Giám đốc ADB nêu loạt cơ hội, thách thức với kinh tế Việt Nam năm 2023

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam - đã có những chia sẻ đáng chú ý khi nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2022, những cơ hội, thách thức năm 2023.

Dự báo GDP năm 2023 quanh mức 6,7%

Trong một sự kiện gần đây, ông từng phát biểu "Kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng". Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn, điều gì ông thấy ấn tượng trong nỗ lực phục hồi của Việt Nam trong suốt năm 2022? 

- Trên phương diện toàn cầu, hiện nay có nhiều thách thức đang gia tăng bao gồm việc thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương, xung đột quân sự kéo dài ở Ukraine làm gia tăng bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu, việc tiếp tục phong tỏa chống dịch theo định hướng "zero Covid" của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu. 

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) một lần nữa đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuống còn 4,3% trong năm 2022, so với mức 5,2% đưa ra trong dự báo hồi tháng 4. 

ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng của các nước đang phát triển trong khu vực trong năm 2023 xuống còn 4,9% từ mức 5,3% được đưa ra trong dự báo trước đó.

Ở Việt Nam, nhờ sự thay đổi linh hoạt của Chính phủ trong việc phòng chống đại dịch Covid-19, nền kinh tế đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm nay. Kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng trong những tháng còn lại.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được duy trì nhờ các cân đối kinh tế vĩ mô vững mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành nông nghiệp. 

Giám đốc ADB nêu loạt cơ hội, thách thức với kinh tế Việt Nam năm 2023 - 1

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam (Ảnh: ADB).

Ông dự báo ra sao về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023?

- Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 còn phụ thuộc vào những yếu tố rủi ro đang ngày càng gia tăng đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhu cầu bên ngoài chậm lại và trong điều kiện tài chính toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt có thể ảnh hưởng nặng nề hơn đến xuất khẩu so với dự báo, điều này sẽ làm trầm trọng thêm quá trình phục hồi kinh tế.

Các đợt tăng mạnh lãi suất của ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn đã làm giảm áp lực lạm phát toàn cầu, sự gia tăng của những bất ổn địa chính trị toàn cầu có thể đẩy giá hàng hóa lên cao ảnh hưởng đến triển vọng vĩ mô ở Việt Nam. 

Vì vậy, chúng tôi có thể phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 giảm nhẹ không đáng kể, xung quanh mức 6,7% đưa ra hồi tháng 9. Số liệu này sẽ được cập nhật khi ADB công bố báo cáo mới vào tháng 4/2023.

Những thách thức phải đối mặt

Nhiều chuyên gia nhận định mặc dù đã được một số kết quả đáng ghi nhận, song thách thức, rủi ro vô cùng lớn. Ông có thể chỉ ra những thách thức đáng lưu ý với nền kinh tế năm 2023 của Việt Nam, kể cả yếu tố bên ngoài từ thế giới lẫn nội tại?

- Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh bất ổn của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro ngày càng gia tăng. 

Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với áp lực lạm phát. Nhằm ứng phó với lạm phát đang tăng cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục nâng lãi suất. Việc thắt chặt tiền tệ mạnh hơn dự kiến ở các nền kinh tế tiên tiến có thể dẫn đến bất ổn tài chính toàn cầu.

Hơn nữa, quyết định nâng lãi suất của Fed khiến đồng USD mạnh lên, đồng nghĩa với việc các đồng tiền nội địa của nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam bị yếu đi. Nguy cơ đảo ngược dòng vốn trên thế giới, bị hút ra khỏi các nền kinh tế khác là hiện hữu.

Nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái sẽ làm suy yếu nghiêm trọng nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của khu vực châu Á nói chung, và Việt Nam nói riêng. Tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc chậm lại, đây lại là những thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam, nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Một yếu tố nữa mà tôi đã đề cập ở trên là chính sách "zero Covid" của Trung Quốc cũng có tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, vì Trung Quốc là đối tác thương mại rất quan trọng của Việt Nam.

Để duy trì đà phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần giải quyết những thách thức trong nội tại như giải ngân vốn đầu tư công và các khoản chi xã hội, những vấn đề của thị trường vốn và thị trường lao động. 

Chúng ta biết rằng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công và các khoản chi xã hội vẫn còn chậm so với kỳ vọng, đặc biệt là việc chậm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm 2023.

Mọi người đang nói nhiều về "suy thoái", "lạm phát", điều này đáng lo ngại như thế nào khi liên hệ với thực tế Việt Nam, thưa ông?

- Đúng là trong thời gian này, ngoài từ khóa "xung đột Nga - Ukraine" thì "suy thoái" và "lạm phát" là những từ được truyền thông quốc tế cũng như báo chí trong nước nhắc đến nhiều nhất. 

Từ góc độ toàn cầu thì chúng ta có thể nhận thấy nguy cơ suy thoái kinh tế và lạm phát cao là những hệ lụy và bất ổn bắt nguồn từ xung đột Nga - Ukraine. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đang phải đối mặt với thách thức lạm phát là một thực tế. Tuy nhiên, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối vững chắc nên không có bất cứ một dấu hiệu nào để nói đến những lo ngại về suy thoái.

Trong thời gian qua, những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ rất đáng được ghi nhận. Chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt của Việt Nam và việc thực hiện có hiệu quả các biện pháp kiểm soát giá của Chính phủ đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, thực phẩm, y tế và giáo dục đã góp phần kiềm chế lạm phát. 

Dự báo lạm phát năm 2022 được ADB điều chỉnh xuống 3,5%, từ mức 4% đưa ra vào trung tuần tháng 9. 

Bên cạnh đó, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ bù đắp cho giảm sút trong xuất khẩu do ảnh hưởng của cầu trên thị trường thế giới đang yếu đi. 

Nợ công của Việt Nam đang được kiểm soát tốt, với ước tính ở mức 43,1% GDP trong năm 2021, thấp hơn so với mức luật định 60%. Nợ nước ngoài của Việt Nam được dự báo là 38,4%, nằm trong giới hạn luật định là 45%. Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng lên và các ngân hàng trung ương của các nước tăng lãi suất, vị thế tài khóa vững chắc và nợ công thấp đã hỗ trợ đáng kể cho phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam.

Việt Nam cần làm gì?

Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ trường "Quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô". Ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố "bất biến" để ứng phó "vạn biến". Ông nhận định như thế nào về quan điểm này? Ông có khuyến nghị chính sách gì cho Việt Nam trong bức tranh kinh tế 2023?

- ADB và các đối tác phát triển khác đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành kinh tế vừa đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng.

Ở mức độ toàn cầu, sự gia tăng kỳ vọng lạm phát đòi hỏi thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ. Điều này dễ dẫn đến sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và tâm lý thị trường. Do đó, các chính phủ ở châu Á đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng cần phải tiếp tục cảnh giác trước những rủi ro từ sự bất ổn của kinh tế toàn cầu và có những chính sách và biện pháp cần thiết để kiềm chế lạm phát mà không làm mất đà tăng trưởng.

Giữ ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt điều này và tôi tin rằng Chính phủ sẽ kiên định chủ trương này trong thời gian tới. 

Trước mắt, để nền kinh tế phục hồi cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bằng cách khơi thông nguồn vốn. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành và tăng lãi suất huy động. Nhờ đó mà lạm phát tại Việt Nam đã được giữ ở mức gần như thấp nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất lại khiến cho các doanh nghiệp gặp khó. 

Việc đưa lãi suất về mức thấp là rất khó xảy ra. Điều này cũng có nghĩa là rất ít dư địa về chính sách tiền tệ để triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã được Quốc hội thông qua.

Chính phủ có thể cân nhắc tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy việc giảm 2% thuế VAT đã có tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp. Ngân sách Nhà nước đang thặng dư và tạo ra dư địa rất lớn cho chính sách và các giải pháp về tài khóa.

Nhìn nhận những bài học từ thị trường lao động trong thời gian đầu, khi đại dịch bùng phát và hai năm sau đó, tôi cho rằng Chính phủ cần tiếp tục các chính sách và giải pháp căn cơ về an sinh xã hội.

Việc triển khai có hiệu quả các giải pháp an sinh xã hội sẽ là một liều vaccine gia tăng sức chống chịu cho lực lượng lao động cả ở thị trường lao động chính thức và không chính thức, để có thể hạn chế được tác động tiêu cực của các cú sốc từ bên ngoài có thể xảy ra trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!