Giá xăng, điện, than vẫn "bức bối" muốn tăng?
(Dân trí) - Trong bảy tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều biện pháp bình ổn giá đối với các mặt hàng quan trọng, song giá các mặt hàng quan trọng như xăng, điện, nước sạch, than đều phải điều chỉnh tăng.
Tương tự, theo thông tin mà Bộ Tài chính đưa ra thì giá than trong nước cũng đang chịu áp lực dù than bán cho ngành điện đã tăng 5% cùng với mức tăng giá điện, nhưng tính cả điều chỉnh này thì giá than phục vụ điện chỉ bằng 28 - 32% giá xuất khẩu cùng loại. Thực tế, từ 1/4 giá than phục vụ ngành ximăng, giấy, phân bón và các hộ nhỏ lẻ cũng tăng từ 19% đến gần 50%.
Trước đó, trong tháng 7, UB Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với than lên thêm 5 - 10 nghìn đồng/tấn so với mức sàn hiện nay là 10 - 20 nghìn đồng/tấn. Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội đã quyết định giữ mức thuế hiện nay vì sợ việc tăng thuế với than sẽ làm tăng giá điện.
Quanh vấn đề "nóng" xăng dầu, vốn được coi đang trong giai đoạn "quá độ" từ bao cấp qua giá lên điều hành theo cơ chế thị trường, liên Bộ Tài chính - Công thương đã 2 lần tăng giá xăng dầu "ở mức có kiềm chế" vào ngày 24/2 và 29/3.
Theo Bộ Tài chính, với việc sử dụng công cụ điều hành bằng thuế nhập khẩu xăng dầu (hiện ở mức 5% với diezen và dầu hỏa, 0% với xăng và mazut) và Quỹ bình ổn giá (hiện ở mức trích 400 đồng/lít xăng dầu), giá xăng dầu đã ổn định từ 29/3 tới nay.
Trước đó, Bộ Tài chính đã hơn một lần khẳng định chưa thể xem xét giảm giá xăng dầu vì hiện các DN kinh doanh xăng dầu chưa có lãi. Trước dư luận đòi minh bạch hóa câu chuyện giá xăng dầu cũng như Quỹ bình ổn giá, tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định sẽ minh bạch các chi phí, mức giá cơ sở của xăng dầu.
Cũng theo Bộ này, trong những tháng cuối năm, Bộ sẽ thực hiện việc bình ổn giá, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thông qua 5 giải pháp, trong đó đáng chú ý nhất là việc xóa bao cấp qua giá theo lộ trình với các loại hàng hóa, dịch vụ bao cấp như điện, xăng dầu, nước sạch, than bán cho điện…
Hồng Kỹ