“Cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm điều tra thương vụ Grab mua Uber”
(Dân trí) - Đây là nhận định của PGS.TS Hoàng Văn Cường, uỷ viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội xung quanh đề xuất Việt Nam cùng tham gia việc điều tra thương vụ Grab mua lại Uber, trở thành hãng taxi công nghệ độc quyền tại thị trường nhiều nước Đông Nam Á.
Uber rút khỏi thị trường Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á, nhượng lại toàn bộ thị phần kinh doanh cho Grab. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là việc làm vi phạm luật Cạnh tranh. Ý kiến của ông?
-Việc mua bán, sáp nhập của các doanh nghiệp là quyền của các doanh nghiệp được lựa chọn. Tuy nhiên, việc mua bán đó nếu dẫn đến tình trạng một doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường với thị phần quá lớn, tạo ra tình trạng độc quyền để gây phương hại đến sự lựa chọn của người tiêu dùng thì là vi phạm vào Luật Cạnh tranh.
Trong trường hợp này, các đơn vị mua bán, sáp nhập mà có nguy cơ rơi vào tình trạng độc quyền thì phải có trách nhiệm khai báo với Chính phủ. Cơ quan quản lý cạnh tranh của Chính phủ có quyền điều tra nếu như việc mua bán đó thực sự tạo ra tình trạng độc quyền thì sẽ không được thực hiện. Nếu như vẫn tiếp tục thực hiện thì sẽ bị xử lý, xử phạt theo quy định của pháp luật.
Việc Grab mua lại toàn bộ quyền hoạt động của Uber tại Việt Nam trong khi Uber vẫn còn nợ thuế đã để lại một khoản nợ thuế rất lớn. Theo ông, nhà nước cần phải làm gì để đảm bảo thu ngân sách hiệu quả với loại hình kinh doanh rất mới mẻ này?
-Rõ ràng việc Grab mua lại Uber trong khi Uber vẫn đang nợ thuế thì trách nhiệm giải quyết nợ thuế đó thuộc về Grab khi nhận quyền khai thác của Uber. Nếu việc mua bán này không vi phạm vào luật cạnh tranh, cụ thể là gây tình trạng độc quyền, thì trách nhiệm trả nợ thuế đó Grab phải có nghĩa vụ.
Qua đây cũng thấy một điều rằng quản lý về thuế hiện nay đã không còn hạn chế như phương thức truyền thống trước đây là thông qua các hóa đơn, chứng từ. Đặc biệt, xu hướng của phát triển trong cuộc cách mạng 4.0 cũng như xu hướng thương mại điện tử đòi hỏi phương thức quản lý thuế của chúng ta cũng phải thay đồi, không chỉ dừng lại ở các văn bản mà phải linh hoạt hơn.
Nói cách khác, Chính phủ không chỉ đặt ra các điều kiện để doanh nghiệp phải tuân theo mà phải kịp thời đưa ra các giải pháp để ứng phó và quản lý được những phát sinh xảy ra bởi những loại hình kinh doanh rất mới trong thị trường. Nếu làm được việc đó thì mới quản lý và chống được thất thu thuế giống như thời gian vừa qua.
Grab mua lại Uber, các nước trong Đông Nam Á đều đang điều tra. Việt Nam nên có thái độ thế nào về việc này, thưa ông?
-Việc điều tra xem thương vụ này có vi phạm vào Luật Cạnh tranh, gây tình trạng độc quyền hay không thì thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia. Hiện cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia của Việt Nam vẫn đang thuộc Bộ Công Thương (Cục Quản lý cạnh tranh). Trong dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đang thảo luận tại Quốc hội kỳ họp này, cơ quan quản lý cạnh tranh cũng vẫn đặt tại Bộ Công Thương nên đây sẽ tiếp tục là cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc này.
Theo tôi, nếu có những dấu hiệu về vi phạm luật cạnh tranh thì cơ quan quản lý cạnh tranh phải có trách nhiệm điều tra dấu hiệu vi phạm đó. Việc điều tra này phải dựa trên cơ sở các chứng cứ cụ thể. Tôi cho rằng việc điều tra thương vụ này là cần thiết và phải công bố công khai.
Bởi nếu chúng ta không kịp thời điều tra mà để xảy ra tình trạng mua bán, sáp nhập tạo ra độc quyền thì nó sẽ gây ảnh hưởng ngay đến quyền lợi của đông đảo người tiêu dùng.
Xin cảm ơn ông!
Thái Anh