1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá xăng “giảm như xoa, tăng như đấm”

Ngay sau quyết định tăng giá xăng dầu khá mạnh của liên bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp taxi tại Hà Nội đã tính toán phương án tăng giá cước. Bên cạnh đó, đợt tăng giá lần này được dự báo sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 khó giữ nhịp điệu tăng nhẹ của những tháng trước.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Với quyết định cho phép điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó giá xăng tăng tới gần 2.000 đồng/lít của liên bộ, tính từ ngày 7/7/2014 đến nay, giá xăng đã có 15 lần giảm giá liên tục và 2 lần tăng mạnh. 15 đợt giảm giá, ghi nhận mức giảm tổng cộng 9.963 đồng/lít.

Trong khi đó, chỉ hai lần tăng giá đã khiến giá xăng vọt mạnh 2.550 đồng/lít, tương ứng mức tăng hơn 14%.

Không tán thành cách thức điều hành giá xăng dầu hiện nay, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu hai điểm chưa hợp lý.

Thứ nhất, quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng, dầu 300% được đưa ra với nhận định sẽ không đẩy giá xăng, dầu tăng và trên cơ sở dự báo giá xăng dầu thế giới ở mức thấp.

Điều này cho thấy khả năng dự báo của cơ quan chức năng còn kém dẫn đến việc tăng thuế bảo vệ môi trường quá nhanh.

Do đó, khi giá thế giới tăng cùng với thuế bảo vệ môi trường tăng nhanh, giá trong nước không thể kiềm chế được.

Điểm chưa hợp lý thứ hai là, chu kỳ điều chỉnh giá. Theo đúng chu kỳ điều chỉnh giá, giá xăng dầu phải được điều chỉnh từ ngày 28/4/2015 nhưng do lo ngại tâm lý nên tiếp tục kiềm giữ sau hai lần kiềm giữ trước đó.

“Trong khi đó, đã theo thị trường thì có lên có xuống, càng kiềm giữ thì mức tăng càng đột biến, gây tâm lý không tốt cho thị trường...”, ông Long nhấn mạnh.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc tăng giảm giá xăng, dầu là rất bình thường hiện nay.

“Khi xăng, dầu tăng, giảm giá đến mức độ nào đấy thì doanh nghiệp sẽ quyết định tăng hoặc giảm giá cước. Điều này phụ thuộc vào nghiệp vụ quản lý tài chính của từng doanh nghiệp”, ông Liên nói.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, việc điều hành giá xăng dầu chưa cải thiện nhiều, tình trạng “giảm như xoa, tăng như đấm” vẫn diễn ra.

“Lúc giảm chỉ giảm vài trăm đồng/lít nhưng lúc tăng lại tăng hàng nghìn đồng/lít. Nhưng xăng dầu thế giới có tăng đột ngột như vậy đâu. Nếu không có tình trạng độc quyền trong kinh doanh xăng dầu thì việc tăng giá xăng không giật cục như vậy”, ông Bình nói.

Ông cho biết thêm, mức tăng gần 2.000 đồng/lít là khá nhiều nên đã có nhiều doanh nghiệp taxi tính toán phương án tăng giá cước, mức tăng giá được đề xuất là 500 -1.000 đồng/km.

Phương án tăng giá cước đã được xem xét mặc dù để giảm giá cước, các hãng taxi phải gửi hồ sơ xin đăng ký giảm giá với các cơ quan chức năng, nếu được sẽ cho xe tạm dừng hoạt động để cài đặt bằng phần mềm chuyên dụng, kiểm định đồng hồ, in lại bảng giá, thông báo với khách hàng. Chi phí khoảng 500.000 đồng/xe/lần cài đặt.

“Với một đơn vị có 200 đầu xe, chi phí cho 3 lần điều chỉnh sẽ tiêu tốn khoảng 300 triệu đồng, đây là một khoản chi phí phát sinh mà doanh nghiệp taxi phải chịu”, ông Bình nói.

Từ góc độ tác động tổng thể tới thị trường, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, đợt tăng giá này chắc chắn sẽ góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng đáng kể.

Theo đó, bên cạnh tác động trực tiếp, giá xăng sẽ tác động gián tiếp đến các mặt hàng khác và cùng với ảnh hưởng của đợt tăng giá điện trước đó, CPI tháng 5 khó giữ bước tăng nhỏ như những tháng trước.
 
Theo Lê Hường
VnEconomy
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm