Giải quyết nợ xấu - phải chờ “tiền tươi tiền thật”

(Dân trí) - Nợ xấu chưa có phương thức giải quyết tận gốc; nền kinh tế đang “nợ đầm đìa”; BĐS chưa được phá băng; vòng luẩn quẩn chiếm dụng vốn lẫn nhau khó gỡ… Đây là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế khi bàn về chính sách tiền tệ, tài khóa cho thời gian tới…

Ngày 19/12, Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo khoa học “Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2014-2015”.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Trình bày báo cáo đề dẫn, PGS.TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện nêu vấn đề, Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ” trong hai năm tới, khi đã chấp thuận nới tỉ lệ bội chi ngân sách lên 5,3% GDP và cho phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ 170.000 tỷ đồng trong 2014-2016. Theo đó, định hướng điều hành chính sách tiền tệ phải linh hoạt, chính sách tài khóa phải chặt chẽ.

TS. Trịnh Quang Anh cho rằng, Chính phủ cần sớm tuyên bố sẽ theo đuổi mục tiêu lạm phát 7% +/- 1%/năm trong 2014-2015 và có thể sẽ thấp hơn ở trung hạn và kiên định các chính sách nhằm ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này giúp các chủ thể kinh tế và công chúng hình thành kỳ vọng lạm phát hợp lý và yên tâm triển khai các kế hoạch, dự án sản xuất kinh doanh hay thực hiện các dự định tiêu dùng cá nhân.

Cụ thể, Ngân hàng nhà nước khẩn trương xây dựng và triển khai khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu. Khi có sự xung đột giữa các mục tiêu hoạt động được giao, Ngân hàng nhà nước được phép theo đuổi mục tiêu ưu tiên số một là lạm phát.
TS. Trịnh Quang Anh trình bày quan điểm tại Hội thảo.
TS. Trịnh Quang Anh trình bày quan điểm tại Hội thảo.

Trong hai năm còn lại của kế hoạch 5 năm, theo TS. Trịnh Quang Anh, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi mà ngân sách nhà nước gia tăng mức bội chi và Bộ Tài chính phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ mà nơi hấp thụ chủ yếu là hệ thống ngân hàng.

“Ngân hàng nhà nước trong khi vẫn cần đảm bảo cung ứng đủ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, khích lệ hệ thống đáp ứng đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế trên nguyên tắc hiệu quả, nhưng không được làm gia tăng áp lực lạm phát tiền tệ, đồng thời phải tạo điều kiện cho Bộ Tài chính phát hành thành công tín phiếu và trái phiếu chính phủ theo kế hoạch 2014-2015 dự kiến” – ông Quang Anh phân tích.

Ông Quang Anh cũng lưu ý, hệ thống tổ chức tín dụng hiện đang nắm giữ tới 450.000 tỉ đồng tín phiếu và trái phiếu chính phủ, chiếm khoảng 90% tổng lượng trái phiếu chính phủ đang lưu hành là một quan ngại lớn. Với áp lực phát hành trái phiếu chính phủ gộp, cả để đảo nợ đến hạn (tổng 2 năm 2014-15 là khoảng 320.000 tỉ đồng, dự đoán sẽ phát hành tập trung trong năm 2014), nguy cơ nợ công chuyển sang trạng thái mất an toàn là có khả năng, kéo theo đó là nguy cơ bất ổn hệ thống ngân hàng.

Cắt đuôi “cá mập” trên thị trường vàng

Vị chuyên gia của Viện Chính sách và Phát triển cũng chỉ rõ thực tế, vấn đề nợ xấu quả thật vẫn chưa có phương sách giải quyết gốc của vấn đề. Cái cần nhất hiện tại là phải có “tiền tươi tiền thật”, BĐS phải được phá băng… Nếu không, theo ông Quang Anh, vòng luẩn quẩn sẽ tiếp tục duy trì, các ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau. “Nợ nần đầm đìa của nền kinh tế” là từ được TS Quang Anh dùng để khái quát, NHNN đã tỏ ra rất quyết tâm khi ban thành thông tư 02 chứng tỏ nhưng thực tế, câu hỏi về tính khả thi vẫn chưa được giải.  

Về vấn đề quản lý vàng, ông Quang Anh phân tích, cán cân thương mại thăng bằng nhưng không bền vững và thực ra không thực chất. Ngoài chuyện vai trò đóng góp rất khác nhau giữa khu vực trong nước và khu vực FDI, nếu tính cả lượng vàng miếng trong năm 2013 lẽ ra nền kinh tế sẽ nhập về nếu NHNN không đứng ra nhập thay để bán đấu thầu can thiệp thị trường (hiện lên tới 67 tấn, tương đương 3 tỉ USD), cán cân thương mại có thể sẽ bị âm thêm khoảng 3 tỉ USD. Như vậy, số ngoại tệ lẽ ra nền kinh tế phải bỏ ra để nhập khẩu lượng vàng vật chất trên, phải chảy về NHNN thông qua hệ thống tổ chức tín dụng làm gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước và NHNN sử dụng chính số đó để nhập vàng về bán đấu thầu.

Tuy nhiên, thực tế không hẳn diễn ra như vậy. Điều này chứng tỏ nền kinh tế có dấu hiệu găm giữ, tích trữ ngoại tệ, tức là mức độ đô-la hóa vẫn còn khá nặng dù đã giảm nhiều. Nói cách khác, mục “Lỗi và sai sót” sẽ lớn làm cán cân thanh toán tổng thể xấu đi so dự báo.

“Như vậy, có lẽ đã đến lúc cần thiết cân nhắc, xem xét lại chủ trương quản lý thị trường vàng miếng theo Nghị định 24/CP để đảm bảo lợi ích thu được lớn hơn chi phí bỏ ra và về dài hạn, tuân thủ cơ chế kinh tế thị trường, vị chuyên gia này khuyến nghị” - TS. Trịnh Quang Anh chốt lại.

Góp lời, TS. Võ Trí Thành (Viện Phó Viện quản lý Kinh tế TƯ) đánh giá, chính sách tiền tệ thời gian qua, ở góc độ nào đó, đã được áp dụng tốt khiến thị trường tiền tệ hoạt động bình thường, ổn định. Cơ quan quản lý nhà nước đã sử dụng các công cụ linh hoạt hơn nên việc bơm – hút tiền tốt hơn, kiểm soát cung tiền trong mục tiêu ổn định là được; đã giảm được hoạt động của “cá mập” trên thị trường vàng mà không làm tăng rủi ro trong thị trường này, giảm tình trạng đô la hóa, giá trị đồng tiền VN được coi trọng hơn.

Tuy nhiên, theo ông Thành, vẫn có nhiều méo mó về lãi suất và tỷ giá. Ông Thành đặt câu hỏi, có thể yên tâm không khi giá vàng vẫn chênh lớn so với thế giới. Tính chuyên nghiệp trong cuộc chơi như vậy vẫn chưa đạt được.

Viện Phó Võ Trí Thành chỉ rõ: “Việc bán vàng miếng ra thị trường giúp cô lập, cắt đứt để làm bình yên thị trường ngoại hối nhưng có lúc nhìn lại sẽ thấy việc đó làm cho nhiều quan hệ xa dời thị trường”.

Nnguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Cao Viết Sinh cũng nhận định, chính sách điều tiết của NHNN khiến giao dịch vàng và đô-la có giảm đi nhưng không có nghĩa điều đó là nền kinh tế không còn đô-la hóa. Đô-la, vàng có thể vẫn nằm trong dân như phương tiện tích trữ lớn. Vấn đề đặt ra, theo ông Sinh là làm sao để huy động được nguồn dự trữ này để đưa vào nền kinh tế.

P.Thảo
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước