Giá xăng tăng lần thứ 3 liên tiếp

Văn Hưng

(Dân trí) - Từ chiều 1/11, giá xăng E5 RON 92 tăng 380 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel 290 tăng đồng/lít, dầu hỏa tăng 120 đồng/lít, dầu mazut tăng 190 đồng/kg.

Cụ thể, giá xăng dầu mới trên sẽ được áp dụng từ 15h hôm nay (1/11), khi liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu.

Tại đợt điều chỉnh lần này, giá xăng E5 RON 92 tăng 380 đồng/lít, lên 21.870 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít, lên 22.750 đồng/lít. Tương tự, giá dầu hỏa tăng 120 đồng/lít, lên 23.780 đồng/lít; dầu diesel tăng 290 đồng/lít, lên 25.070 đồng/lít. Dầu mazut tăng 190 đồng/kg lên 14.080 đồng/kg.

Như vậy, xăng dầu đã có lần tăng giá thứ 3 liên tiếp. Tại kỳ điều hành này, liên bộ ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 là 300 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg, không trích lập với dầu diesel và dầu hỏa.

Giá xăng tăng lần thứ 3 liên tiếp - 1

Bộ Tài chính đang đề nghị giao toàn diện phần xăng dầu về Bộ Công Thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức, để đảm bảo nguồn cung chủ động (Ảnh: Mạnh Quân).

Liên quan đến diễn biến mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu. Việc này nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bộ Tài chính được đề nghị chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước.

Bộ Công Thương cũng gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước, đề nghị có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.