Ham quả lạ 1 triệu đồng/kg, ăn phải "quả đắng" ngậm ngùi
Hết cà chua đen đến nho thân gỗ,... giờ là cà chua thân gỗ. Mấy năm gần đây, nông dân đua nhau trồng những giống quả lạ, nhưng qua cơn sốt, không ít người phải ôm trái đắng vì những loại quả này bế tắc đầu ra, giá giảm mạnh.
Trào lưu trồng quả lạ
Những năm gần đây, trên thị trường, hoa quả xách tay xuất hiện ngày càng nhiều quả lạ và tạo nên những cơn sốt chưa từng có, được mọi người săn lùng mua với giá cực kỳ đắt đỏ, thậm chí còn phải “xếp hàng” chờ đặt mua. Cùng với những cơn sốt quả lạ thì trào lưu trồng những loại cây này cũng nở rộ.
Còn nhớ, vào năm 2015, cà chua đen nổi lên trong cơn sốt các loại quả lạ. Giống cà chua có màu đen này được một nhà vườn ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đem từ nước ngoài về nhân giống. Ban đầu chị trồng thử nghiệm 200 cây nhưng khi đăng bán được khách hưởng ứng nhiệt tình nên đã nhân rộng ra 1.000 m2 đất với số lượng khoảng 3.000 gốc cà chua đen, mỗi gốc cho sản lượng từ 5 đến 7 kg.
Khi ấy, giá cà chua đen bán trên thị trường là 150.000 đồng/kg và muốn mua ăn thường phải đặt trước cả tháng.
Từ cơn sốt quả chuyển sang cơn sốt giống, người dân đua nhau trồng kéo theo đó hạt giống cà chua đen cũng được săn lùng chẳng kém gì quả khi giá lên tới 17.000-20.000 đồng/hạt. Thời đó, các nhà vườn ở Đà Lạt, Đồng Nai, Bình Dương cũng tích cực mở rộng diện tích trồng cà chua đen.
Thời điểm đó, người dân cũng phát cuồng với loại nho thân gỗ và lùng mua giống cây này về trồng. Bởi, đây là loại nho khá lạ, quả không theo chùm như giống như nho thường mà chúng mọc chi chít từ gốc lên tới ngon. Để sở hữu một cây nho thân gỗ giống dưới 1 năm tuổi, khách hàng phải trả từ 150.000 đến 500.000 đồng. Trong khi đó, giá cây trưởng thành, cho đợt quả đầu tiên lên tới hơn 10 triệu đồng.
Tương tự, vào đầu năm 2017, loại cà chua lạ có tên Tamarillo hay còn gọi là cà chua thân gỗ được quảng cáo là hàng xách tay với hình dáng khá lạ so với cà chua thường khiến các bà nội trợ phát cuồng, lùng mua về ăn dù giá của chúng lên tới 1 triệu đồng/kg.
Ít lâu sau, tại Lâm Đồng các nhà vườn bắt đầu trồng giống cà chua lạ này để cung cấp ra thị trường nội địa với hy vọng bán được giá cao. Đáng chú ý, diện tích trồng cà chua thân gỗ còn lên tới con số hàng chục ha. Có thời điểm cây giống sốt, giá lên tới 500.000 đồng/kg.
Bí đầu ra, giá giảm mạnh
Sau hơn một năm xuống giống, cà chua thân gỗ bắt đầu cho thu hoạch. Thế nhưng, thay vì có giá cả triệu đồng/kg như lúc mới xuất hiện thì loại quả này khi trồng ở Việt Nam giá chỉ 50.000-150.000 đồng/kg.
Giá bán không được như kỳ vọng, các nhà vườn cà chua thân gỗ ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) còn thừa nhận, họ đang gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ.
Nghiêm trọng hơn, tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), nhiều hộ dân trồng cà chua thân gỗ còn phải chặt bỏ do không bán được quả.
Do không tìm hiểu rõ nhu cầu thị trường nên cà chua thân gỗ đang bế tắc đầu ra, nhiều người phải chặt bỏ
Trao đổi về vấn đề này trên báo Dân Việt, bà Lê Thị Bé - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đơn Dương, cho hay, huyện Đơn Dương chưa có đề án phát triển cây Magic S (cà chua thân gỗ) mà chủ yếu các hộ nông dân rủ nhau trồng tự phát sau khi nghe tin đồn quả của loài cây này có thể bán được 1 triệu đồng/kg.
Trước mắt, huyện đang vận động những người trồng đem quả này đi giới thiệu, chào hàng ở những điểm nhỏ lẻ nhằm giải quyết đầu ra, vớt vát phần nào,... Ngoài ra, đơn vị này cũng đang cố gắng liên hệ, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và HTX nhưng vẫn chưa có đơn vị nào thu mua cà chua thân gỗ.
Trước đó, cà chua đen sau khi được trồng phổ biến tại Việt Nam thì giá bán tại vườn cũng giảm mạnh xuống chỉ còn 30.000-50.000 đồng/kg.
Theo một chuyên gia trong ngành, việc trồng theo trào lưu dẫn đến hệ quả tất yếu là khi qua cơn sốt giá giảm, nông dân ngậm “trái đắng”.
Vị chuyên gia này lý giải, khi những quả lạ xuất hiện lần đầu tiên thường được dân buôn thổi phồng giá trị, dân Việt lại có tính hiếu kỳ nên cứ thấy lạ là mua. Thế nhưng, sau khi được trồng phổ biến, nguồn cung lớn giá sẽ tự động giảm. Chưa kể, những loại quả này kén khách, thường dùng để “ăn cho vui” chứ không được sử dụng phổ biến hàng ngày như quả cùng loại.
Không chỉ với quả lạ, thực tế ở Việt Nam, người nông dân vẫn giữ thói quen “thích gì thì trồng cây đó” mà không theo tín hiệu thị trường nên khi vỡ quy hoạch, giá giảm mạnh, phải kêu gọi giải cứu và người nông dân lại chịu cảnh thua lỗ.
Theo Băng Dương
VietnamNet