"Hạn chót" cho ô tô Việt: Giấc mơ dang dở và bài toán bảo hộ thị trường

(Dân trí) - Công nghiệp ô tô Việt Nam đánh dấu đến nay đã hơn 20 năm phát triển, nhưng những kỳ vọng của Chính phủ, Bộ ngành và người dân vẫn chưa được các doanh nghiệp làm vừa lòng. Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ban ngành tìm giải pháp để "giải cứu" doanh nghiệp xe trong nước trước nguy cơ thâu tóm của các hãng xe ngoại.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan sớm đưa ra những giải pháp cho xe trong nước trước thời điểm thuế nhập khẩu về 0%. Đồng thời, trước làn sóng xe nhập ồ ạt, các bộ được yêu cầu cần nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước...

Hạn chót thuế quan và mở cửa thị trường

Tuy nhiên, lần này Chính phủ đã nhìn nhận rõ hơn, công bằng hơn giữa công và tội của ngành công nghiệp vốn hơn 20 năm nằm trong nôi ưu đãi của Nhà nước như: Nội địa hóa thấp, không đạt yêu cầu đề ra, giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô còn cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực…

Công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ về đâu khi thế giới đang chuyển mình nhanh chóng bằng xe xanh. Có nên tiếp tục bảo hộ bằng chính sách, bằng thị trường đối với xe nội hay không? (ảnh minh hoạ)
Công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ về đâu khi thế giới đang chuyển mình nhanh chóng bằng xe xanh. Có nên tiếp tục bảo hộ bằng chính sách, bằng thị trường đối với xe nội hay không? (ảnh minh hoạ)

Trên thực tế, cùng với quá trình mở cửa theo các cam kết quốc tế, Việt Nam sẽ phải mở cửa hơn nữa thị trường cho xe nhập trong đó có xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và bãi bỏ các rào cản phi thuế quan. Đây là cơ hội cho xe nhập nhưng cũng là thách thức đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo cam kết của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, từ năm 2018 Việt Nam dỡ bỏ thuế quan đối với mặt hàng ô tô, chậm hơn các nước trong khối 3 năm. Trong khi đó, ở thị trường quốc tế, chúng ta vẫn giữ thuế nhập khẩu từ 25- 75% đối với các thị trường, theo cam kết gia nhập WTO. Với lợi thế về thuế quan, không cần đợi đến năm 2018 xe ô tô xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia đã nhập khẩu ồ ạt, gây lo ngại lớn cho ngành ô tô trong nước.

Hiện nay xu thế của các hãng xe ô tô trên thế giới đều đã đi vào công nghệ xe xanh xe hybrid, xe điện, xe tự lái… thay cho động cơ diesel. Ngành công nghiệp ô tô đang chuyển mình nhanh chóng hằng ngày, hằng giờ để tích hợp các tiến bộ khoa học và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật.

Nhìn về chiến lược công nghiệp xe hơi của Việt Nam, dù năm 2025 và tầm nhìn 2035 ngành ô tô trong nước đặt mục tiêu tập trung vào phát triển các sản phẩm xe con phù hợp với người Việt Nam và xu hướng phát triển xe con của thế giới (xe thân thiện môi trường: eco car, hybrid…) gồm: xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện với môi trường và giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chiến lược này chưa đưa ra được mục tiêu cụ thể là bao nhiêu xe, những loại xe gì nên khá khó khăn cho việc thực hiện mực tiêu cụ thể. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại với chính sách và thực tiễn như hiện nay, liệu các hãng ô tô liên doanh trong nước có khả năng cạnh tranh với nước ngoài trong cuộc đua cách mạng công nghệ. Nếu tiếp tục bảo hộ, chúng ta sẽ trở thành vùng trũng cho thị trường xe hơi của thế giới, của khu vực.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT cho hay: Nếu xem các yếu tố như nhau, thì rõ ràng xe ô tô của các nước đang có lợi thế so sánh đối với xe trong nước cả về giá, chất lượng và thương hiệu. Nếu để cạnh tranh sòng phẳng, xe trong nước khó có thể "đấu" lại với chiến dịch xâm nhập của xe nước ngoài.

"Chúng ta cần đặt yêu cầu, cam kết trách nhiệm với từng hãng xe phải áp dụng công nghệ nào, bao nhiêu lâu đưa ra đời những chủng loại xe xanh. Nếu xây dựng chiến lược và chính sách chung chung, hỗ trợ chung chung thì rất khó để có kết quả như mong muốn. Chúng ta không nên lặp lại những sai lầm và bài học cũ của hơn 20 năm trước kia trong chính sách phát triển ngành ô tô", TS Hồ nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam, ngành ô tô liên quan mật thiết đến cơ khí, ngành khoa học cơ bản của Việt Nam. Thời gian qua, ngành cơ khí rất kém phát triển, không được doanh nghiệp đầu tư, ưu đãi nên thực tế không kỳ vọng gì để gia nhập chuỗi giá trị của ngành sản xuất ô tô được.

Trong khi đó, nói về thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam hiện nay không khác gì thời "hoa nở giữa mùa": Đa dạng chủng loại, nhiều phân khúc, nhiều loại giá, đa dạng về chất lượng xe. So với 3 năm về trước khi thị trường xe hơi ở ASEAN bắt đầu mở cửa, phân khúc xe 9 chỗ ngồi tại Việt Nam đa dạng hơn rất nhiều, từ các dòng Sedan, Hatchback phổ thông, Việt Nam ngày càng có nhiều loại xe đa dụng như SUV và Crossover, Pick-up, Minivan thậm chí hiện hay những mẫu Coupe hay xe mui trần Convertible đang rất được ưa chuộng dù giá cực đắt.

Ô tô Việt đi đâu, về đâu giữa cách mạng xe "xanh" thế giới?

Theo TS Võ Trí Thành, chuyên gia Kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Chúng ta đang ở hai ngã rẽ, một là đi đến đâu và hai là sẽ đi về đâu. Công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay đi đến đâu?

Ông Thành trăn trở: Ai cũng biết, sau 20 năm vẫn chỉ là khởi đầu vì chúng ta sai ngay từ chính sách lẫn cách làm. Công nghiệp ô tô Việt Nam đi về đâu? Đây là câu hỏi lớn, chúng ta có ngành công nghiệp phụ trợ không? Có sản phẩm đặc trưng không? Ô tô Việt sẽ xuất khẩu ra thế giới hay không đi mà nhân loại đang tiến tới công nghệ mới xe điện, xe ô tô tự lái.

"Chúng ta phải giải quyết được vấn đề này, trước khi hy sinh vấn đề thị trường, để đặt mục tiêu bảo hộ sản xuất trong nước nhằm đo lường hậu quả chính sách. Nếu không nhận diện được chỗ đứng của chúng ta, Việt Nam có thể sẽ gặp sai lầm đã mắc phải", ông Thành nói.

Hiện nay, ở thị trường ô tô Việt Nam, các DN ô tô Việt Nam thường làm hai vai, một lo làm thế nào để nội địa hóa xe ô tô trong nước, hai là nhập khẩu bán xe nguyên chiếc. Với lợi ích doanh nghiệp, doanh thu của chính mình họ sẵn sàng lập ra những công ty, hệ thống xe nhập khẩu bán ngay trong nước. Điều này có lợi cho doanh nghiệp nhưng bất lợi cho chiến lược nội địa hóa ngành ô tô bởi tạo điều kiện cho các hãng tăng vai trò nhập khẩu bán xe nguyên chiếc thay vì tập trung sản xuất, nội địa hoá.

Trong khi các DN ô tô trong nước chỉ biết khai thác thị trường, bán xe cho người tiêu dùng với mức giá cao, kiếm lợi lớn thì các hãng xe nước ngoài tỏ rõ sự sành sỏi, già dơ trong nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng để đẩy những chiếc xe giá rẻ, trang bị những thứ cơ bản nhất vào Việt Nam để đáp ứng nhu cầu xe - phương tiện, thay vì xe - tài sản như hiện nay.

Cũng chính vì giá rẻ, xe nước ngoài vô tình đã được cộng đồng truyền thông lớn, tạo được sóng dư luận ủng hộ và khiến cho họ vào Việt Nam từ chỗ khá lạ trong mắt người tiêu dùng Việt trở thành quên và rất dễ dàng chinh phục người Việt.

Bằng chứng như, xe hơi Thái Lan, xe Ấn Độ - hầu hết có xuất xứ là các hãng của Nhật Bản, Hàn Quốc, chất lượng đều theo tiêu chuẩn toàn cầu, trong đó có liên doanh hãng ở Việt Nam. Ở chừng mực nào đó, thậm chí chất lượng xe nhập có nhỉnh hơn chút ít so với xe lắp ráp trong nước, song do chính sách thị trường của mình, nên các hãng đã đẩy nhiều dòng xe giá rẻ vào Việt Nam. Đà thắng nên họ ngày càng thắng lợi lớn trong mắt người Việt Nam so với chủng loại xe trong nước.

Nguyễn Tuyền