Giá xăng tăng sốc, ai phải hứng chịu đầu tiên?
(Dân trí) - Chuyên gia Vũ Vinh Phú chỉ ra khi giá xăng tăng liên tục, ngành vận tải chịu tác động đầu tiên, rồi đến đánh bắt, sản xuất, dịch vụ. Đời sống tiêu dùng của người dân từ đó bị ảnh hưởng nặng nề.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có tới 10 nhóm hàng tăng giá.
Chỉ số giá của nhiều ngành hàng tăng do giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng, chủ yếu đến từ ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu.
Thực tế, tình hình giá cả những tháng đầu năm có nhiều diễn biến phức tạp và theo chiều hướng ngày càng tăng cao. Trong 5 tháng qua, điểm nổi cộm lên là việc tăng giá xăng dầu và những tác động của nó đến sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống tiêu dùng xã hội.
Xăng đã tăng giá 12 lần và chỉ giảm 3 lần tính từ đầu năm, lên mức cao nhất mọi thời đại. Việt Nam thì vẫn còn phụ thuộc khá lớn vào thị trường xăng dầu thành phẩm của thế giới, sản xuất trong nước cũng chỉ đảm nhiệm được 70% mà thôi. Việc tăng, giảm giá theo giá chung là một điều tất yếu.
Song, điều quan trọng là chúng ta xem xét thực hiện việc tăng giá như thế nào trong điều kiện thực tế, phù hợp với sức phát triển tồn tại của sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống tiêu dùng của người dân trong từng thời điểm.
Trước hết, hãy nhận định về những tác động của việc tăng giá đối với sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Một khi xăng dầu tăng giá liên tiếp, với biên độ mạnh trong thời gian ngắn, nó sẽ có tác động ngay tức thì lên giá thành của các phương tiện vận chuyển hàng hóa và vận tải công cộng khác bởi chi phí xăng dầu chiếm đến 35-40% trong chi phí vận chuyển. Trong ít tháng qua, một số đơn vị vận tải bị lỗ nhưng vẫn phải cân nhắc việc tăng giá cước hay không. Đó là điều trăn trở nhất.
Đối với ngư dân, nhiều tàu thuyền đã tạm nằm bờ vì nếu đánh bắt trong điều kiện giá xăng dầu cao, sản phẩm thu được sẽ không đủ bù đắp chi phí. Có những tỉnh như Khánh Hòa, Thanh Hóa có đến 50% tàu cá không hoạt động. Giá các loại thủy sản bán ra thì không tăng mấy.
Lĩnh vực sản xuất thủ công nghiệp, dịch vụ cũng đang gặp tình trạng tương tự. Đây là giai đoạn khó khăn nhất sau 2 năm đại dịch, các đơn vị chưa kịp hồi phục thì tác động của giá xăng dầu đã bồi thêm những "cú đấm" mới vào họ.
Về đời sống tiêu dùng của người dân, chúng ta đều biết một khi giá cước vận tải hàng hóa tăng cao sẽ làm cho giá cả hàng hóa hình thành những mặt bằng giá mới. Biên độ tăng giá thấp nhất từ 5% đến 10%, cao có mặt hàng đến 25-30%, thậm chí tăng gấp đôi.
Các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt lợn, rau, hoa quả, đường, sữa, dầu ăn… phục vụ cho bữa cơm hàng ngày của các gia đình đều tăng giá. Mọi người đang phải tiết kiệm chi tiêu, dành dụm tiền cho những bất trắc xảy ra, nhất là trong bối cảnh thiếu thốn sau đại dịch. Thu nhập của người nghèo, công nhân, nông dân, người về hưu đang ở mức độ rất khiêm tốn, thậm chí đi làm còn chưa đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Việc tăng thu nhập có lúc không đủ để bù đắp tình hình trượt giá ngoài xã hội.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú
Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, không nhất thiết đồng quan điểm với Dân trí. Độc giả có thể phản biện trong phần bình luận phía dưới bài viết.