1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nâng cấp Thông tư 20 lên Nghị định là sai luật!

(Dân trí) - Theo các chuyên gia kinh tế, theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đều nói rõ phải tháo gỡ các rào cản kinh doanh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh những gì mà Luật không cấm. Trong danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, kinh doanh mặt hàng ô tô không phải là nghề kinh doanh có điều kiện, như vậy lệu việc nâng cấp quy định của Thông tư 20 trên lên Nghị định có sai luật ?

Điều khoản 01 trong thông tư 20 hiện hành của Bộ Công Thương vừa được đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương trình Chính phủ xem xét phê duyệt hiện vẫn đang gây nhiều tranh cãi.


Nâng cấp Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu kinh doanh xe hơi lên Nghị định là sai luật.

Nâng cấp Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu kinh doanh xe hơi lên Nghị định là sai luật.

Hiện đang dấy lên 2 luồng ý kiến bảo lưu và bãi bỏ Thông tư 20, thậm chí khi Bộ Công Thương đưa quy định Thông tư 20 vào dự thảo Nghị định trình Bộ Tư pháp, nhiều chuyên gia đã phản đối kịch liệt vì: Thông tư không phù hợp với thị trường ô tô Việt Nam đang phát triển nhanh chóng hiện nay. Đồng thời, ý kiến gay gắt hơn là quá trình nâng cấp trên đang sai luật, sai tinh thần của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Phòng Pháp Chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VCCI luôn bảo lưu quan điểm và ý kiến của mình về việc bãi bỏ Thông tư 20 và các quy định của Thông tư này. Việc Bộ Công Thương đưa 1 số quy định của Thông tư 20 vào Dự thảo Nghị định là sai Luật.

"Chúng tôi kiến nghị bỏ hẳn Khoản 02, Điều 01 tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương quy định: Thương nhân nhập khẩu ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống chưa qua sử dụng phải đáp ứng điều kiện: Được chỉ định hoặc ủy quyền bằng văn bản của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó, trong đó nêu rõ là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó", ông Tuấn nói.

Cụ thể, trong danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư mới, theo ông Tuấn, việc nhập khẩu ô tô không thuộc các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, vậy sao Bộ vẫn đưa vào Dự thảo Nghị định các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc ngành công thương? Đây là việc làm sai luật, không đúng với tinh thần xóa bỏ rào cản của Luật Đầu tư mới, tinh thần cải cách thủ tục kinh doanh, gỡ bỏ các rào cản kinh doanh của Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, Thông tư 20 ra đời có hai mục tiêu: Giảm nhập siêu, chống rối loạn thị trường ô tô nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng. Trước kia (năm 2011) khi Thông tư 20 ra đời đã vấp phải sự phản ứng của các chuyên gia, nhà làm luật và các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, với những lý do bảo vệ thị trường, nó vẫn tồn tại, và trong chừng mực nào đó nó phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, theo một số chuyen gia kinh tế, hệ quả của điều này để lại là chỉ một vài hãng sản xuất ô tô được quyền nhập khẩu xe chính hãng, giá xe cao; thị trường chỉ có một số mẫu xe, lượng xe nhất định. Đây là yếu tố gây khan hiếm thị trường, đẩy giá xe cao.

Thông tư 20 đưa quy định tại khoản 02, các doanh nghiệp nhập khẩu xe phải có Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Như vậy, điều này đồng nghĩa, xe nhập chính thức sẽ được bảo hành, bảo dưỡng, còn xe nhập không qua kênh chính thức sẽ không được các hãng, đại lý xe bảo hành. Điều này đồng nghĩa với người mua xe “ngoài” sẽ bị hãng từ chối bảo hành.

Yếu tố bảo vệ người tiêu dùng là quan điểm của Bộ Công Thương đưa ra khi làm Thông tư 20. Tuy nhiên, ô tô là tài sản lớn, khi chọn mua, người dân hoàn toàn tìm hiểu để lựa chọn mua xe gì, bảo hành ở đâu, bảo hiểm như thế nào.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ đều nói rõ: Phải tháo gỡ các rào cản kinh doanh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh những gì mà Luật không cấm.

Đồng thời với các Nghị quyết, quan điểm của Chính phủ đều nêu rõ: Tạo mọi điều kiện cho người dân, DN làm những gì mà luật pháp không cấm, được kinh doanh, được tạo điều kiện kinh doanh những ngành nghề mà Nhà nước không cấm. Như vậy, việc tiếp tục đưa quy định cũ của Thông tư vào Dự thảo Nghị định chờ thông qua không có lợi cho thị trường, người dân.

"Lợi ích nhóm hay không chúng tôi không có căn cứ để nói đến, nhưng yếu tố hạn chế cạnh tranh được nhắc đến. Phải để thị trường cạnh tranh lành mạnh, người dân, DN phải được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm đúng theo Luật pháp. Trước đây, chúng ta lo ngại nhập siêu, nhưng nay khác rồi thị trường mở rộng, và các yếu tố cạnh tranh thị trường cần được luật hóa. Không thể hội nhập mà Việt Nam vẫn bảo lưu các chính sách như này được", ông Tuấn nói thêm.

Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương (có hiệu lực từ ngày 26/6/2011 đến ngày 1/7/2016) ngoài các quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu xe hơi theo Tiêu chuẩn Việt Nam, Thông tư 20 còn bổ sung các quy định DN nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất, nếu không thì phải có hợp đồng đại lý chính hãng. Ngoài giấy tờ trên, các DN phải có Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm