GS.TS Võ Xuân Vinh: "Muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm"

Vĩ Quang

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng việc đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường carbon là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững.

GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) - đưa ra quan điểm rằng muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm. Nội dung trên được ông Vinh chia sẻ tại tọa đàm tín chỉ carbon do Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng ngày 16/8.

Theo ông Vinh, kể từ năm 2021, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về biến đổi khí hậu toàn cầu tại COP26, đồng thời thực hiện cam kết khác trong khu vực ASEAN và các đối tác khác về năng lượng toàn cầu. Việt Nam hiện cũng là thành viên của Đối tác Năng lượng Toàn cầu (GEP), một sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững và chuyển đổi sang năng lượng sạch.

GS.TS Võ Xuân Vinh: Muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm - 1

GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh UEH (Ảnh: BTC).

Về chiến lược tăng trưởng xanh, năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, hướng tới phát triển kinh tế xanh và bền vững. Ông Vinh đánh giá, việc xây dựng, triển khai thị trường carbon mang lại nhiều lợi ích và nguồn thu cho Việt Nam. Đặc biệt, ngành nông nghiệp nước ta lại có lợi thế lớn tham gia vào thị trường carbon trong và ngoài nước.

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đi đầu trong bán tín chỉ carbon. Trong đó, năm 2023 là một bước tiến quan trọng khi Việt Nam lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (tương đương 10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).

Vị chuyên gia này hy vọng Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào thị trường toàn cầu hơn nữa, đặt mục tiêu trong năm nay và năm sau bán thêm 5 triệu tín chỉ, nâng tổng số lượng carbon bán ra lên 25 triệu tín chỉ. Dự kiến, dịch vụ hấp thu và lưu giữ carbon rừng sẽ là một trong những lợi thế của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, phát triển nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng trên quan điểm "muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm", ông Vinh nhấn mạnh. Để chuyển biến và tham gia vào thị trường carbon, cần sự tham gia của nhiều thành phần cũng như các chiến lược từ ngoại giao, khí hậu đến công nghệ.

Trên cơ sở đó, đào tạo, nâng cao trình độ của nguồn nhân lực và các chuyên gia để thực hiện bài bản các bước từ đo đạc, báo cáo đến thẩm định. 

Ngoài các chương trình đào tạo, các viện đào tạo và nghiên cứu cũng cần cố gắng tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon, với mục tiêu chia sẻ cùng Chính phủ trong triển khai thực hiện các chính sách, cam kết và lộ trình tăng trưởng xanh.

Cũng tại tọa đàm, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM), đánh giá trước xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực giảm phát thải carbon đang ngày càng cấp thiết.

Để đạt được những mục tiêu tham vọng về giảm khí thải và phát triển bền vững, thị trường cần những chuyên gia ở các lĩnh vực như đánh giá và báo cáo phát thải, quản lý năng lượng, công nghệ giảm phát thải, tài chính xanh...

Việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát thải carbon thấp là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược. "Bằng việc đầu tư vào nguồn nhân lực, chúng ta không chỉ góp phần giảm phát thải carbon mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững", ông Sơn nói.