Bộ GTVT báo cáo gì với Chính phủ 2 dự án cao tốc "trắng tay" sau đấu thầu?
(Dân trí) - Hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu triển khai theo hình thức PPP đã không lựa chọn được nhà đầu tư, vì vậy cần chuyển đổi hình thức đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua nội dung dự thảo báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.
Theo dự thảo, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư có 9 dự án đã khởi công, còn lại 2 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư sau đấu thầu gồm Quốc lộ 45 (QL) - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.
Theo dự thảo báo cáo của Chính phủ, việc chuyển đổi phương thức đầu tư từ hình thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công đối với hai dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không chọn được nhà đầu tư hiện nay rất cấp thiết. Bởi, khi chuyển sang đầu tư công, hai dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Về lâu dài, khi chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với 2 dự án QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ, kết nối liên tục với các đoạn đường bộ cao tốc đã và đang triển khai xây đựng, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Mặt khác, khi chuyển đổi sang đầu tư công, hai dự án QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ bảo đảm chắc chắn triển khai thành công, giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng.
Về mặt cơ sở pháp lý, tại Khoản 4, Điều 3 Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội quy định: Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư.
Trên thực tế, sau 1 năm đấu thầu, 2 dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không lựa chọn được nhà đầu tư. Căn cứ các quy định nêu trên, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi phương thức đầu tư.
Về phương án chuyển đổi, theo dự thảo, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định chuyển đổi từ đầu tư PPP sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước đối với 2 dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.
Trong đó, mục tiêu đầu tư, phạm vi, quy mô đầu tư của dự án không thay đổi, không tăng tổng mức đầu tư so với tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 52/2017.
Về nguồn vốn đầu tư, hai dự án QL45 - Nghi Sơn (tổng mức đầu tư 5.201 tỷ đồng) và Nghi Sơn - Diễn Châu (tổng mức đầu tư 7.300 tỷ đồng) khi chuyển sang đầu tư công sẽ sử dụng nguồn vốn Nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 tại Nghị quyết 52/2017 và Nghị quyết 117/2020.
Trước đó, tổng nguồn vốn Nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án cao tốc Bắc - Nam là 78.461 tỷ đồng gồm 55.000 tỷ đồng (Nghị quyết 52/2017) và 23.461 tỷ đồng (Nghị quyết 117/2020).
Được biết, kết quả rà soát, cập nhật tổng mức đầu tư toàn bộ 11 dự án thành phần đến nay là 89.201 tỷ đồng gồm: Nguồn vốn Nhà nước (77.940 tỷ đồng) và nguồn vốn nhà đầu tư huy động để triển khai 3 dự án thành phần tiếp tục đầu tư theo phương thức PPP (11.261 tỷ đồng).