Hai mặt của cổ tức ngân hàng
(Dân trí) - Nhiều ngân hàng đồng loạt công bố thông tin chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng thích nhận cổ phiếu thưởng.
Hàng loạt ngân hàng vừa liên tiếp công bố thông tin chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu như VietinBank, MB, LienVietPostBank với tỷ lệ lần lượt 29%, 35% và 12%. Hay VPBank cũng vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chi trả cổ tức cổ phiếu dù phiên họp đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 4 của nhà băng này không đề cập đến cổ tức và đồng thuận chủ trương giữ lại lợi nhuận phục vụ hoạt động kinh doanh.
Theo ước tính của SSI Research, vốn điều lệ của 16 ngân hàng dẫn đầu ngành năm nay dự kiến tăng gần 83.000 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng sẽ tăng vốn gần 62.000 tỷ đồng thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt việc ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt và khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu. Bằng việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng sẽ giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ. Theo SSI Research, các ngân hàng đều đang cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại và đáp ứng biên độ an toàn trong giai đoạn đại dịch ảnh hưởng lên nền kinh tế.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định việc tăng vốn sẽ giúp các ngân hàng có điều kiện mở rộng tăng trưởng tín dụng, nhất là trong bối cảnh nguy cơ nợ xấu phình ra khi dịch Covid-19 tác động tiêu cực với doanh nghiệp, người dân. Các nhà đầu tư nắm giữ trung và dài hạn sẽ hưởng lợi nếu ngân hàng tăng trưởng tốt sau khi tăng vốn.
Trong khi đó, những người nắm giữ cổ phiếu ngắn hạn với gu đầu tư lướt sóng có thể không hoàn toàn thích phương án này. Khi nhận thêm cổ phiếu thưởng, giá sẽ bị pha loãng. Do đó, trước ngày giao dịch không hưởng quyền, nhiều nhà đầu tư có thể sẽ bán ra, tạo áp lực lên thị giá cổ phiếu đó rồi mới trở lại mua vào sau khi giá đã điều chỉnh.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cũng chia sẻ rủi ro pha loãng khi ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không theo kịp mức tăng vốn nhờ chia tách cổ phiếu, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) sẽ sụt giảm. Nhưng giá pha loãng đồng thời cũng là một yếu tố có thể kích thích lực cầu mua vào.
Một vấn đề khác, theo ông Tuấn là áp lực nguồn cung. Với việc bị giam vốn vì cổ phiếu thưởng phải mất vài tuần từ thời điểm chốt danh sách chia cổ tức mới về tài khoản để giao dịch, nhiều nhà đầu tư ngắn hạn sẽ có xu hướng bán ra cổ phiếu trước đó.
Ngoài ra, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hiện tại cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân 5%. Ông Minh nêu quan điểm, nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn thường vừa ngại phần thuế này vừa không muốn bị giam vốn. Một vấn đề khác được đề cập là lượng cung trên thị trường sẽ tăng khi cổ phiếu thưởng về tài khoản, có thể tạo áp lực lên thị giá.