Giăng băng rôn ở Bộ Công Thương để kiến nghị bỏ Thông tư 20
(Dân trí) - Chiều ngày 21/7, sau khi không được vào dự cuộc họp để tham vấn ý kiến về việc xóa bỏ hay giữ lại Thông tư 20 của Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu xe ô tô đã giăng biểu ngữ trước trụ sở Bộ Công Thương tại 54 Hai Bà Trung (Hà Nội).
Theo nguồn tin riêng của Dân Trí cho biết, ban đầu cuộc họp của Bộ Công Thương mời các đại diện của các DN ô tô trong đó có đại diện các DN ô tô thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cùng nhiều đơn vị nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ, đơn vị nhập qua trung gian.
Tuy nhiên, khi cuộc họp bắt đầu nhiều DN nhỏ không được vào, chỉ một số ít DN khác được vào họp với tư cách đại diện để lấy ý kiến.
"Cuộc họp là mở cho các thành viên hoạt động trong lĩnh vực nhằm góp ý hoặc chia sẻ với Bộ, cùng đối thoại với các thành viên của VAMA hay VIVA (Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam). Tuy nhiên, ban tổ chức chỉ cho DN thuộc hai hiệp hội trên kia vào, còn các DN khác dù được các bên mời đến, có giấy mời vẫn không được vào. Vì quá bức xúc, nhiều DN in băng rôn treo trước trụ sở Bộ Công Thương với mục đích cho lãnh đạo Bộ biết được tâm tư nguyện vọng, đồng thời kiến nghị Thủ tướng bãi bỏ Thông tư không cần thiết, vi phạm Luật Đầu tư", nguồn tin cho Dân Trí biết.
Nhắc lại Thông tư 20 được Bộ Công Thương ban hành năm 2011, đây là Thông tư về điều kiện thương nhân, nhà nhập khẩu xe ô tô 9 chỗ ngồi chở xuống phải được ủy quyền bởi đại lý chính hãng, nhà sản xuất chính hãng mới được quyền nhập khẩu về Việt Nam. Điều này khiến rất nhiều DN nhỏ muốn phân phối xe, nhưng không đáp ứng được yêu cầu, không được thực hiện chức năng trên.
Trên thực tế, theo quy định của Luật Đầu tư 2014 và chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây: từ ngày 1/7/2016 các Bộ không được duy trì các Thông tư dưới Luật, sai Luật hoặc mục đích hạn chế quyền kinh doanh của người dân. Chính vì thế, về số phận Thông tư 20, hiện có hai luồng dư luận, kêu gọi xóa bỏ Thông tư 20 nhằm trả lại thị trường cạnh tranh, một quan điểm của Bộ chủ quản, thành viên VAMA, VIVA ủng hộ bảo lưu Thông tư trên.
Cũng tại cuộc họp về sửa đổi, bổ sung các Luật về Đầu tư và Kinh doanh được Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức sáng nay 22/7, xung quanh việc dỡ bỏ hay bảo lưu quy định của Thông tư 20 cũng diễn ra tranh luận khá gay gắt.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp Chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh lại: các quy định của Thông tư 20 hiện là sai Luật bởi trong danh sách 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, kinh doanh xe ô tô không phải là ngành kinh doanh có điều kiện. Việc duy trì Thông tư trên là sai Luật.
Còn ông Lâm Chí Quang, Hiêp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA): VAMA bảo lưu quan điểm ủng hộ duy trì Thông tư 20, ông Quang nói: "Các nhà sản xuất và nhập khẩu ô tô được ủy quyền được các nhà sản xuất cung cấp các thiết bị nhập khẩu chính hãng, chuyên dùng ngoài ra các nhà sản xuất công ty mẹ còn có chiến dịch thu hồi để sửa chữa lỗi. Tôi cho là chỉ là những DN được ủy quyền mới được triệu hồi và chỉ những DN được ủy quyền mới có được thiết bị chính hãng. Còn các DN không được ủy quyền, bán xong thì thôi, không có trách nhiệm gì nữa".
"Thứ 2 là, các nhà sản xuất ô tô Việt Nam vào từ năm 1995, có đăng ký sở hữu trí tuệ logo, bây giờ nếu cho nhập khẩu tràn lan việc vi phạm bản quyền dẫn đến rất phức tạp. Ngoài ra việc để nhiều DN nhập khẩu xe khiến hiểm họa về môi trường, tai nạn giao thông", ông Quang khẳng khái.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Quyết, Đại diện Công ty Hưng Hà phản bác lại:"Tôi là một nạn nhân của Thông tư 20, nên rất mong mỏi bãi bỏ thông tư này. Tôi lấy ví dụ, Trường Hải đang là doanh nghiệp ôtô lớn của Việt Nam, nhưng họ cũng xuất phát từ một doanh nghiệp nhỏ. Với quy định của Thông tư 20, chỉ các doanh nghiệp lớn mới được tham gia nhập khẩu".
"Tôi tha thiết kiến nghị làm sao điều kiện kinh doanh phải bảo đảm được môi trường thuận lợi cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, không phân biệt đối xử. Cái gì của thị trường, của DN hãy trả lại cho họ", ông Quyết nói.
Ông Đậu Anh Tuấn ví dụ: "Cho rằng ô tô là sản phẩm phức tạp thì đúng nhưng là sản phẩm ảnh hưởng con người nên chỉ được một số DN đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện làm thì chưa đủ là cơ sở. Có nhiều thứ ảnh hưởng sức khỏe con người như đồ ăn, thức uống hàng ngày thì giờ chúng ta không thể bắt tất cả mọi người phải vào siêu thị mua cho chất lượng tốt mà bỏ qua các cửa hàng, chợ nhỏ. Ở đây quy định việc nhập xe chỉ thuộc về các DN lớn, DN được ủy quyền thì không công bằng, cạnh tranh".
Nguyễn Tuyền