Đại biểu Quốc hội:

Gói phục hồi không "giải cứu", nên tập trung vào doanh nghiệp đủ sức khỏe

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Góp ý về gói phục hồi gần 350.000 tỷ đồng, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng cần lựa chọn doanh nghiệp có sức khỏe tốt, hỗ trợ kịp thời sẽ giúp họ bật dậy bằng năng suất, tạo ra nhiều việc làm.

Gói phục hồi không giải cứu, nên tập trung vào doanh nghiệp đủ sức khỏe - 1

Ngày 7/1, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: Quốc Chính).

Theo quan điểm của đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng), mục tiêu của chương trình là phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả chứ không phải là "giải cứu" các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Vì vậy, theo ông Tân, Chính phủ cần lựa chọn tập trung nguồn lực cho những doanh nghiệp có đủ sức khỏe, có khả năng làm ra nhiều sản phẩm hoặc tạo ra nhiều việc làm mong muốn cho xã hội trong thời gian nhanh nhất.

Để làm được việc này, đại biểu cho rằng, cần lựa chọn doanh nghiệp có sức khỏe tốt, hỗ trợ kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp bật dậy bằng năng suất, tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm nhất, từ đó tạo giá trị đóng góp vào GDP và ổn định cuộc sống cho người lao động, như vậy chương trình hỗ trợ sẽ có cơ hội thu hồi vốn cao nhất.

Theo ông Tân, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp khỏe này sẽ kéo theo sự phục hồi dần của các doanh nghiệp khó khăn hơn.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, doanh nghiệp có sức khỏe tốt ở đây không có nghĩa là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất hay to nhất mà có thể hướng tới những doanh nghiệp vừa và nhỏ, miễn là doanh nghiệp có các chỉ số sức khỏe lành mạnh. Các chỉ số sức khỏe này cần được Chính phủ nhanh chóng công bố và đưa ra công khai kèm theo các thủ tục xác định hỗ trợ rõ ràng, minh bạch và nhanh gọn.

Đồng thời, với việc đáp ứng các chỉ số sức khỏe thì các tiêu chí doanh nghiệp phải đạt được sau khi được hỗ trợ cũng cần đặt ra như: Tiêu chí về sản phẩm, ví dụ tỷ lệ tăng sản phẩm xuất khẩu sau 6 tháng là bao nhiêu; tiêu chí về việc làm, tỷ lệ tăng việc làm sau 6 tháng được hỗ trợ là bao nhiêu…

"Những tiêu chí này là thước đo đánh giá hiệu quả hỗ trợ, tạo thêm động lực để các doanh nghiệp theo đuổi chương trình hỗ trợ cũng như có trách nhiệm với sự phục hồi và phát triển chung của nền kinh tế", ông Tân nhấn mạnh.

Cũng bàn về đối tượng thụ hưởng, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhất trí với định hướng tập trung cho 4 ưu tiên, đó là: y tế, an sinh xã hội, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, đại biểu lại băn khoăn về tính khả thi, khả năng hấp thụ của một số cấu phần, như hỗ trợ lãi suất vay qua ngân hàng thương mại 40.000 tỷ đồng, về thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi bổ sung qua Ngân hàng Chính sách Xã hội 38.400 tỷ đồng, đặc biệt tăng cường đầu tư cho hạ tầng giao thông chiến lược hơn 100.000 tỷ đồng.

Bởi theo đại biểu Đồng, các lập luận, phân tích, đánh giá và nhận định trong đề án chi tiết "chưa thực sự thuyết phục".

Lưu ý về gói hỗ trợ, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng nghị quyết phải bổ sung quy định chặt chẽ hơn để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách.

"Tôi cho rằng nội dung này cần được chi tiết, cụ thể, trong đó cần phân định, tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đồng thời tăng cường giám sát, hướng dẫn để không xảy ra sai sót, vi phạm, bảo đảm có tính răn đe, ngăn ngừa", đại biểu Nhung đề nghị.

Cũng theo đại biểu, Chính phủ, các bộ, ngành cần có cam kết về khả năng thực hiện và đánh giá cụ thể hơn về khả năng giải ngân cũng như khả năng hấp thụ vốn.

Về các dự án đầu tư, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ các dự án kết cấu hạ tầng cần được đầu tư, ưu tiên các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án trọng tâm, trọng điểm có tính kết nối, lan tỏa và có khả năng hoàn thành sớm.

Hiện nay, theo đại biểu, chưa có danh mục và mức bố trí vốn cụ thể nên cần khẩn trương rà soát thật kỹ, đưa vào nghị quyết những nguyên tắc về tiêu chí, điều kiện, thứ tự ưu tiên các dự án để hạn chế tối đa việc xin cho, đồng thời làm căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi phân bổ vốn và phục vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan thực hiện giám sát.