An Giang:
Hai nông dân miền Tây thu nhập hàng trăm triệu nhờ nuôi nai
(Dân trí) - Từ một cặp nai giống, ông Nguyễn Duy Mẫn ở ấp An Hòa, xã An Cư, (Tịnh Biên, An Giang) đã phát triển lên thêm hơn chục con nai. Nhờ vậy, mỗi năm đem lại nguồn thu nhập cho ông Mẫn hàng trăm triệu đồng từ việc thu hoạch lộc nhung và bán nai giống.
Mưu sinh dưới tán rừng
Rất nhiều nông dân ở An Giang có được cuộc sống ổn định từ việc nhận khoán và chăm sóc rừng ở núi Cấm. Không chỉ vậy, họ còn biết mở hướng làm ăn từ việc chăn nuôi, trong đó ông Mẫn và ông Sơn là những người thành công nhất trong việc nuôi nai cũng như canh tác rừng.
Đang hốt nắm cỏ xanh mơn mởn cho đàn nai vừa thu hoạch lộc nhung, ông Nguyễn Duy Mẫn ở ấp An Hòa, xã An Cư, huyện Tịnh Biên (An Giang), cho biết: “Năm 1999, tôi được Chi cục Kiểm lâm tỉnh hỗ trợ vốn để mua cặp nai với số tiền gần 19 triệu đồng, khi ấy cũng khoảng 4,5 lượng vàng. Nhờ vậy mà giờ cuộc sống giờ được ổn định hơn rất nhiều”.
Có vật nuôi trong tay, ông Mẫn tiến hành đóng chuồng nuôi nai. Và để có nguồn thức ăn cho nai cũng như giảm chi phí, công lao động, lão nông này quyết định trồng cỏ voi dưới tán rừng. Nhờ chịu khó tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, cách xây dựng chuồng trại…sau hơn 2 năm ông Mẫn đã trả xong khoản nợ vay từ việc bán nai giống. Nhận thấy, việc nuôi nai ở đây rất phù hợp và có thể làm giàu nên cặp nai bố mẹ được ông giữ lại gầy đàn. Nhờ vậy mà đến nay đàn nai đã tăng lên 11 con (7 đực, 4 cái).
Cũng ăn nên làm ra với việc nuôi nai, ông Nguyễn Văn Sơn ở ấp Tân Long, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, chủ sở hữu đàn nai lên đến 12 con, cho biết: “Từ việc nuôi bò và hươu không hiệu quả năm 2006, tôi quyết định mua nai giống về nuôi. Bởi đây là loài vật nuôi nhốt nên không tốn nhiều thời gian chăm sóc, lại lớn nhanh, ít bệnh. Nuôi nai khỏe hơn và thu nhập cao hơn rất nhiều so với việc nuôi bò. Hàng ngày chỉ bỏ ít thời gian đi cắt cỏ”.
Theo ông Mẫn và ông Sơn, đây là loài vật dễ nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao mà lượng thức ăn không nhiều. Nai nuôi 1,5 năm trọng lượng con đực khoảng 80 kg và bắt đầu cho lộc nhung, còn nai cái nuôi khoảng 2,5 năm bắt đầu cho sinh sản. Sau khi nai con được 5 tháng tuổi thì có thể xuất bán.
Nói về việc xây chuồng cũng như cách chăm sóc, ông Mẫn, chia sẻ: “Chuồng nuôi xây dựng theo hướng Đông hoặc Đông Nam, ván được đóng thưa để tạo thoáng mát. Diện tích nuôi đối với mỗi con phải từ 8 - 10m2. Không nên nhốt những con nai có gần quan hệ huyết thống với nhau, bởi nếu chung chạ thì trong quá trình phối giống dễ xảy ra cận huyết. Mỗi ngày nai được cho ăn từ 3 - 4 đợt, tương ứng khoảng 6 - 10 kg cỏ/con (tùy lớn nhỏ), mỗi năm tiêm ngừa 2 lần để ngừa bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng”.
Trở thành triệu phú
Gắn bó đã nhiều năm và ăn nên làm ra từ việc nuôi nai, nên ông Mẫn, ông Sơn đều duy trì đàn nai với số lượng nhiều như hiện tại và sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Trong thời gian chờ diện tích rừng khoán đến thời điểm khai thác thì việc nuôi nai là nguồn thu nhập chính đối với những hộ dân nơi đây.
Để nuôi nai thành công, ngoài cách xây chuồng, chăm sóc thì việc thu hoạch nhung cũng rất quan trọng, đôi khi nó quyết định thắng thua. Thu hoạch lộc đến nai đã hàng chục lần, ông Sơn, chia sẻ: “Để thu hoạch nhung phải cần có 3 người nhằm đưa nai vào chuồng ghép (chuồng nhỏ) rồi sử dụng dây dù ép cho nai nằm xuống và dùng lưỡi cưa sắt để cắt sừng. Để hạn chế nguy hiểm cho nai thì chừa sừng đúng 2 cm so với đỉnh đầu. Cắt xong dùng thuốc Bắc đắp vào vừa để cầm máu và vệ sinh cho nai”.
Nai tùy theo lớn nhỏ mà cho lượng nhung ít nhiều. Với 4 nai đực đang cho lộc mỗi năm ông Mẫn thu hoạch được hơn 7,5 kg. Mỗi ký được bán với giá 15 triệu đồng, nguồn hàng được ông bán cho các thương lái ở Cần Thơ, Long Xuyên, TPHCM…Ngoài ra, gia đình ông Mẫn còn cung ứng từ 1 - 3 cặp nai giống với giá 45 - 50 triệu đồng/cặp cho các hộ nuôi ở ĐBSCL. Tính ra từ việc nuôi bán nai giống, lộc nhung đã đem lại nguồn thu nhập cho ông Mẫn trên dưới 200 triệu đồng.
Còn đối với ông Sơn, việc có đàn nai nhiều nhất Tịnh Biên và Tri Tôn (12 con) thì mỗi năm cho thu hoạch 10 kg nhung, vì có con cho đến 2,5 kg. Ngoài ra ông cũng bán được 2 - 3 cặp nai giống. Như vậy, mỗi năm đem lại nguồn thu nhập khoảng 250 triệu đồng cho gia đình ông Sơn.
Với việc sở hữu hơn chục con nai, mỗi con bố mẹ có mức giá lên đến vài chục triệu đồng nên đàn nai của ông Mẫn và ông Sơn có giá trị lên đến khoảng gần tỷ đồng. Nhờ thành công với việc nuôi nai mà cuộc sống của người dân núi Cấm cải thiện đáng kể. Qua đó góp phần phát triển và bảo tồn các loài động vật hoang dã.
Theo thống kê, khu vực núi Cấm có 5 hộ nuôi nai với số lượng khoảng 50 con, hộ nuôi nhiều nhất lên đến 12 con.
Nguyễn Hành - Nhân Nguyễn