“Giải mã” những vụ vỡ hụi tiền tỷ
(Dân trí) - Liên tiếp những vụ vỡ hụi tiền tỷ xảy ra trong thời gian làm hàng ngàn người điêu đứng, kiệt quệ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, thậm chí có người đã đột quỵ khi không thể đòi lại số tiền đóng vào các dây hụi.
Điêu đứng vì hụi
Thời gian qua, liên tục xảy ra hàng loạt vụ võ hụi ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh…gây xôn xao dư luận.
Gần đây là vụ vỡ hụi gây chấn động tại khu chợ Thủ (thuộc Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), hàng chục tiểu thương ở khu chợ này đang lao đao vì vụ vỡ hụi với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Theo phản ánh của nhiều nạn nhân, cầm đầu đường dây hụi này là bà Nguyễn Thị O. (ngụ đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một). Bằng hình thức vừa chơi hụi vừa cho vay tiền, vàng nên bà O. dễ dàng huy động, lôi kéo nhiều tiểu thương tham gia vào các dây hụi của mình. Trong đó, người tham gia ít nhất cũng vào khoảng 100 triệu đồng, người nhiều nhất lên đến trên 1 tỷ đồng.
Bà Phan Thị Hường (50 tuổi, ngụ tại xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên) cho biết, bà đã tham đường dây chơi hụi do bà O. cầm đầu được 4 năm và theo 6 hụi với số tiền dây 5 triệu đồng/hụi, mỗi hụi kéo dài một năm rưỡi. “Tôi đóng suốt 2 năm nay chưa hốt lần nào giờ chị O. kêu vỡ hụi, tôi không biết làm sao lấy lại số tiền, chỉ tại tôi quá tin bà O.” – Bà Hường than thở.
Một nạn nhân khác là bà Nguyễn Thị Lớn (62 tuổi ngụ xã Chánh Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, bán thịt bò tại chợ) tham gia đường dây chơi hụi của bà O. với số tiền đã đóng lên đến gần 1,3 tỷ đồng mà không hề có giấy tờ gì. Theo bà Lớn thì bà O. là chỗ con cháu nên tin tưởng tham gia.
Theo tìm hiểu của chúng tôi những nạn nhân tham gia đường dây hụi do bà O. cầm đầu khi cho vay đều không hề có giấy biên nhận mà chỉ có giấy viết tay sơ sài. Cũng theo các tiểu thương, cứ đến tháng bà O. nói thu giùm người này, người kia, đến cuối dây hụi vào tháng 5 vừa rồi bà tuyên bố vỡ nợ. Do không thể đòi lại số tiền khoảng 30 cây vàng đã đóng hụi cho bà O. nên bà N.T.H. đã bị sốc nặng, đột quỵ rồi tử vong tại bệnh viện.
Cũng rơi vào tình cảnh trên là hàng trăm tiểu thương tại chợ Bình Tây, Bình Tiên, chợ vải Soái Kình Lâm (quận 6, TP.HCM). Những người này đã “sập bẫy” hai chủ hụi tên Ngọc Hà và Tư. Dây hụi của bà Tư vỡ, kéo theo dây hụi Ngọc Hà vỡ theo. Theo Ban quản lý chợ vải Bình Tây, một vài tiểu thương ở chợ này bị mất đến cả tỷ đồng.
Do vỡ hụi dây chuyền nên ước tính sơ bộ số tiền các tiểu thương bị mất trên 20 tỷ đồng. Một tiểu thương bán ở sạp 253, chợ Bình Tây kể, mỗi tháng, chị góp vào dây hụi 7 - 10 triệu đồng, tổng cộng tới 600 triệu đồng. Dự tính, cuối năm lấy về trang trải các khoản tiền hàng, nhưng với tình hình hiện nay thì rất khó đòi. Cùng hoàn cảnh với chị Nguyệt, nhiều tiểu thương khác có nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng.
Hay vụ cả làng chài tại xóm Cồn, khu phố Hà Ra thuộc phường Vĩnh Phước, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa bị giật hụi với số tiền lên đến gần 1.000 chỉ vàng và 15 tỷ đồng. Vụ việc xảy ra làm hầu hết những người dân chài tham gia các dây hụi, điêu đứng, kiệt quệ, nợ nần chồng chất.
Ngoài ra còn hàng chục vụ vỡ hụi, giật hụi khác. Điều đáng nói, những người chơi hụi chủ yếu dựa vào “niềm tin” với chủ hụi. Khi đóng tiền chỉ viết tay giấy biên nhận, thầm chí mọi giao dịch tiền bạc có khi chỉ bằng miệng.
Chơi hụi như chơi “dao hai lưỡi”
Theo 479 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Hụi (hay còn gọi là họ, biêu, phường) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lãnh hụi, quyền, nghĩa vụ của các thành viên, nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc chơi hụi tạo điều kiện để các cá nhân có thể có được một số tiền lớn, chịu lãi vay từ những người cùng tham gia, với hình thức đơn giản, nhẹ nhàng và thuận tiện hơn vay ngân hàng.
Nhưng sau đó, những cuộc lừa hụi quy mô lớn vẫn liên tiếp xảy ra tại nhiều tỉnh, thành cho thấy còn nhiều bất cập giữa những quy định trên giấy và hành động thực tế. Khi cơn lãi suất lên đến đỉnh điểm, không chỉ dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm được mà còn giấu gia đình cắm sổ đỏ vay tiền ngân hàng, đi huy động anh em, họ hàng, người thân giúp để có tiền đóng hụi.
Nhiều luật sư cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù đã có các quy định được ban hành nhằm làm rõ trách nhiệm của chủ hụi, các hụi viên và quy định giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải hoặc giải quyết tại tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, nghị định này lại không quy định rõ về chế tài trong trường hợp người vi phạm không trả, hoặc không trả đủ số tiền cho người bị vi phạm. Vì thế rất nhiều trường hợp mặc dù được tòa xử thắng, nhưng người bị vi phạm vẫn phải chấp nhận mất tiền vì người vi phạm thông báo hết tiền. Bên cạnh đó, các cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự.
Những chủ hụi có “âm mưu” lừa đảo, thường có toan tính từ trước. Ban đầu là cố tình phô trương tiềm lực kinh tế để các hụi viên tin tưởng. Khi đã tin, các hụi viên tự nguyện giao tiền triệu mà không cần biên lai, thay vào đó, chủ hụi chỉ đánh dấu vào sổ hụi và thanh toán đầy đủ, đúng hẹn một thời gian cho đến khi ôm tiền bỏ trốn. Hoặc chủ hụi lập ra các hụi viên ảo để hốt hụi. Nếu có thành viên khác muốn hốt hụi thì chủ hụi thông báo đã có thành viên khác bỏ lãi cao hơn và hốt trước. Chỉ với chiêu trò đơn giản những đã có hàng trăm nạn nhân sập bẫy.
Lực lượng chức năng từng thụ lý nhiều vụ kiện cáo liên quan đến các vụ vỡ hụi, giật hụi khuyên cáo, người dân khi tham gia vào các dây hụi phải có các tài liệu liên quan như: sổ hụi trong đó thể hiện rõ các thông tin như: tên, địa chỉ của chủ hụi và các thành viên, phần hụi, kỳ mở, thể thức góp vốn và lãnh hụi, số tiền hoặc tài sản khác đã góp hoặc đã lãnh hụi…Những thỏa thuận giữa chủ hụi với hụi viên và giữa các thành viên với nhau, các lần góp hụi phải được ghi chép và lưu giữ cẩn thận.
Trung Kiên