1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá xăng dầu tăng kỷ lục: Đã báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, đại diện phía Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu.

Giá xăng dầu tăng kỷ lục: Đã báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế - 1

Theo Bộ Công Thương, khi giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, cần thiết sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước (Ảnh: Mạnh Quân).

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, nguồn cung có gián đoạn cục bộ, ngày 22/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, đề xuất phương án thuế của hai bộ cần được báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.

Trao đổi với Dân trí, đại diện phía Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu. 

Hiện nay, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu bao gồm: Thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế bảo vệ môi trường.

Trong đó, thuế bảo vệ môi trường được quy định đối với mặt hàng xăng là 4.000 đồng/lít, dầu diesel, dầu mazut và mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít. Đối với các mặt hàng xăng sinh học như E5, E10 chỉ tính thuế bảo vệ môi trường đối với lượng xăng gốc hóa thạch kết cầu trong xăng sinh học. Mức thuế này đều được quy định "cứng" trong công thức tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng thuế đối với xăng hiện chiếm khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%. Ngoài ra trong giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức chiếm khoảng 5-8% mức giá cơ sở.

Trao đổi với Dân trí về phương án giảm thuế bảo vệ xăng dầu để "hạ nhiệt" giá trong bối cảnh này, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh lại quan điểm, khi giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch trong bối cảnh quỹ bình ổn giá có hạn, cần thiết sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Bộ Công Thương cũng khẳng định đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm kiếm nguồn hàng cung cấp cho thị trường nội địa, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống.

Theo đó, các doanh nghiệp cần phải thực hiện đúng các quy định về dự trữ xăng dầu lưu thông, thực hiện nghiêm túc việc bán hàng theo thời gian đã đăng ký, không để xảy ra hiện tượng "găm hàng" hay hạn chế bán ra trong hệ thống, gây ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Ông Bùi Ngọc Bảo, quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho rằng cần linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu thời điểm này, nhất là vấn đề về thuế, phí. Ông Bảo cho biết, một số khoản thuế phí thu theo phần trăm nên giá càng tăng thì thu càng nhiều. Trong bối cảnh doanh nghiệp càng bán càng lỗ kém mặn mà, giá xăng cao nhưng ngân sách trong lĩnh vực này thì cao lên cũng nên được cân nhắc xem xét.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cũng nhấn mạnh, dư địa để "hạ nhiệt" giá xăng dầu bây giờ chỉ còn thuế phí. Ông cho rằng cơ quan quản lý cũng cần tính toán, có kiến nghị, giải pháp về việc giảm thuế nhập khẩu để doanh nghiệp giảm chi phí, hạ nhiệt giá cả. Liên Bộ cần phối hợp linh hoạt trong vấn đề này.

Có phương án điều hành giá "dày" hơn

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ thực hiện việc bảo đảm tổng nguồn cung xăng dầu trước mắt trong quý II/2022 theo phương thức phân giao lại tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu bổ sung cho các thương nhân kinh doanh đầu mối.

Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khẩu khoảng 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do sản xuất trong nước không đạt kế hoạch sản lượng và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để đảm bảo cho nhu cầu phục hồi kinh tế.

Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu trong nước và đến giữa tháng 5/2022 sẽ xây dựng phương án phân giao tổng nguồn cụ thể cho 06 tháng cuối năm 2022.

Ngoài ra các bên liên quan cũng thống nhất cách thức điều hành giá của Bộ Công Thương theo tinh thần của Nghị định 95 có tính đến các tình huống cấp bách, tiệm cận với giá thế giới.

Theo đó, tiếp tục thực hiện điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày, tuy nhiên khi cần, cứ 2 ngày một lần, Tổ Tư vấn liên Bộ Công Thương - Tài chính phải họp, thống nhất, báo cáo với Lãnh đạo hai Bộ để báo cáo với Chính phủ xin ý kiến cho kỳ điều hành tiếp theo.