1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Gửi USD hay VNĐ đều có sự đánh đổi

Trước các diễn biến bất ổn của lãi suất và tỷ giá trong thời gian gần đây, có một số nhận định cho rằng nếu như lấy lãi suất tiền gửi tiết kiệm trừ đi lạm phát VN (VNĐ), hoặc trừ đi lạm phát của Mỹ (USD), thì gửi tiết kiệm bằng USD là có lợi hơn. Nhận định này có thỏa đáng?

Ở VN lại dùng lạm phát của Mỹ là không thực tế

 

Nếu dùng lạm phát ở Mỹ để tính lãi suất thực của khoản tiết kiệm bằng USD ở VN là một sai lầm, bởi làm gì có chuyện cư dân sống trong nước nhưng lại điều chỉnh lãi suất danh nghĩa theo lạm phát của một quốc gia khác khi gửi tiết kiệm.

 

Cách mà họ phân tích trong thực tế là tiến hành so sánh giữa lợi tức có hiệu lực từ tiết kiệm bằng ngoại tệ (effective yield) và lãi suất của đồng nội tệ.

 

Giả dụ bạn hiện có 16 triệu VNĐ và đang cân nhắc nên gửi tiết kiệm bằng đồng tiền nào. Nếu gửi tiết kiệm bằng VNĐ, bạn sẽ nhận được lợi tức với lãi suất vào khoảng 8,5%/năm.

 

Khả năng thứ hai là bạn muốn gửi tiết kiệm bằng đồng USD, lãi suất USD hiện là 5,25%/năm. Trình tự đưa ra quyết định gửi tiết kiệm bằng USD được thực hiện như sau:

 

1. Chuyển 16 triệu VNĐ sang USD. Với tỷ giá USD/VNĐ hiện giờ là 16.000, bạn sẽ nhận được số tiền là 1.000 USD và gửi ngân hàng.

 

2. Sau một năm bạn nhận được cả vốn lẫn lãi là 1000 x 1,0525 = 1052,5 USD. Có được lợi hay không khi ký gửi bằng USD so với VNĐ?

 

Muốn trả lời câu hỏi này thì bạn phải đi tìm một ẩn số, đó là tỷ giá USD/VNĐ sau một năm nữa là bao nhiêu?

 

Đối với tỷ giá giữa các ngoại tệ mạnh, đáp án cho câu hỏi này sẽ là vô cùng bởi tất cả khả năng đều có thể xảy ra. Nhưng may thay (và cũng đáng buồn thay) ẩn số này đã được giải, phần lớn nhờ vào lời phát biểu và cũng là gần như khẳng định liên tục của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN): “Trong năm nay và một, hai năm tới, mức độ tăng giá của USD với VNĐ sẽ vẫn là 1-2%” (Báo Tiền Phong ngày 18/5/2006).

 

Nếu lấy tỷ lệ 2% tăng tỷ giá làm dự báo, tỷ giá USD/VNĐ dự kiến là 16.320, bước tiếp theo là:

 

3. Chuyển 1.052,5 USD sang VNĐ để nhận về 1.052,5 x 16.320 = 17.176.800 đồng. Vậy lợi tức có hiệu lực từ việc tiết kiệm bằng USD (effective yield) dự kiến là:

 

(17.176.800 - 16.000.000) : 16.000.000 = 7,4%

 

So sánh giữa lợi tức có hiệu lực là 7,4% với lãi suất VNĐ là 8,5%, ta thấy gửi bằng VNĐ vẫn có lợi hơn so với USD. Thực tế cũng cho thấy điều này, khi trong thời gian qua vốn huy động nội tệ ở các ngân hàng luôn tăng cao hơn vốn huy động ngoại tệ.

 

Trong thực hành, chúng ta có thể sử dụng nhanh gọn công thức tính lợi tức có hiệu lực như sau:

 

Lợi tức có hiệu lực = (1 + lãi suất ngoại tệ) x (1 + % thay đổi tỷ giá) – 1

 

Lợi tức có hiệu lực = (1 + 5,25%) x (1+ 2%) – 1 = 7,4%

 

Như vậy, muốn so sánh đầu tư vào đâu là có lợi nhất, bạn phải tính lợi tức có hiệu lực và so sánh chúng với lãi suất VNĐ để đưa ra quyết định, với ẩn số là % thay đổi tỷ giá.

 

Việc điều chỉnh lãi suất của từng đồng tiền theo lạm phát của từng nước để kết luận gửi tiết kiệm bằng USD có lợi hơn là không phù hợp với thực tế.

 

Bởi cho dù có là người nước ngoài hay là người Việt Nam nhưng nếu như đang sinh sống trên đất nước VN thì bạn vẫn phải chịu tác động của lạm phát trong nước cho các giao dịch kinh doanh và đầu tư tại VN, bất chấp việc bạn sở hữu và sử dụng đồng VNĐ hay USD như thế nào (vì bạn phải mua hàng ở VN chứ không phải ở Mỹ).

 

Gửi tiền đồng vẫn gặp rủi ro

 

Một số quan điểm cho rằng hiện nay gửi tiết kiệm bằng tiền đồng vẫn hơn, nếu quay trở lại minh họa ở phần trên để nhận định thì có vẻ như thế thật.

 

Sở dĩ như thế là do tỷ giá dự kiến chỉ tăng có 2%, trong khi chênh lệch lãi suất danh nghĩa của đồng VNĐ cao hơn đồng USD gần 4%. Nhận định này dựa trên “bảo hiểm” của NHNN thay cho các nhà đầu tư, rằng tiền đồng sẽ không vượt quá 2%.

 

Về nguyên tắc, nếu đầu tư vào VNĐ có lợi tức nhiều hơn so với USD thì bạn phải gánh chịu rủi ro tỷ giá nhiều hơn. Người gửi tiết kiệm, thay vì phải tốn phí mua hợp đồng kỳ hạn để bảo hiểm cho đồng tiền của mình, thì đã được NHNN bảo hiểm hộ. Nếu bạn đặt niềm tin vào bảo hiểm của NHNN, gửi tiết kiệm bằng VNĐ có thể là tốt hơn trong ngắn hạn.

 

Tuy nhiên, đây cũng vẫn là “nếu... ”. Nghĩa là tỷ giá vẫn ổn định và chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD vẫn không thay đổi, và cả hai giả định này hoàn toàn có thể bị phá vỡ.

 

Đó là vì chúng ta đang sống trong một thế giới luôn thay đổi, nếu không muốn nói là bất ổn, và cũng bởi vì dự trữ ngoại hối quốc gia tuy có tăng lên đáng kể nhưng chắc chắn vẫn không đủ để NHNN can thiệp trên thị trường, khi mà việc hội nhập vào WTO còn làm cho các dòng vốn đầu tư gián tiếp luân chuyển (chảy vào và ra) trong nền kinh tế ở mức độ cao hơn so với trước đây khi thuần túy chỉ có các giao dịch thương mại.

 

Điều đáng lưu tâm là lãnh đạo NHNN nên cân nhắc kỹ với các phát biểu mang tính khẳng định liên tục kiểu như “tỷ giá không tăng quá 2%”.

 

Ở góc độ lạc quan nhất, có thể phát biểu này là dựa trên một cơ sở khoa học nào đó (tạp chí The Economist dự báo tỷ giá USD/VNĐ sẽ tăng khoảng 4-5% trong năm 2007), nhưng kiểu khẳng định như thế hoàn toàn không có lợi cho thị trường trong dài hạn bởi người dân và các doanh nghiệp sẽ ỷ lại hoàn toàn vào Nhà nước và nếu như có  bất ổn xảy ra thì NHNN hẳn khó lòng thực hiện được các cam kết của mình.

 

Chúng ta đã và đang phải trả giá đắt cho các bao cấp đối với nền kinh tế và không nên trả giá tiếp bằng “bao cấp tư duy”.

 

Và như vậy việc cho rằng gửi tiết kiệm bằng VNĐ có lợi hơn vẫn có thể gặp phải rủi ro, đó là Nhà nước không đủ sức thực hiện các cam kết của mình. Vấn đề chính yếu là Nhà nước phải minh bạch hóa các thông tin, đặc biệt là thông tin về dự trữ ngoại hối quốc gia, chứ không phải trấn an bằng bao cấp tư duy.

 

Các doanh nghiệp và đặc biệt là người dân cần phải cẩn thận trước các phân tích cho là gửi tiết kiệm bằng đồng tiền nào là có lợi nhất.

 

 

Theo PGS.TS Trần Ngọc Thơ

Thời báo KTSG

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm