắt giảm chi phí trên tất cả các lĩnh vực để tiết kiệm khoảng 500 tỉ đồng.

Mặt khác, VNA cũng tính tới khả năng mở rộng đường bay quốc tế, tăng tần suất bay nước ngoài để tăng nguồn thu bù lỗ cho nội địa.

Trong khi đó, ông Lương Hoài Nam lại cho rằng biện pháp tính phụ thu xăng dầu ngoài giá vé cũng là điều cần tính tới nếu giá xăng dầu vẫn tiếp tục leo thang.

“Bây giờ tất cả các biện pháp đều tuỳ thuộc vào biến động giá xăng dầu trong thời gian tới như thế nào. Có lẽ đến một thời điểm cuối cùng, chúng tôi sẽ phải kiến nghị nhà nước áp dụng cơ chế phụ thu xăng dầu như tất cả các nước trên thế giới đã áp dụng.

Hiện Việt Nam là quốc gia duy nhất chưa cho phép áp dụng phụ thu xăng dầu ngoài giá vé. Trong tình hình giá xăng dầu tiếp tục xấu đi thì đây là giải pháp khả thi nhất”, ông Nam cho biết.

Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm