1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hà Nội bàn việc đưa Hoài Đức lên quận trong 2 năm tới

(Dân trí) - Đối với đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung lưu ý, cần đánh giá được thực trạng hiện tại của huyện Hoài Đức, vì đây là một huyện nông thôn mới nhưng vẫn nợ một số tiêu chí...

Hà Nội sẽ đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020.
Hà Nội sẽ đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020.

Quản lý bán, cho thuê nhà xã hội ở Hà Nội còn lỏng lẻo

Theo tin từ UBND TP. Hà Nội, ngày 6/3, lãnh đạo Thành phố đã tổ chức cuộc họp thường kỳ tháng 3 để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBND Thành phố.

Trong đó, UBND TP. Hà Nội có thảo luận một số nội dung quan trọng như phê duyệt Quyết định ban hành Quy định quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội và Đề án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020…

Theo dự thảo Quy định về quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, đối tượng được mua, thuê là những người có nhu cầu nhà ở, nhưng không có điều kiện để mua nhà ở thương mại.

TP. Hà Nội sẽ thành lập hội đồng xét duyệt thuê, mua, xét từng hồ sơ theo thang điểm thứ tự từ cao xuống thấp, đồng thời, có 10 tiêu chí ưu tiên do UBND TP quy định.

Thời hạn giải quyết cho thuê, mua nhà ở xã hội không quá 30 ngày kể từ khi hồ sơ hợp lệ; tuy nhiên trường hợp phải xét hồ sơ chấm điểm ưu tiên thì thời hạn giải quyết tối đa không quá 60 ngày (đối với nhà thuộc sở hữu nhà nước), không quá 45 ngày (đối với nhà không thuộc sở hữu nhà nước).

Trường hợp người thuê, thuê mua nhà không có nhu cầu hoặc hết điều kiện thuê thì hộ gia đình phải trả lại nhà cho cơ quan quản lý để tiếp tục cho đối tượng có nhu cầu thuê.

Trường hợp nhà ở xã hội đủ điều kiện chuyển nhượng thì người chuyển nhượng phải nộp tiền sử dụng đất theo diện tích phân bổ vào ngân sách thành phố trước khi chuyển nhượng.

Người mua, người thuê không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu 5 năm (kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê).

Người sử dụng chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

Kể từ thời điểm người mua, thuê nhà ở xã hội được phép bán cho các đối tượng có nhu cầu, thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà theo quy định của pháp luật, bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó.

Trong thời hạn chưa đủ 5 năm (kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua), nếu có nhu cầu bán thì hộ đó chỉ được bán lại cho nhà nước (nhà do nhà nước đầu tư) và chủ dự án xây dựng (nhà do tư nhân đầu tư).

Đặc biệt, dự thảo quy định cũng nêu rõ, nếu sau 3 tháng kể từ khi bàn giao căn hộ mà người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không đến ở thì coi như không có nhu cầu ở và cơ quan quản lý sẽ chấm dứt hợp đồng, thu hồi căn hộ.

Khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Quy định quản lý bán, cho thuê, mua nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Doãn Toản lưu ý cần phải có sự phản biện của Mặt trận Tổ quốc Thành phố trong 10 điểm ưu tiên về đối tượng mua và thuê nhà ở xã hội.

Về vấn đề thu hồi nhà, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản yêu cầu nên có quy định cụ thể, nếu người mua nhà không về ở sau 3 tháng bàn giao nhà thì sẽ thu hồi, còn đối với các đối tượng có lý do chính đáng thì phải có quy định cụ thể.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, các quy định hiện nay về quản lý bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố còn đang lỏng lẻo, đối tượng chưa được xác định rõ nên cần phải được ban hành chặt chẽ hơn.

Do vậy, Chủ tịch Chung yêu cầu phải xác định rõ tiêu chuẩn các đối tượng được mua nhà ở xã hội phải là những người không có điều kiện mua nhà ở thuộc phân khúc nhà ở thương mại có giá trị cao. Đồng thời, lưu ý quy định này chỉ được áp dụng với một đối tượng trong gia đình, tránh trường hợp cả vợ cả chồng ở hai cơ quan khác nhau đều nộp hồ sơ xin mua nhà ở xã hội.

Chủ tịch đề nghị TP phải xây dựng cổng thông tin điện tử để người mua nhà đăng ký "xếp hàng" mua công khai và phải chịu trách nhiệm trước đăng ký của mình; đồng thời, các tiêu chuẩn cũng phải được công khai trên mạng, nếu hồ sơ mua nhà không đủ tiêu chuẩn sẽ bị loại.

Đưa Hoài Đức lên quận vào năm 2020

Đối với đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Nội vụ chủ trì và phối hợp với huyện, các sở, ngành liên quan để thực hiện.

Trong đó, Chủ tịch lưu ý, quan trọng nhất là xây dựng quy hoạch kiến trúc tổng thể cho huyện Hoài Đức thành quận trong tương lai. Muốn làm được điều đó cần đánh giá được thực trạng hiện tại của huyện Hoài Đức, đây là một huyện nông thôn mới nhưng vẫn nợ một số tiêu chí.

Ngoài ra, cần bám sát Nghị quyết 1201 của Quốc hội, từ đó đưa ra được những tiêu chí để xây dựng Hoài Đức thành quận, nếu cần thiết có thể thuê cả tư vấn nước ngoài.

Cũng tại phiên họp, tập thể UBND Thành phố cũng biểu quyết thông qua 7 danh mục nguồn lực để đầu tư dự án, trong số các nguồn lực trên, không có nguồn lực vốn ODA.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý việc xây dựng mô hình thể chế tổ chức chính quyền, đào tạo nguồn nhân lực. Ưu tiên các dự án án kết nối đô thị, hạ tầng và đặc biệt là giữ gìn các thể chế văn hóa. Bên cạnh đó, Chủ tịch cũng nhấn mạnh, phát triển đô thị nhưng không được đánh mất bản sắc văn hóa xứ Đoài.

Về phương án cân đối nguồn lực đầu tư các dự án đoạn tuyến đường sắt đô thị Hà Nội ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025, Chủ tịch UBND TP, Nguyễn Đức Chung cho biết, sắp tới, Thành phố sẽ báo cáo Chính phủ và tại kỳ họp Quốc hội, TP sẽ báo cáo Quốc hội xin ý kiến chủ trương đầu tư về các dự án này.

Nguyễn Khánh

Hà Nội bàn việc đưa Hoài Đức lên quận trong 2 năm tới - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm