1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chủ tịch Quốc hội nêu loạt thách thức nền kinh tế đối mặt năm 2023

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điểm ra những khó khăn của năm 2023 - năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng.

Chiều 9/1, Quốc hội khép lại kỳ họp bất thường sau 4 ngày làm việc. Kết thúc kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và 3 nghị quyết.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên trong và bên ngoài.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam vẫn được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện. Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm chỉ tăng 3,15% trong mức chỉ tiêu của Quốc hội; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, là mức cao nhất trong 10 năm qua.

Chủ tịch Quốc hội nêu loạt thách thức nền kinh tế đối mặt năm 2023 - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu trong phiên bế mạc (Ảnh: QH).

Ngoài ra, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước đạt 1,804 triệu tỷ đồng, vượt 27,76% so với dự toán và tăng 14,12% so với năm 2021; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 11,2 tỷ USD...

Sang năm 2023, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng song tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu chưa chấm dứt và hậu quả của đại dịch còn phải khắc phục trong nhiều năm; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, xung đột Nga - Ukraine còn diễn biến phức tạp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, nhiều nước lạm phát ở mức cao, có dấu hiệu rơi vào đình trệ hoặc suy thoái, buộc phải kéo dài việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Còn trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng xuất khẩu, việc làm, lao động của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, gỗ, điện tử - điện máy… bị thu hẹp.

"Những bất cập, hạn chế, yếu kém từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Năng lực hấp thụ vốn, tính thanh khoản của nền kinh tế suy giảm, giải ngân vốn đầu tư công và một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm", Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sau những biến động mạnh đã bộc lộ rủi ro, vi phạm buộc phải xử lý, lại rơi vào nguy cơ đình trệ, "đóng băng". Trong khi đó, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn khiêm tốn; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đổi mới tư duy, có cách tiếp cận mới, phương pháp và giải pháp mới, tích cực, chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và điều hành.

"Vừa tập trung khắc phục, hóa giải thành công khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, nhất là giải quyết những khâu, những mặt còn trì trệ, vừa triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ có tính trung hạn và dài hạn bằng các giải pháp căn cơ, đồng bộ và có hệ thống", Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường hoàn thiện thể chế phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo các không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới.