Bộ Tài chính: Giá xăng đáng lẽ đã tăng hơn 3.000 đồng/lít

(Dân trí) - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, phương án điều hành giá xăng dầu tối ngày 5/5 thực hiện đúng theo quy định và biến động tăng giá xăng dầu thế giới. Nếu không sử dụng công cụ bình ổn giá, giá xăng có thể đã phải tăng tới 3.000 đồng/lít.

Nếu không sử dụng công cụ bình ổn giá, giá xăng có thể đã phải tăng tới 3.000 đồng/lít.
Nếu không sử dụng công cụ bình ổn giá, giá xăng có thể đã phải tăng tới 3.000 đồng/lít.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Ngân hàng Nhà nước: Tỷ giá ngoại tệ tăng là do yếu tố tâm lý

* Toà nhà Keangnam được "ngỏ ý" bán với giá 800 triệu USD

* Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt đỏ sàn, VN-Index mất mốc 550 điểm

* CPI tháng 5 “đồng hành” cùng giá xăng dầu

* Phát triển “nóng”, Kỳ Anh được “nâng cấp” lên thị xã

* Bộ Tài chính lên tiếng về quyết định tăng giá xăng dầu tối ngày 5/5

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa phát đi thông cáo về phương án điều hành giá xăng dầu tối qua (ngày 5/5). Theo đó, cơ quan này cho biết, ngày 5/5, Liên Bộ Công thương-Tài chính đã công bố phương án điều hành kinh doanh xăng dầu trong chu kỳ điều hành mới, trong có điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng xăng, giữ ổn định giá bán mặt hàng dầu điêzen, dầu madut kết hợp tăng sử dụng Quỹ BOG với các mặt hàng này và giảm giá bán dầu hỏa.

Theo Cục Quản lý giá, giá xăng dầu hiện nay đang được điều hành theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với nguyên tắc cơ bản là: "Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước". 

Trong chu kỳ điều hành này (15 ngày từ ngày 20/4/2015 đến ngày 4/5/2015), diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến so với bình quân 15 ngày làm căn cứ điều hành giá của lần điều hành gần nhất (13/4/2015), đặc biệt có 2 phiên giao dịch liền kề giá xăng RON 92 đã tăng hơn 4USD/thùng. Cụ thể, tại phiên giao dịch ngày 23/4/2015: giá xăng Ron 92: 75,46 USD/thùng đến phiên giao dịch ngày 24/4/2015, giá mặt hàng này đã tăng thêm hơn 4 USD/thùng lên mức 79,79 USD/thùng.

Như vậy, Cục Quản lý giá khẳng định, theo quy định Nghị định số 83: ”Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên bảy phần trăm (>7%) so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, liên Bộ Công Thương - Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể”, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã cho phép các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối: Tăng sử dụng Quỹ BOG với các mặt hàng xăng, dầu diezel, dầu madut; Giữ ổn định giá bán dầu diezel (15.880 đồng/lít), dầu madut (12.650 đồng/kg); giảm giá bán dầu hỏa (giảm 260 đồng/lít từ 16.070 đồng/lít xuống còn 15.810 đồng/lít);Điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu không cao hơn mức giá cơ sở tính toán (khoảng 1.950 đồng/lít từ 17.280 đồng/lít lên mức 19.230 đồng/lít).

Theo Cục Quản lý giá, trong lần điều hành này, để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và Nhà nước, nhằm giảm bớt mức tăng giá xăng dầu trong nước trước áp lực tăng của giá xăng dầu thế giới nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, Liên Bộ đã sử dụng đồng thời nhiều các công cụ tài chính khác như thuế nhập khẩu, sử dụng Quỹ Bình ổn giá.

Trong đó, đối với mặt hàng dầu - ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh (dầu điêzen và dầu madut), Liên Bộ đã không điều chỉnh tăng giá bán mà đã giảm thuế nhập khẩu (dầu diezel giảm từ 20% xuống còn 12%, dầu madut giảm từ 25% xuống còn 13%) và tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá (dầu diezel tăng sử dụng thêm 188 đồng/lít lên mức 322 đồng/lít, dầu madut tăng sử dụng thêm 80 đồng/kg lên mức 303 đồng/kg) để giữ ổn định giá bán các loại dầu này. 

Giá xăng tại thị trường Campuchia: 23.000 đồng/lít, tại Lào: 22.500 đồng/lít, tại Trung Quốc: 19.000 đồng/lít.

Đối với mặt hàng xăng - mặt hàng có biến động giá thế giới tăng cao nhất (14,32%), để góp phần chia sẻ với người tiêu dùng, Liên Bộ đã cho phép tăng sử dụng Quỹ BOG thêm 446 đồng/lít (từ 991 đồng/lít lên mức 1.437 đồng/lít), phần dư địa còn lại điều chỉnh tăng giá bán xăng tương ứng. Trường hợp không sử dụng Quỹ BOG, giá xăng có thể phải tăng đến hơn 3.000 đồng/lít. 

Riêng mặt hàng dầu hỏa, khi có dư địa giá cơ sở kỳ công bố thấp hơn giá cơ sở kỳ trước liền kề, Liên Bộ đã yêu cầu giảm giá bán tương ứng (giảm khoảng 258-260 đồng/lít).

"Cần phải nhấn mạnh rằng, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu này không do tác động từ việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 01/5/2015 vừa qua. Trên cơ sở tính toán tương tác giữa thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu giá cơ sở trong lần điều hành ngày 14/4/2015, Bộ Tài chính đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu từ 10% đến 15% tùy mặt hàng", Cục Quản lý giá khẳng định.

Theo đó, cơ quan này dẫn ví dụ cho biết, với mặt hàng xăng, thuế nhập khẩu đã giảm từ 35% xuống còn 20% (giảm 15% tương ứng trong cơ cấu giá cơ sở tại thời điểm tính toán là 2.000 đồng/lít – bằng mức tăng thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng này từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít).

"Từ những tính toán nêu trên, có thể nói phương án điều hành giá xăng dầu như trên thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và biến động tăng giá xăng dầu thế giới. Bên cạnh đó, việc điều hành giá xăng dầu như trên còn góp phần giảm bớt tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do giá xăng dầu nước ta thấp hơn giá xăng dầu các nước có chung đường biên giới", Cục Quản lý giá nhấn mạnh.

Phương Dung

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”