1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Không thể tăng thuế với than vì nỗi lo đẩy giá điện

(Dân trí) - Trước ý kiến đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với than đá vì mức độ gây ô nhiễm khi sử dụng, UB Thường vụ QH kết luận giữ mức như biểu thuế Chính phủ trình vì than là nguyên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất, đặc biệt là điện.

Bàn về biểu thuế bảo vệ môi trường đánh vào 5 nhóm mặt hàng xăng dầu, than đá, chất làm lạnh HCFC, túi nhựa xốp, thuốc bảo vệ thực vật, UB tài chính ngân sách của QH cho biết có nhiều ý kiến phân tích quy định mức thuế đối với mặt hàng than đá áp dụng theo mức sàn của khung thuế (10.000-20.000đ/tấn) là quá thấp.
 
Không thể tăng thuế với than vì nỗi lo đẩy giá điện - 1
Sử dụng than gây ô nhiễm cao (ảnh: vpeg.vn).

Theo đó, UB tài chính ngân sách phân tích, than là sản phẩm gây ô nhiễm nặng cho môi trường. Phạm vi sử dụng than hiện nay là khá phổ biến với khối lượng gần 30 triệu tấn/năm. Ngoài ra, việc khai thác bừa bãi than đã hủy hoại môi trường, dẫn đến tài nguyên này ngày một cạn kiệt, gần đây nhiều doanh nghiệp đã phải nhập khẩu than với khối lượng lớn. Do đó, quan điểm đưa ra là đề nghị điều chỉnh mức thuế đối với mặt hàng than theo hướng tăng thêm 5.000 - 10.000đ/tấn.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB kinh tế Hà Văn Hiền lại cho rằng, khi áp thuế cần căn cứ vào mức độ sử dụng phổ biến của người dân với mặt hàng đánh thuế. Với mức thuế như Chính phủ đề xuất, mỗi 1 triệu tấn than đã gánh 20 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Các chi phí này được tính vào giá thành và cuối cùng người dân lại phải gánh trong giá điện.

“Trong bối cảnh giá rau giá thịt đều tăng như này mà chúng ta lại tiếp tục chủ động đẩy giá các nguyên liệu đầu vào thiết yếu của sản xuất, tiêu dùng sẽ tạo thêm áp lực đẩy lạm phát lên” – ông Hiền phân tích.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng, giá than sẽ ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng bình thường và nhà sản xuất chứ không chỉ là chuyện tăng thêm vài nghìn đồng/tần than vì lượng sử dụng sẽ là hàng triệu tấn. Tăng thêm thuế áp cho than, ông Phước lo ngại khả năng ảnh hưởng đến giá điện.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh “trấn an”, hiện bán than cho các hộ tiêu dùng lớn trong nước như ngành điện rất thấp. Nếu điều chỉnh để giá đúng thực tế thì phải tăng thêm 50% nữa nhưng hiện Chính phủ mới chỉ cho tăng 5%.

Loại bỏ lo ngại áp thuế thấp dẫn đến lãng phí tài nguyên, ông Ninh khẳng định thuế tài nguyên cho than 2 năm qua đã điều chỉnh lên khá cao. Vì vậy việc đánh thêm thuế, phí môi trường cho mặt hàng cũng cần cân nhắc vì than là đầu vào quan trọng của sản xuất trong nước.

Thống nhất các ý kiến, UB Thường vụ QH đã thông qua Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường như Chính phủ đề xuất đối với than.

Mức thuế đối với dung dịch làm lạnh HCFC được nâng thêm 1.000-1.500đ/kg so với mức 2.500đ/kg trong dự thảo Nghị quyết vì đây là loại chất chính gây ô nhiễm bầu không khí, làm suy giảm tầng ôzôn và gây hiệu ứng nhà kính trong khi đã có nhiều sản phẩm thay thế khác.

Mức thuế đối với túi nhựa xốp là 40.000đ/kg (khung thuế suất là 30.000- 50.000đ/kg). Mức thu tương đương 130% giá bán hiện hành của loại túi này. Tuy nhiên, theo dự báo, cho dù có áp dụng mức thuế này thì vẫn khó có thể làm người tiêu dùng từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon nên cần thêm các biện pháp đồng bộ khác như sản xuất sản phẩm thay thế để góp phần bảo vệ môi trường.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm