Hai dự án cao tốc Bắc - Nam "trắng tay" sau mời thầu khởi công vào tháng 6

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư PPP "trắng tay" sau mời thầu là quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu dự kiến được khởi công vào tháng 6/2021 theo hình thức đầu tư công.

Trước đó, sau 1 năm đấu thầu, Dự án thành phần đoạn quốc lộ 45 (QL) - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không lựa chọn được nhà đầu tư. Căn cứ các quy định nêu trên, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi phương thức đầu tư PPP sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước.

Về nguồn vốn đầu tư, theo đề xuất của Chính phủ, hai dự án QL45 - Nghi Sơn (tổng mức đầu tư 5.201 tỷ đồng) và Nghi Sơn - Diễn Châu (tổng mức đầu tư 7.300 tỷ đồng) khi chuyển sang đầu tư công sẽ sử dụng nguồn vốn Nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 tại Nghị quyết 52/2017 và Nghị quyết 117/2020.

Hai dự án cao tốc Bắc - Nam trắng tay sau mời thầu khởi công vào tháng 6 - 1

Dự án thành phần đoạn quốc lộ 45 (QL) - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ khởi công vào tháng 6/2021

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 1213/NQ-UBTVQH14 ngày 04/02/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư 2 dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, trong đó Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư tổ chức thực hiện thẩm quyền trách nhiệm của người quyết định đầu tư tổ chức thực hiện theo quy định, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Đây là các dự án thành phần thuộc Dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời phải khẩn trương triển khai nhằm thúc đẩy công tác đầu tư công, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Ngay sau khi có Nghị quyết số 1213/NQ-UBTVQH14 ngày 04/02/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT đã chủ động chỉ đạo các cơ quan tham mưu của Bộ, các Ban Quản lý dự án (QLDA) lập kế hoạch chi tiết, huy động đội ngũ cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm tập trung thời gian tiến hành rà soát, chuẩn bị điều chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan.

Để đảm bảo tiến độ triển khai theo Nghị quyết của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 và Ban QLDA 6 khẩn trương, hoàn thành trình Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi điều chỉnh, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán điều chỉnh ngay trong tháng 3/2021 để làm cơ sở tổ chức công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, đảm bảo khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên trong tháng 6/2021. 

Bên cạnh đó, nhấn mạnh vai trò của các nhà thầu trong việc đảm bảo chất lượng của công trình, đồng chí Bộ trưởng cũng chỉ đạo các Ban QLDA phải tổ chức công tác đấu thầu đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế, thực hiện nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, lựa chọn các nhà thầu thực sự đáp ứng được năng lực, có kinh nghiệm; ngoài ra, các Ban QLDA phải thành lập và ban hành quy chế làm việc Tổ chuyên gia đấu thầu đáp ứng về số lượng nhân sự, trình độ, chuyên môn, bảo mật thông tin; áp dụng các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, giám sát chặt chẽ công tác quản lý hồ sơ; Giám đốc Ban QLDA phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm trước Bộ, trước Lãnh đạo Bộ về tiến độ, chất lượng của Dự án; các cơ quan đơn vị liên quan cũng cần tăng cường nhân lực, chủ động giám sát, phối hợp và hỗ trợ các Ban QLDA để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc"

Theo ông Nguyễn Duy Lâm - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông (QLXD), Bộ GTVT "Với kinh nghiệm thực tiễn quá trình triển khai thực hiện 3 dự án chuyển đổi đầu tư công vừa qua là Mai Sơn - Quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, quá trình thực hiện lần này chúng tôi rất chủ động trong vấn đề tham mưu và tổ chức thực hiện, qua đó sẽ rút ngắn được thời gian chuẩn bị và đảm bảo sự chặt chẽ, khách quan về hồ sơ, thủ tục".

Ông Lâm cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết của Chính Phủ, Cục QLXD sẽ tiến hành thẩm định và tham mưu cho lãnh đạo Bộ sớm phê duyệt điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu thuộc các dự án đảm bảo tuân thủ trình tự và quy định pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, pháp luật về đấu thầu; đảm bảo đến tháng 6 khởi công gói thầu đầu tiên của các dự án"

Để đảm bảo mọi điều kiện cần thiết để có thể triển khai thi công các dự án, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An để thúc đẩy quyết liệt và hiệu quả hơn trong công tác GPMB, đặc biệt khẩn trương hoàn thiện các khu Tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, sớm bàn giao mặt bằng, công địa sạch cho các nhà thầu thi công.