(Dân trí) - Sau vài năm yên ắng trên thị trường hậu thương vụ lịch sử bán lại mảng bánh kẹo, CEO Kido Trần Lệ Nguyên khẳng định giai đoạn củng cố hệ thống đã qua và đến lúc để tăng tốc mở rộng.
"Trong nguy có cơ. Không có gì phải sợ", Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido Trần Lệ Nguyên trả lời Dân trí về việc doanh nghiệp dồn dập công bố loạt động thái mở rộng mới giữa lúc bóng đen Covid-19 vẫn đang đè nặng lên nền kinh tế, người tiêu dùng, tại buổi công bố thông tin hợp tác với Sơn Kim vào ngày 6/12. Chỉ 6 ngày sau đó, Kido tiếp tục công bố hợp tác chiến lược với tập đoàn bán lẻ của Thái Lan Central Retail.
Chỉ trong 3 tháng cuối năm, Kido lần lượt quay trở lại ngành hàng bánh kẹo, mua lại 36% vốn Nhà nước tại công ty dầu ăn Vocarimex, lấn sân sang lĩnh vực nước giải khát với liên doanh Vibev cùng Vinamilk, mở loạt cửa hàng trà cà phê mới và hợp tác chiến lược cùng chuỗi cửa hàng tiện lợi thuộc Sơn Kim, hệ thống siêu thị của Central Retail.
NHỮNG BƯỚC ĐI MỚI SAU THỜI GIAN DÀI YÊN ẮNG
Theo ông Nguyên, thị trường nhìn vào Kido thấy những chuyển động gần đây dồn dập nhưng thực tế các bước đi chiến lược thời gian qua đều đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên, do dịch bệnh, các đợt giãn cách xã hội kéo dài, công ty lúc này mới có thể triển khai kế hoạch, đưa những dự án mới vào guồng, đặc biệt là chuỗi trà cà phê Chuk Chuk.
Là đứa con "sinh muộn" nhất trong tập đoàn, hệ thống này đang được Kido đầu tư mạnh mẽ với tham vọng không chỉ sớm chiếm vị trí top đầu ở thị trường F&B trong nước mà còn tiến ra cả nước ngoài. Điều đó thể hiện rõ nét qua việc hợp tác với 2 đối tác bán lẻ là GS25 - thương hiệu xuất phát từ Hàn Quốc - và Central Retail của Thái Lan. Riêng trong năm 2022, ông Nguyên kỳ vọng sẽ mở rộng hệ thống F&B của công ty lên 300 - 400 điểm bán.
Thừa nhận thị trường F&B vẫn còn nhiều thách thức khi đại dịch chưa được kiểm soát hoàn toàn, CEO Kido cho biết bản thân công ty cũng cân nhắc kỹ lưỡng trước các bước đi mở rộng. Tuy nhiên, ông cho biết việc ngành ẩm thực khó khăn sau đại dịch cũng mang đến cơ hội cho công ty thuê nhiều mặt bằng tốt với giá giảm khoảng 50% so với giai đoạn bình thường trước đây.
Song song đó, doanh nhân sinh năm 1968 tự tin vì chuỗi F&B của mình trên thị trường sở hữu lợi thế về chủ động vùng nguyên liệu trong nước, sản xuất quy mô công nghiệp, tận dụng hệ thống logistics của Kido và đặc biệt chi phí đầu tư ban đầu cho mỗi điểm bán thấp hơn đến 70% so với một số thương hiệu khác trên thị trường.
"Tôi làm ẩm thực 30 năm nên quá hiểu ngành này. Đến giờ chúng tôi có thể xây dựng mô hình mà chỉ cần sau một tháng đã nhận biết được điểm yếu để hoàn thiện", ông Nguyên tự tin.
Sau khi chính thức quay trở lại lĩnh vực bánh kẹo, mở rộng sang ngành hàng nước giải khát, mở chuỗi F&B, CEO Kido cho biết trong năm tới, công ty sẽ còn tung ra nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác và bắt tay thêm với những đối tác lớn để đi nhanh hơn.
Trong báo cáo phân tích gần nhất về Kido phát hành vào cuối tháng 10, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng việc quay trở lại ngành hàng bánh kẹo vốn là lĩnh vực công ty từng làm mưa làm gió trên thị trường sẽ là động lực tăng trưởng mới trong khi tác động của chuỗi F&B mới sẽ cần thêm thời gian để đánh giá chính xác.
Dựa trên giả định này, VNDirect dự báo doanh thu thuần năm nay của Kido có thể đạt hơn 9.700 tỷ đồng, và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng gần 20%, cán mốc doanh số 11.400 tỷ đồng trong năm 2022. Còn trong thực tế, sau 9 tháng, Kido đã đạt doanh thu 7.444 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 488 tỷ đồng.
VÒNG LẶP 5 NĂM
Những bước mở rộng dồn dập trong vài tháng qua của Kido chứng minh cụm từ chủ đề "sẵn sàng để tăng trưởng" trong báo cáo thường niên phát hành hồi đầu năm không phải chỉ là lời nói. Tuy nhiên, đúng 5 năm trước, Kido cũng dùng đúng cụm từ "sẵn sàng tăng trưởng" sau khi khép lại năm 2015.
Đó là năm Kido bán lại mảng bánh kẹo cùng thương hiệu Kinh Đô cho đối tác ngoại Mondelez và thu về lợi nhuận kỷ lục. Tuy nhiên, đi trên con đường mới chưa bao giờ là việc dễ dàng, kể cả với những ông lớn, thể hiện qua việc sau 5 năm, doanh nghiệp của hai anh em doanh nhân Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên mới thật sự "sẵn sàng".
Sau khi từ bỏ mảng bánh kẹo, lĩnh vực làm nên tên tuổi trong hơn 20 năm của doanh nghiệp, Kido xác định chiến lược "thực phẩm và gia vị" với việc tung ra các sản phẩm dưới thương hiệu hoàn toàn mới Đại Gia Đình. Trong đó, mì gói được kỳ vọng sẽ là con bài tẩy mới của Kido sau thời hoàng kim bánh kẹo.
Tuy nhiên, thị trường mì ăn liền không hề dễ "ăn liền". Thương hiệu mì gói Đại Gia Đình của Kido sau đó cũng lặng lẽ rời thị trường. Nhìn lại giai đoạn đó, ông Trần Lệ Nguyên thừa nhận hệ thống phân phối của công ty chưa ổn. Trước năm 2015, Kido tập trung vào bánh kẹo nhưng độ phủ của ngành hàng này trên kênh phân phối không đủ lớn so với các hàng thực phẩm thiết yếu khác.
Sau đó, Kido chỉ tập trung vào hai ngành hàng cốt lõi: kem và dầu ăn. Nếu như trong mảng kem, công ty đã tham gia từ đầu những năm 2000 và sớm đứng đầu về thị phần, dầu ăn lại là cuộc chơi mới khi công ty bắt đầu thực hiện thương vụ mua lại các công ty Tường An, Vocarimex, Golden Hope Nhà Bè (nay là Kido Nhà Bè). Giai đoạn đó, Chủ tịch Kido Trần Kim Thành từng nhắc đến việc "mua một doanh nghiệp không khó bằng phát triển nó".
"Lúc đó, chúng tôi tiếp nhận ngành dầu ăn nhưng hệ thống còn chưa ổn nên làm sao tính đến những thứ khác. Công ty tập trung xây dựng hệ thống phân phối, thị trường ổn định, củng cố ngành dầu nên vài năm rồi yên ắng. Bây giờ hệ thống đã tốt, kinh nghiệm cũng nhiều hơn, hiểu biết hơn, chuyên nghiệp hơn nên chúng tôi tự tin hơn nhiều khi tham gia những ngành mới", ông Nguyên nói.
Hiện tại, Kido đang đứng sở hữu khoảng 30% thị phần dầu ăn với thương hiệu chủ lực Tường An, theo báo cáo thường niên của tập đoàn này năm 2020, xếp phía sau đối thủ ngoại Calofic. Tuy nhiên, chính Kido cũng sở hữu 24% cổ phần tại Calofic.
Không phải là công ty đại chúng nên Calofic không công bố các số liệu kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với vị thế cổ đông lớn, chắc hẳn Kido hiểu rõ bức tranh nội tại của đối thủ. Đó có lẽ cũng là lý do khiến ông Trần Lệ Nguyên tự tin công ty sẽ sớm lấy luôn ngôi đầu thị phần trên thị trường dầu ăn trong một đến hai năm tới.
THẾ KHÓ CỦA NGÀNH HÀNG CHỦ LỰC TRÊN ĐƯỜNG CÁN MỐC TỶ USD
Từ chỗ chỉ chiếm 35% cơ cấu doanh thu vào năm 2016, dầu ăn đã trở thành mảng kinh doanh quan trọng bậc nhất của Kido khi đóng góp 84% trên tổng doanh số hơn 8.300 tỷ đồng của Kido vào năm 2020. Dù vẫn duy trì đà tăng trưởng và sự đầu tư cho lĩnh vực này, thể hiện qua việc chi gần 1.300 tỷ đồng mua nốt 36% vốn Nhà nước còn lại tại Vocarimex dù trước đó đã sở hữu 51% cổ phần để dễ dàng triển khai các chiến lược tại công ty dầu ăn này, có một lý do để Kido buộc phải mở rộng danh mục trên con đường hướng đến cột mốc tỷ USD.
Biên lợi nhuận của ngành hàng dầu ăn không lớn khi nguyên liệu phải nhập khẩu từ thị trường nước ngoài. Dù đã cải thiện hiệu quả hoạt động rất nhiều từ khi về tay Kido, biên lợi nhuận gộp của Tường An chỉ đạt 15% theo báo cáo tài chính 2020.
Trong khi đó, trong ngành thực phẩm, một doanh nghiệp sản xuất mì gói với thị phần khiêm tốn như Colusa-Miliket cũng đã có biên lợi nhuận gộp 23%. Nhìn sang mảng nước, Interfood, công ty chuyên về các sản phẩm như trà bí đao, nước trái cây, nước yến có biên lãi gộp đến 40%. Còn với hai gã khổng lồ ngành thực phẩm gồm Masan Consumer và Vinamilk có tỷ suất lợi nhuận gộp lần lượt 42% và 46%.
Tỷ suất sinh lời của ngành dầu ăn thấp khiến biên lợi nhuận của Kido cũng khiêm tốn hơn trong so với các đơn vị trong ngành. Biên lợi nhuận gộp của Kido năm ngoái chỉ khoảng hơn 21%, kéo theo tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ vỏn vẹn 4,3% dù đây đã là mức cao nhất trong 3 năm qua.
Với thị giá cổ phiếu hiện tại khoảng hơn 55.000 đồng, mức định giá cổ phiếu KDC của Kido theo P/E (hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phần) lên tới khoảng 25 lần, theo YSRadar. Đây là mức định giá khá đắt đỏ so với mặt bằng chung các công ty cùng lĩnh vực trên sàn.
Cổ phiếu KDC từng có thời gian dài đi xuống trong giai đoạn 2018-2020 với đỉnh điểm là mức đáy chỉ còn hơn 13.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 4/2020. Tuy nhiên, cùng với đà thăng hoa của thị trường chứng khoán, KDC đã tăng giá hơn 300% từ đó đến nay. Dù vậy, KDC vẫn chưa phải là cái tên quen thuộc nằm trong khẩu vị của nhà đầu tư. Ngay cả các công ty chứng khoán lớn dường như cũng chưa mặn mà với cổ phiếu này khi không có nhiều phân tích chi tiết về Kido.
"Nếu nhìn vào các chỉ số P/E, P/B, quả thật Kido đang có định giá cao. Nhưng đặc thù của ngành thực phẩm là hiếm có doanh nghiệp nào định giá thấp. Hơn nữa, khi doanh nghiệp tăng trưởng trong tương lai, mức định giá hiện tại lại trở nên rẻ đi nên còn quá sớm để nói rẻ hay đắt.
"Khi nhắc đến hàng tiêu dùng, đừng nên nhìn vào lợi nhuận. Có hai yếu tố quyết định thành công của một công ty là sự tăng trưởng doanh thu và khả năng đa dạng hóa sản phẩm, năm sau phải tung ra cái mới hơn năm trước", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), chia sẻ góc nhìn với Dân trí. Hiện KDC cũng là một trong những cổ phiếu cấu thành rổ YS30 của YSVN. Danh mục này do YSVN tự lựa chọn với các tiêu chí riêng, hiện đạt mức tăng trưởng cao hơn nhiều chỉ số VN30.
Theo ông Minh, mỗi ngành có một đặc thù riêng và câu chuyện của Kido mang tính đường dài. Nhìn chung, để doanh nghiệp gia tăng giá trị, có 2 hướng cơ bản nhất gồm lĩnh vực kinh doanh phát triển hoặc bản thân công ty đó có những sản phẩm, dịch vụ mới.
Trong trường hợp này, miếng bánh của thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam đang nở ra. Khi thu nhập khả dụng tăng, người tiêu dùng cũng sẵn sàng móc hầu bao nhiều hơn cho các sản phẩm cao cấp, có xu hướng tốt cho sức khỏe. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp hàng tiêu dùng có thể thực hiện chiến lược cao cấp hóa danh mục sản phẩm.
Trong những chuyển động liên tục gần đây của Kido, ông Minh dành sự chú ý lớn nhất với liên doanh sản xuất nước tươi Vibev tập đoàn này bắt tay cùng Vinamilk. Theo ông, trong ngành thực phẩm, ngành nước là lĩnh vực có biên lợi nhuận rất lớn và sẽ là quả ngọt cho doanh nghiệp nếu chiếm lĩnh được thị trường. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong ngành nước cũng vô cùng khốc liệt.
Ông Nguyễn Thế Minh đánh giá cần nhiều thời gian để kiểm chứng liệu liên doanh Vibev có thành công. Theo ông, Kido có nhiều kinh nghiệm dày dặn trong ngành thực phẩm, hàng tiêu dùng nhưng với công ty này, ngành nước vẫn là một sân chơi mới.
Giám đốc phân tích của YSVN nhấn mạnh một lợi thế giúp Kido có thể tự tin khi tham gia những ngành hàng mới là sức mạnh tài chính với nguồn tiền mặt dồi dào. Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, các nhà phân phối luôn muốn ưu tiên những doanh nghiệp sản xuất có thể giãn thời gian phải trả tiền hàng, cho họ nợ lâu hơn. Chỉ những ông lớn có nhiều tiền mặt mới có thể làm việc này.
Trả lời Dân trí về việc bao giờ doanh nghiệp có thể chinh phục cột mốc doanh thu và vốn hóa tỷ USD, ông Trần Lệ Nguyên tự tin ngày đó sẽ sớm đến.
Ông Nguyên lấy ví dụ chuỗi nhà hàng lẩu Halidao có vốn hóa cả chục tỷ USD trong khi lẩu là món ăn chỉ có ở châu Á. "Còn chuỗi nước của chúng tôi có thể đi tới cả Mỹ. Nếu chúng tôi xây dựng được cả nghìn điểm bán thì giá trị biết bao nhiêu, chưa kể giá trị cực kỳ lớn của Tường An. Ở Việt Nam, để có được những công ty hàng tiêu dùng có tên tuổi và thị phần rất khó", CEO Kido khẳng định.
Tuy nhiên thời gian mới là câu trả lời...