Giá xăng tăng vọt gần 2.000 đồng mỗi lít

(Dân trí) - Nếu không trích quỹ bình ổn giá xăng dầu thì mặt hàng RON 92 có thể sẽ tăng tới 3.387 đồng/lít; xăng E5 tăng 3.222 đồng/lít.

Mặc dù đã sử dụng Quỹ bình ổn song giá xăng vẫn tăng mạnh
Mặc dù đã sử dụng Quỹ bình ổn song giá xăng vẫn tăng mạnh

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Giá xăng tăng 2.000 đồng/lít từ 21 giờ tối nay

* Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Mỹ

* Ninh Thuận có thêm khu công nghiệp

* Sắc xanh lan tỏa, thị trường hồi sinh mạnh mẽ

* Doanh nghiệp Trung Quốc tìm cơ chế ưu đãi đầu tư vào Bình Dương

* Ông chủ ngân hàng và những sân sau...

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa có thông báo chính thức về việc điều chỉnh giá xăng dầu với mức tăng các mặt hàng xăng khoáng và xăng E5 là 1.950 đồng/lít, sau khi đã chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ xăng khoáng là 1.437 đồng/lít và xăng E5 là 1.272 đồng/lít.

Đồng thời giữ nguyên giá bán dầu diesel bằng cách chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ với mức chi là 322 đồng/lít; giảm giá mặt hàng dầu hỏa 258 đồng/lít và giữ nguyên giá bán dầu mazut bằng cách chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức 303 đồng/kg.

Như vậy, sau khi điều chỉnh, mức giá bán lẻ mới áp dụng đối với xăng RON 92 là 19.230 đồng/lít, xăng RON 95 là 19.830 đồng/lít; xăng E5 là 18.900 đồng/lít và dầu hỏa là 15.810 đồng/lít. Giá dầu diesel giữ nguyên mức 15.880 đồng/lít.

Liên Bộ cho biết, về đợt điều hành hôm nay, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến (từ thời điểm ngày 4/5, giá xăng RON 92 đã tăng lên mức 80.890 USD/thùng) khiến cho giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu kỳ tính giá ngày 5/5 chênh lệch cao so với giá bán. 

Mức chênh tại mặt hàng RON 92 là 3.387 đồng/lít; xăng E5 là 3.222 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 322 đồng/lít; dầu mazut là 303 đồng/kg. Chỉ có giá cơ sở dầu hỏa là thấp hơn 258 đồng/lít so với giá bán. Giá bán mới có hiệu lực từ 21 giờ ngày 5/5/2015.

Theo liên Bộ, mức điều chỉnh giá như hiện nay là đã hỗ trợ giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân.

Theo quy định hiện hành về điều hành giá xăng dầu, giá xăng dầu lẽ ra phải điều chỉnh trong ngày 28/4 vừa qua, tuy nhiên, do chu kỳ tính giá lại rơi vào ngày nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5 nên cơ quan điều hành đã phải lùi ngày điều chỉnh giá xăng dầu.
 
Trong ngày 4/5, thị trường thấp thỏm chờ diễn biến giá xăng, tuy nhiên, đã không hề có quyết định nào được đưa ra, cho thấy liên Bộ đang rất thận trọng nhằm tránh gây "sốc" đối với người dân. Một số doanh nghiệp cho biết, sau khi trừ khoản bù từ Quỹ bình ổn giá 991 đồng/lít thì mức lỗ đối với mặt hàng xăng vẫn xấp xỉ 2.000 đồng/lít.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng một lần là 1.600 đồng/lít vào ngày 11/3. Theo quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, biên độ điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện theo 3 mức: khi yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng 3%, thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán lẻ tương ứng. Giá cơ sở tăng trên 3%-7%, thương nhân phải xin phép ý kiến liên Bộ Tài chính - Công Thương. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 7% thì phải chờ ý kiến phê duyệt của Thủ tướng.

Giá xăng dầu tăng trong bối cảnh kể từ 1/5, mức thuế môi trường đã tăng gấp 3 lần từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít. Mặc dù vậy, theo khẳng định của đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương thì yếu tố này sẽ không ảnh hưởng tới quyết định điều chỉnh giá xăng dầu, bởi từ 14/4, thuế nhập khẩu xăng dầu đã được điều chỉnh giảm từ 35% xuống 20%.

Được biết, trước thời điểm điều chỉnh giá thì giá xăng tại thị trường Việt Nam vẫn đang thấp hơn các nước có chung đường biên giới, qua đó đặt ra mối lo ngại với các nhà điều hành về tình trạng thẩm lậu xăng qua biên giới. Hiện giá xăng bán lẻ tại thị trường Campuchia ngày 2/5/2014 là 23.545 đồng/lít; Trung Quốc là 19.472 đồng/lít, Lào là 22.568 đồng/lít…

Về góc độ vĩ mô, trong tháng 4 vừa rồi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước đã tăng lần thứ 2 liên tiếp với mức tăng 0,14% so với tháng 3. Mức tăng này chủ yếu do tác động của nhóm giao thông (2,47%) sau đợt điều chỉnh giá xăng hồi 11/3. Mặc dù vậy, tính lũy kế từ đầu năm, CPI mới chỉ tăng nhẹ 0,04% và CPI bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ tăng ở mức 0,8%. Sau đợt tăng giá chiều này (5/5) cùng với sự cộng hưởng của lạm phát tâm lý và ảnh hưởng của giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa rồi, dự kiến sẽ tác động mạnh tới chỉ số giá tiêu dùng tháng 5.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”