Hãi hùng công nghệ "phù phép" đường bẩn
Vừa qua, một số vụ việc về an toàn thực phẩm ngành đường như dùng axít photphoric (H3PO3) để sản xuất đường cát vàng hay trộn đường bằng máy trộn bê tông đã khiến người tiêu dùng lo lắng bức xúc. Điều này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng đường bẩn tràn lan, chiếm ngập thị trường như hiện nay.
Một số cơ sở kinh doanh đường thường mua đường cát trắng số lượng lớn rồi dùng máy trộn với axít H3PO4 (hóa chất chuyên dùng để sản xuất chất tẩy rửa công nghiệp) và phẩm màu đỏ để làm thành đường cát vàng. Với “công thức” pha trộn đó, đường có màu vàng bắt mắt, không đóng cục, trọng lượng tăng hơn ban đầu. Đường thành phẩm được đóng gói bán cho các tiểu thương kinh doanh, quán cà phê, tiệm ăn…
Không những thế, một số chủ cơ sở còn có “công thức” trộn đường “lạ đời” bằng máy trộn… bê tông để trộn lẫn các loại đường không nhãn mác với nhau đem lại những khoản lợi nhuận khủng.
Hiện nay, vì sợ đường quá trắng do có chất tẩy, nhiều người tiêu dùng chuộng đường vàng. Nắm được tâm lý này, một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đã mua đường kém chất lượng, không nhãn mác, đường lậu, rồi dùng hóa chất (không được phép sử dụng) và máy trộn bê tông “phù phép” để cho ra loại đường vàng, đẹp mắt, đánh lừa người mua.
Việc sử dụng lâu dài loại đường này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng cũng như tạo “đà” cho đường lậu, đường kém chất lượng tràn lan bóp chết các cơ sở và doanh nghiệp sản xuất đường chân chính.
Doanh nghiệp chân chính… kêu trời
Các doanh nghiệp mía đường có thương hiệu, làm ăn đàng hoàng phải than trời vì kiểu làm ăn gian dối của các chủ cơ sở không có lương tâm như trên. Để có được loại đường nâu, đường vàng tự nhiên, các nhà máy phải đầu tư tiền tỉ vào dây chuyền sản xuất, nhằm giữ lại một phần mật rỉ ở giai đoạn cuối của công đoạn luyện đường, nhờ đó sản phẩm lưu trữ được mật mía tự nhiên trong mỗi tinh thể đường. Chính hương vị này sẽ giúp tăng thêm hương thơm, màu sắc của món ăn và tốt cho sức khỏe người dùng.
So với các mặt hàng thực phẩm, đường là gia vị nên ít nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng, người tiêu dùng thường có tâm lý chọn những sản phẩm đường không nhãn mác để tiết kiệm chi phí.
Một số người tiêu dùng còn bị nhầm lẫn giữa đường cát trắng và đường tinh luyện, nên có sự so sánh không đúng về giá cả và chất lượng của hai loại đường này. Đường cát trắng được sản xuất từ đường vàng qua công đoạn tẩy trắng bằng hóa chất dùng trong thực phẩm, còn đường tinh luyện là đường sản xuất bằng công nghệ ly tâm vả tẩy trắng bằng than hoạt tính từ công nghệ sản xuất hiện đại tại các nhà máy đường lớn. Các loại đường cát trắng không nhãn mác thì sử dụng chất tẩy trắng (rất độc) để làm trắng đường, và có hóa chất làm ngọt (đường hóa học) để có thể vừa tăng thêm độ ngọt mà vừa giảm giá thành, vì đường hóa học ngọt hơn đường mía khoảng 500 lần. Như vậy đường cát trắng chưa chắc đã “sạch”.
Trong khi các doanh nghiệp sản xuất đường có thương hiệu phải đầu tư tiền tỉ vào dây chuyền sản xuất, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn lý hóa, độ màu, nhãn mác, bao bì…; thì các sản phẩm đường lậu, đường bẩn cứ vô tư hốt bạc.
Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc mạnh mẽ để loại trừ các cơ sở sản xuất “đường bẩn”. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn sẽ “đâu lại vào đấy” nếu người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ không có những hiểu biết nhất định về loại thực phẩm quan trọng và thiết yếu này.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chiến tuyến
Thực tế, không quá khó để nhận ra đường lậu, đường bẩn, bởi nó nhan nhản trên thị trường, và được bày bán công khai và có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đường lậu, đường bẩn rộng đất lộng hành như hiện nay. Trước hết, là do một số doanh nghiệp, người dân lóa mắt vì lợi nhuận mà làm ăn bất chính, tham gia sản xuất đường bẩn, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ đường lậu. Một bộ phận người tiêu dùng vì tiết kiệm vài ngàn đồng mà vô tình tiếp tay cho hàng không nhãn mác. Hệ thống văn bản pháp lý còn nhiều lỗ hổng, nhất là cơ chế xử lý vi phạm còn nhẹ, không đủ sức răn đe.
Để có thể “cùng chiến tuyến” với người tiêu dùng, cùng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các doanh nghiệp đường chân chính cần tăng cường tư vấn về cách nhận biết và chọn lựa những loại đường chất lượng; ví dụ như cách phân biệt đường bẩn, đường lậu, tác hại của các hóa chất, tạp chất trong đường không nhãn mác. Đồng thời, các doanh nghiệp đường cần quảng bá rộng rãi thương hiệu đường chất lượng đến người tiêu dùng để người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng với “đường sạch”.
Đường là một sản phẩm “đồng hành” với sức khỏe và cuộc sống hằng ngày của mọi người, mọi gia đình. Do vậy, người tiêu dùng cần tham khảo các thông tin từ các phương tiện truyền thông, những tư vấn về sức khỏe của các chuyên gia dinh dưỡng để chọn được những sản phẩm đường chất lượng,. Đừng vì những lựa chọn không đúng đắn mà để lại không ít “vị đắng” cho sức khỏe.
Đường sạch được sản xuất 100% từ mía, áp dụng công nghệ loại bỏ chất màu bằng than hoạt tính, không sử dụng hóa chất tẩy trắng, loại bỏ được hoàn toàn tạp chất, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm được sản xuất và đóng gói trên dây chuyền tự động khép kín, dùng bao bì chuyên dụng cho thực phẩm. Sản phẩm đường tinh luyện sạch có độ tinh khiết rất cao - 99,9% độ pol, vì vậy còn được gọi là đường trắng tinh khiết. Sản phẩm luôn có màu trắng tự nhiên, vị ngọt thanh không biến màu trong quá trình lưu thông mà những loại đường trôi nổi không có được. Trên bao bì sản phẩm luôn thể hiện ngày sản xuất và thời hạn sử dụng - một yếu tố rất quan trọng đối với thực phẩm. |