Ham lợi, nông dân Trung Quốc trả giá đắt vì “nhường” ruộng cho tôm hùm đất

(Dân trí) - Nghiên cứu mới cho thấy, nông dân Trung Quốc đang giảm trồng lúa và tăng cường đào mương nước nuôi tôm, làm ảnh hưởng tiêu cực tới chiến lược an ninh lương thực của địa phương và quốc gia.

Hiểm họa trước mắt - Ai cũng thấy nhưng không “sợ hãi”

SCMP dẫn nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết, do nhận được sự ưa chuộng của giới trẻ nước này, sản lượng tôm hùm đất tại Trung Quốc đã tăng gấp 30 lần trong khoảng thời gian từ năm 2003 tới năm 2018, đạt 1,6 triệu tấn.

Ham lợi, nông dân Trung Quốc  trả giá đắt vì “nhường” ruộng cho tôm hùm đất - 1
Tôm hùm đất là món ăn ưa thích số 1 của nhiều thế hệ người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ đang tạo nên trào lưu. Ảnh: SCMP

Diện tích đất cần thiết để nuôi tôm hùm đất cũng mở rộng, làm giảm đất trồng trọt cho mùa đông, theo nghiên cứu 5 năm của Viện hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS).

Do đó, theo các chuyên gia nhận định thì sự ưa chuộng này lại đang ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh lương thực Trung Quốc, khiến các nỗ lực của chính phủ nhằm xóa nghèo và đảm bảo tự cung cấp đủ lương thực gặp khó khăn.

Các nhà nghiên cứu xem xét sự kết hợp giữa việc nuôi thủy sản và trồng lúa. Theo đó, nhiều nông dân đã đào các con mương lớn hơn, biến các ruộng lúa ngập nước theo mùa trở thành ao nước ngập để nuôi tôm hùm, làm giảm đáng kể diện tích đất khô để trồng trọt mùa đông.

Ham lợi, nông dân Trung Quốc  trả giá đắt vì “nhường” ruộng cho tôm hùm đất - 2
Nông dân chèo thuyền cho tôm hùm đất ăn tại một trang trại chăn nuôi tại tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Reuters

Nghiên cứu cho thấy trong số 667.000 ha ruộng nuôi trồng kết hợp tôm hùm đất - lúa ở trung lưu sông Dương Tử, chỉ khoảng 1 nửa diện tích đất trồng được sử dụng cho trồng trọt nông sản vào mùa đông.

Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, tôm hùm đất có thể được bán với giá cao và chính quyền các địa phương đã khuyến khích hoạt động nuôi trồng kết hợp tôm với lúa. Tại một số nơi, lãnh đạo địa phương đã kết nối chương trình nuôi tôm hùm đất với sáng kiến xóa đói giảm nghèo của ông Tập Cận Bình.

Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc thậm chí đã vinh danh 1 trong “10 nông dân xuất sắc” ở Trung Quốc vào năm ngoái, cho thấy sự thành công của người nông dân này trong việc trồng lúa và nuôi tôm hùm đất trên cùng một khu ruộng.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiều nông dân đang ưu tiên nuôi tôm hùm đất hơn. Trong một số trường hợp, nông dân Trung Quốc trồng lúa nhưng không thu hoạch mà “để cho tôm hùm đất ăn”. Nhiều người còn tiếp tục đào thêm mương và nhấn chìm các ruộng lúa trong nước.

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề Nông thôn Trung Quốc, 75% trong 1,1 triệu ha dùng để nuôi tôm hùm đất năm 2018 là ruộng lúa kết hợp. Diện tích này dự kiến tăng lên thành 1,3 triệu ha trong năm nay. 5 tỉnh nuôi nhiều tôm hùm đất nhất gồm Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy, Giang Tô và Giang Tây, chiếm 90% sản lượng cả nước. Tại những tỉnh này, diện tích nuôi tôm hùm đất tăng gấp 2,8 lần trong giai đoạn 2012-2018, theo nghiên cứu của CAAS.

Lợi nhuận “khổng lồ”

Mỹ là nơi đầu tiên nuôi tôm hùm đất nhưng Trung Quốc là nơi nó trở thành “bát cơm” cho hơn 5 triệu nông dân và hàng nghìn nhà hàng.

Ham lợi, nông dân Trung Quốc  trả giá đắt vì “nhường” ruộng cho tôm hùm đất - 3
Loài giáp xác từng được nuôi làm cảnh và làm thức ăn cho ếch này hiện có vị trí lớn trên bàn tiệc của người Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Thị trường tôm hùm đất ở quốc gia này tăng gấp đôi trong vòng 5 năm lên 1,1 triệu tấn.

Năm 2018, giá trị ngành công nghiệp tôm hùm đất tăng vọt lên 268,5 tỷ nhân dân tệ (38,6 tỷ USD), trong đó ngành chăn nuôi chiếm 48,5 tỷ tệ và ngành chế biến khoảng 20 tỷ tệ. Việc kinh doanh trực tuyến và khoảng 100.000 nhà hàng tạo ra 200 tỷ còn lại.Việc kinh doanh trực tuyến và khoảng 100.000 nhà hàng tạo ra 200 tỷ còn lại.

Tôm hùm đất do người Nhật Bản du nhập vào Trung Quốc vào những năm 1920. Tuy nhiên, nguồn gốc của chúng xuất phát từ những bang miền nam của Mỹ như Louisiana. Tôm hùm đất từng là kẻ thù của nông dân trồng lúa, khi ruộng đồng bị loài giáp xác phá hoại khiến nông dân không thể trồng trọt.

Chúng là loài xâm lược có sức phá hoại lớn, đang lan tràn khắp các hệ sinh thái ở châu Phi nhưng tại Trung Quốc, loài giáp xác này đi từ chỗ “bị ghét nhất” trong những năm 1990 tới chỗ được ưa thích nhất, khi người ta bắt đầu chế biến cùng với nhiều loại gia vị tạo thành món ăn ngon. Chúng bắt đầu được nuôi trồng và tiêu thụ làm thực phẩm ở tỉnh Hồ Bắc và các tỉnh lân cận.