DBiz

"Giấc mơ bay" của các đại gia, tỷ phú Việt

Mai Chi
"Giấc mơ bay" của các đại gia, tỷ phú Việt

Mới đây, Vietravel Airlines có thêm cổ đông mới. Danh sách cổ đông của Vietravel Airlines gồm Tập đoàn Vietravel, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel, T&T Airlines, T&T SuperPort, Quỹ BVIM và 2 cổ đông cá nhân là ông Trần Đoàn Thế Duy và ông Đoàn Hải Đăng.

Các bên không công bố cụ thể về tỷ lệ góp vốn của phía doanh nghiệp ông Đỗ Quang Hiển và Vietravel Airlines. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines, sự tham gia của 3 cổ đông chiến lược sẽ mở ra những cơ hội mới cho Vietravel Airlines tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng mạng lưới đường bay và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong khi đó, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch điều hành của T&T Group, cho biết, việc trở thành cổ đông chiến lược của Vietravel Airlines là cột mốc quan trọng của tập đoàn này trong giai đoạn phát triển mới. Sự hiện diện của bầu Hiển tại Vietravel diễn ra ngay sau khi hãng bay chính thức được phê duyệt tăng vốn điều lệ lên 1.300 tỷ đồng vào hồi tháng 11.

Giấc mơ bay của các đại gia, tỷ phú Việt - 1

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, ông Đỗ Quang Hiển cùng nhóm cổ đông chiến lược thể hiện quyết tâm đưa Vietravel Airlines bay lên (Ảnh: T&T).

Vietravel Airlines được Chính phủ phê duyệt với tổng vốn đầu tư thực hiện dự án 700 tỷ đồng vào tháng 4/2020 với 100% vốn nằm trong tay Vietravel. Sau gần 4 năm hoạt động, hãng đã thành công kết nối hai trung tâm lớn là Hà Nội và TPHCM đến các thành phố du lịch trong nước và quốc tế như: Đà Nẵng, Đà Lạt, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Huế và Bangkok (Thái Lan).

Theo dữ liệu của Cục Hàng không Việt Nam tại báo cáo hoạt động nửa đầu năm, thị phần Vietravel Airlines là 3%. Hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa về cơ bản được duy trì ở mức trên 80% và các đường bay quốc tế ở mức trên 70%. Trong đó, Vietravel Airlines là hãng có hệ số sử dụng ghế cao nhất trên 90% với cả mạng đường bay nội địa và quốc tế.

Hãng hàng không của nữ tỷ phú USD duy nhất tại Việt Nam dẫn đầu thị phần

Vietjet được biết đến là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, được phê duyệt cấp giấy phép vào tháng 11/2007. Sự gia nhập của hãng này đã thổi luồng gió mới vào thị trường hàng không nội địa, kích thích những thay đổi mạnh mẽ với ngành hàng không những năm qua. 

Báo cáo công tác vận tải hàng không 6 tháng đầu năm của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, Vietjet Air cùng với Vietnam Airlines là hai hãng hàng không chiếm thị phần nội địa lớn nhất với lần lượt là 44% và 42%. 

Đến hết quý III, Vietjet khai thác tổng cộng 155 đường bay, bao gồm 43 đường bay nội địa và 112 đường bay quốc tế. Trong năm nay, hãng đã khai trương đường bay thẳng Đà Nẵng - Ahmedabad (Ấn Độ), đường bay Tây An (Trung Quốc) - TPHCM, tăng tần suất bay thẳng giữa TPHCM và Perth (Australia) và nhiều điểm đến khác trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc)…

Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ hồi tháng 9 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Sovico Group, Chủ tịch HĐQT Vietjet - cho biết, Vietjet mang lại khoảng 30-40% doanh thu của các doanh nghiệp dịch vụ hàng không, xăng dầu... thuộc hệ thống Nhà nước. Học viện Hàng không Vietjet hợp tác với Airbus hàng năm đào tạo 50.000 lượt học viên.

Giai đoạn 9 tháng nay năm, hãng này ghi nhận doanh thu bay đạt 51.700 và 52.200 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng lần lượt 32% và 19% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và hợp nhất lần lượt đạt 1.134 tỷ đồng và 1.405 tỷ đồng, lần lượt tăng 884% và 564% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu phụ trợ và vận chuyển hàng hóa được đẩy mạnh, đóng góp 34% tổng doanh thu vận chuyển hàng không và đạt 17.600 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Giấc mơ bay của các đại gia, tỷ phú Việt - 2

Bà Nguyễn Phương Thảo là doanh nhân hiếm hoi thành công với hãng bay tư nhân (Ảnh: Forbes).

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Vietjet đạt gần 94.000 tỷ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 2,25 lần và chỉ số thanh khoản 1,4 lần nằm ở mức an toàn. Số dư tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và các khoản tương đương tiền đạt gần 3.997 tỷ đồng. Vietjet cho rằng, con số trên cộng với hạn mức vốn lưu động đảm bảo khả năng thanh toán nhanh của công ty.

Theo ghi nhận của Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn đang là nữ tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam với giá trị tài sản ròng tại ngày 15/12 là 2,9 tỷ USD.

Bamboo Airways và giấc mơ dở dang của ông Trịnh Văn Quyết

Được thành lập năm 2017, chính thức cất cánh ngày 16/1/2019, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ chất lượng cao theo mô hình hãng hàng không truyền thống (full service carrier). Hãng bay này sau khi ra mắt đã gây ấn tượng với việc duy trì tỷ lệ đúng giờ trung bình (OTP) cao, hơn 95%.

Kể từ khi được thành lập, Bamboo Airways là dự án được cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đặt nhiều tâm huyết. Ông Quyết từng nhiều lần đề cập đến kế hoạch IPO (đưa cổ phiếu lần đầu ra công chúng) với giá không thấp hơn 60.000 đồng tương ứng vốn hóa gần 5 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, biến động lớn đã xảy ra tại thượng tầng Bamboo Airways.

Tháng 5/2023, FLC hoàn tất chuyển nhượng 401,5 triệu cổ phần, chính thức thoái hết vốn khỏi Bamboo Airways. Vào tháng 7 năm nay, ông Trịnh Văn Quyết nói trước tòa, đã bán "tài sản tâm huyết nhất của mình" là Hãng hàng không Bamboo Airways với giá 700 tỷ đồng để góp phần khắc phục hậu quả trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán".

Giấc mơ bay của các đại gia, tỷ phú Việt - 3

Bamboo Airways từng là dự án tâm huyết nhất của ông Trịnh Văn Quyết trước khi vướng lao lý.

Qua không ít xáo trộn, đầu tháng 2 năm nay, Bamboo Airways có tân Chủ tịch HĐQT là ông Phan Đình Tuệ.

Tại họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Bamboo Airways diễn ra ngày 17/7, một lần nữa mục tiêu lên sàn được đề cập. Theo ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc công ty, trong vòng 3 năm, sẽ đưa công ty lên giao dịch trên sàn chứng khoán.

Ông Phan Đình Tuệ, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways cho biết, năm 2023, công ty đã có sự phục hồi tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặc dù đội máy bay của Bamboo Airways giảm 19% so với năm 2022 do việc tái cấu trúc đội tàu bay, song doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty tăng 6% so với năm 2022, đạt hơn 12.300 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 đã được đưa về mức dương gần 237 tỷ đồng (năm 2022 lỗ lũy kế hơn 19.000 tỷ đồng).

Năm 2024, Bamboo Airways dự kiến tổng doanh thu đạt 4.857 tỷ đồng và giảm lỗ về mức 1.387 tỷ đồng. Theo ông Lương Hoàn Nam, hãng đặt mục tiêu 2024 sẽ là năm cuối cùng kinh doanh bị lỗ và từ năm 2025, sẽ kinh doanh hòa vốn và tiến đến có lãi trong các năm tiếp theo.

Sau nửa đầu năm 2024, thị phần của Bamboo Airways là 7%.

Bluesky Airways được hồi sinh bởi một nữ doanh nhân

Cách đây 3 năm, việc bà Hồ Thanh Hương xuống tiền mua lại hãng hàng không từng bị khai tử là Bluesky Airways đã gây xôn xao công chúng.

Chia sẻ với báo chí, bà Hương cho biết, sau khi lập đề án xin phục hồi giấy phép, bà đã chính thức đưa được hãng bay này trở lại hoạt động với chuyến bay đầu tiên vào đầu năm 2022, phục vụ khách thương gia theo hình thức thuê chuyến.

Sau khi hồi sinh, Bluesky Airways vận hành các loại tàu bay thương gia cao cấp như Falcon 8X, Falcon 2000, Gulfstream G650, G450, và Boeing BBJ. Khách hàng chủ yếu là giới thượng lưu thuê chuyến bay theo nhu cầu.

Hãng này đang hướng tới việc mở rộng các dịch vụ hàng không chung, không chỉ phục vụ khách hàng VIP mà còn triển khai những hoạt động cứu hộ cứu nạn tại những vùng sâu, vùng xa khi xảy ra thiên tai. Hãng cũng có kế hoạch phát triển các dịch vụ bay ngắm cảnh, bay thể thao và bay phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp.

Giấc mơ bay của các đại gia, tỷ phú Việt - 4

Bà Hồ Thanh Hương (Ảnh: Bluesky Airways).

Hiện tại, dù đang dẫn đầu thị trường bay charter tại Việt Nam nhưng Bluesky Airways cũng phải đối mặt với những vấn đề tồn tại của ngành như hành chưa có sân bay riêng, chính sách riêng cho các loại hình bay chưa rõ ràng.

Bên cạnh quyết định mua lại và hồi sinh Bluesky Airways, bà Hồ Thanh Hương còn nằm trong số ít người hiếm hoi học lái máy bay như một sở thích, là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa học lái máy bay tư nhân.

Có tiền nhưng… không dễ để bay

Trước đó, không ít doanh nhân với tiềm lực tài chính mạnh mẽ song đã phải dừng bước với giấc mơ bay vì nhiều lý do khác nhau.

Trung tuần tháng 1/2020, Tập đoàn Vingroup công bố chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, dừng dự án Vinpearl Air nhưng vẫn duy trì hoạt động của Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật hàng không. Động thái trên của Vingroup nhằm tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp.

Vinpearl Air từng được đề xuất thành lập vào cuối năm 2019 với tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 4.700 tỷ đồng. Dự án kỳ vọng khai thác thương mại trong tháng 7/2020. 

Tuy vậy, ông Nguyễn Việt Quang, CEO Vingroup, cho biết: "Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng công nghệ - công nghiệp của mình. Vì vậy chúng tôi quyết định rút lui".

Tháng 9/2020, sau hơn một năm theo đuổi và chuẩn bị cho dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir), đại gia Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Thiên Minh Group - cũng đã phải tạm dừng bước do chưa nhận được sự đồng ý của lãnh đạo Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến bất ngờ và kéo dài.

Theo hồ sơ thành lập, tổng vốn đầu tư của KiteAir là 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.000 tỷ đồng (chiếm 18% vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỷ đồng. Kite Air chọn sân bay Chu Lai (Quảng Nam) làm sân bay căn cứ. Hãng có tham vọng hoàn tất các thủ tục để bắt đầu khai thác từ cuối quý II/2020 nếu được Thủ tướng chấp thuận.

Trước KiteAir, một dự án khác là Vietstar Airlines (Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt) cũng bị từ chối cấp phép vì chọn sân bay căn cứ là sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi sân bay này đã bị quá tải.

Giấc mơ bay của các đại gia, tỷ phú Việt - 5

Hình ảnh chiếc máy bay chưa kịp đưa vào khai thác của IPP Air Cargo. (Ảnh minh họa: Báo GTVT).

Một doanh nhân tiếng tăm là ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng từng thể hiện quyết tâm sở hữu hãng bay riêng. Giữa năm 2021, Công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. IPP Air Cargo dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.

Quý I/2022, sau 2 lần thẩm định, Cục Hàng không đánh giá hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của IPP Air Cargo phù hợp với các quy định hiện nay. Tuy nhiên, tháng 10/2022, bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng giám đốc IPP Air Cargo đồng thời là vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn - có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không IPP Air Cargo.

Nguyên nhân là với tình hình xung đột Nga - Ukraine, IPP bày tỏ lo ngại rằng tình hình biến động và bất ổn của thị trường hàng hóa toàn cầu hiện nay cũng như dự báo khó khăn của ngành vận chuyển hàng hóa trong vài năm tới do biến động giá nhiên liệu, nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng.

"Nếu bạn muốn trở thành triệu phú, hãy bắt đầu với 1 tỷ USD và lập ra hãng hàng không mới", câu nói nổi tiếng này của tỷ phú Richard Branson cho thấy sự khó khăn và thách thức khi đầu tư vào lĩnh vực hàng không. Và không ngẫu nhiên khi đây vẫn được coi là lĩnh vực "đốt tiền" của giới tỷ phú.

Trong lịch sử ngành hàng không còn chứng kiến những cái tên mà nay đã trở thành dĩ vãng như Indochina Airlines (thành lập tháng 5/2008) của đại gia Hà Dũng. Thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 11/2008 thì đến tháng 9/2009, hãng bay này đã phải bỏ đường bay TPHCM - Đà Nẵng và chỉ còn duy trì chặng bay TPHCM - Hà Nội. Trước khi bị rút giấy phép vào tháng 12/2011, Indochina Airlines dính bê bối nợ tiền xăng, bị Vinapco khởi kiện, nợ lương nhân viên.

Tháng 6/2008, Trai Thien Air Cargo được thành lập và được cấp phép bay từ tháng 10/2009 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng nhưng chưa hề cất cánh cho đến khi bị rút giấy phép kinh doanh vào tháng 12/2011 do không có hoạt động khai thác.

Một hãng bay khác là Công ty cổ phần Hàng không Bầu Trời Xanh (Blue Sky) được cấp giấy phép vào tháng 6/2010 nhưng sau 10 năm vẫn chưa được cấp Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) và chưa có hoạt động khai thác bay. Sau đó, hãng bị hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không vào tháng 10/2020 trước khi được hồi sinh tại mảng bay charter như đề cập ở trên.

Công ty cổ phần Hàng không Mê Kông (Air Mekong) có chuyến bay đầu tiên vào tháng 10/2010 nhưng đến tháng 3/2013 thì đã phải ngừng bay do khó khăn tài chính trước khi bị hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào đầu năm 2015.

Dù vậy, phải khẳng định rằng, hàng không là phương tiện vận tải không thể thiếu và ngày càng trở nên quan trọng, phổ biến. Các hãng bay vẫn nỗ lực bám trụ và mở rộng kinh doanh. Cùng với đó, sự gia nhập nhiều hơn của những cái tên mới đang khiến thị trường hàng không ngày một cạnh tranh hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu hành khách, mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế.