1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Grab vừa được rót thêm tỷ USD, các đối thủ đang ở đâu trong cuộc “đại chiến”?

(Dân trí) - Trong khi Grab tiếp tục tỏ ra “mạnh” hơn với khoản hợp tác cả tỷ USD từ Toyota thì các đối thủ khác cũng đang nỗ lực hết mình trong cuộc “đại chiến” taxi công nghệ...

Khi Grab liên tục tỏ ra vị thế của kẻ “độc quyền” như tăng giá, giảm mạnh các hình thức khuyến mãi thì khả năng người dùng chuyển sang tìm kiếm những ứng dụng mới thay thế là tất yếu.
Khi Grab liên tục tỏ ra vị thế của kẻ “độc quyền” như tăng giá, giảm mạnh các hình thức khuyến mãi thì khả năng người dùng chuyển sang tìm kiếm những ứng dụng mới thay thế là tất yếu.

Ứng dụng mới chen chân trong "cuộc chiến" taxi công nghệ

Grab vừa thông báo việc đã đạt được thỏa thuận với Toyota Motor Corporation (Toyota). Theo đó, Toyota sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Grab, trở thành nhà đầu tư chính trong vòng gọi vốn hiện tại của Grab.

Theo Grab, đây là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trước đến nay trên quy mô toàn cầu từ một doanh nghiệp sản xuất ôtô vào lĩnh vực đặt xe công nghệ, và đưa Grab tiến gần hơn đến tầm nhìn trở thành nền tảng di động một điểm đến (one-stop) tại Đông Nam Á.

Sau khi thâu tóm Uber tại Đông Nam Á, Grab đang cho thấy tham vọng “bành trướng” của họ trên thị trường ứng dụng gọi xe. Tại Việt Nam, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết hãng đã triển khai chương trình “90 ngày nỗ lực hoàn thiện" nhằm giải quyết những khó khăn mà cả khách hàng và tài xế gặp phải khi sử dụng ứng dụng.

Theo đó, một loạt các chính sách được Grab đưa ra nhằm “hài lòng” cả phía tài xế và các khách hàng khi sử dụng ứng dụng. Chẳng hạn đối với tài xế, Grab cho phép họ có thể hủy chuyến trong trường hợp đã tới điểm đón mà sau 5 phút khách hàng vẫn không xuất hiện. Hay việc “thưởng đón khách” mới để khuyến khích tài xế đón khách ở xa…

Thực tế, sau thương vụ thâu tóm Uber, khá nhiều khách hàng đã lên tiếng phàn nàn về chất lượng dịch vụ ứng dụng Grab, chẳng hạn như giá cước tăng cao, huỷ cuốc vô tội vạ… Không ít khách hàng đã “thằng tay” xoá ứng dụng này vì “ghét cái thái độ”.

Nhiều nhận định cho rằng đây là thời điểm tốt để các ứng dụng gọi xe khác “chen chân” trong cuộc chiến giành thị phần. Trong khi Grab tiếp tục “mạnh” hơn với khoản hợp tác cả tỷ USD cùng với loạt chính sách nhằm “lấy lòng” tài xế và khách hàng thì các đối thủ khác cũng đang nỗ lực hết mình trong cuộc “đại chiến” taxi công nghệ.

Mới đây, ứng dụng gọi xe công nghệ Aber từ Đức vừa chính thức ra mắt tại TP.HCM. Đây là ứng dụng gọi xe thông minh trên nền tảng 4.0 được phát triển bởi nhóm kỹ sư người Việt du học tại châu Âu.

Điểm đặc biệt của Aber là hãng không áp dụng mức chiết khấu với tài xế trên từng cuốc xe mà tính phí quản lý ứng dụng cố định tùy vào tổng thu nhập hằng tháng của tài xế và được trừ sau mỗi tháng.

Tính ra, mức chiết khấu chưa đến 10% so với thu nhập hằng tháng, tài xế chạy càng nhiều, chiết khấu càng thấp. Trong khi đó, chính sách chiết khấu đối với tài xế của Grab hiện nay là 23,6%, đối tác mới đóng chiết khấu lên đến 28%.

Tỷ lệ chiết khấu doanh thu của Tập đoàn Mai Linh đối với ứng dụng gọi xe cũng chỉ 15%, thấp hơn khá nhiều so với Grab. Trước đó, ông lớn trong ngành vận tải – là công ty cổ phần xe khách Phương Trang cũng tuyên bố sẽ rót hơn 2.000 tỷ vào ứng dụng gọi xe Vivu để đổi tên thành VATO.

Điểm khác biệt ứng dụng này khác với Grab là cho phép người dùng mặc cả với lái xe (giá tối thiểu VATO đưa ra) để có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi. Giá cước của Vato ở mức 8.500 đồng mỗi km, tương tự GrabCar nhưng phần chiết khấu với lái xe là 20%, vẫn thấp hơn của Grab.

Muốn “đánh” lớn, phải đầu tư lớn?

Khi Grab liên tục tỏ ra vị thế của kẻ “độc quyền” như tăng giá, giảm mạnh các hình thức khuyến mãi thì khả năng người dùng chuyển sang tìm kiếm những ứng dụng mới thay thế là tất yếu. Nhưng tính đến thời điểm này, những "tay chơi" mới dường như chưa nhận được nhiều sự quan tâm của cả khách hàng lẫn tài xế.

Chị Mai - một nhân viên văn phòng thường sử dụng ứng dụng gọi xe để di chuyển cho biết: “Thi thoảng khi Grab tăng giá vô tội vạ thời điểm trời mưa, tôi chuyển sang một ứng dụng khác để gọi xe nhưng khá thất vọng. Sau vài lần thông báo “không tìm thấy xe”, tôi vẫn phải ngậm ngùi đặt Grab với mức giá có thể gấp đôi, gấp ba bình thường”.

Về những quận ngoại thành như Hà Đông, bản thân người viết cũng thấy rất khó khăn trong việc đặt được một chiếc xe qua ứng dụng Mai Linh hay Vato, trong khi đó, xe Grab lại “nhan nhản”.

Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, thị trường ứng dụng gọi xe đầy tiềm năng, nhưng để “đấu” lại những đối thủ như Grab, các ứng dụng phải có nguồn lực tốt, tiềm lực tài chính mạnh.

Nhìn từ Grab hay Uber trước đây thì có thể thấy, họ đầu tư rất mạnh cho giai đoạn đầu, cùng với đó rất nhiều chiêu thức để thu hút tài xế và các siêu khuyến mại để hút người dùng. Khi họ có được mạng lưới xe dày đặc với một lượng lớn người dùng, việc huy động vốn từ các nhà đầu tư cũng trở nên dễ dàng hơn.

Nếu không có được một ứng dụng thông minh, hoạt động trơn tru và lượng đối tác tài xế hùng hậu, e rằng việc đấu lại với Grab là rất khó.

Thực tế, ý tưởng hay chưa hẳn là vấn đề mấu chốt thành công mà điểm quan trọng cần có là mạnh về vốn. Nếu không có nguồn vốn tốt, ý tưởng của các doanh nghiệp khó có thể triển khai. Tuy nhiên nếu “đốt tiền” với những ý tưởng tồi thì doanh nghiệp cũng sớm muốn nhận được kết cục buồn.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp nào yếu hơn sẽ bị đào thải nhưng họ có thể lựa chọn cách tránh đối đầu trực diện với những đối thủ lớn bằng cách đi vào các thị trường ngách.

"Thay vì ý định ngay lập tức chia lại thị trường, những ứng dụng mới nên đi theo một chiến lược dài hơi, gây dựng chỗ đứng từng bước", vị này nói.

Nguyễn Mạnh

Grab vừa được rót thêm tỷ USD, các đối thủ đang ở đâu trong cuộc “đại chiến”? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm