Giá xăng cao chưa từng có: Đề xuất hạ thuế, phí
(Dân trí) - Trong bối cảnh giá xăng dầu quá cao, phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống người dân, một số ý kiến cho rằng cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá trong nước.
Bộ Công Thương nói gì khi giá xăng cao kỷ lục?
Tại kỳ điều hành ngày 21/2, giá xăng tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp và xô đổ kỷ lục của nhiên liệu này từng xuất hiện năm 2014. Tại thời điểm đó, giá xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít.
Còn hiện nay, sau kỳ điều chỉnh mới nhất thì xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 25.530 đồng/lít; RON 95 là 26.280 đồng/lít. Tương tự, giá các loại dầu cũng tăng cao.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước tăng liên tục trong thời gian qua và hiện ở mức 108 - 110 USD/thùng.
Hiện thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.
Trong thời gian tới, nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch trong bối cảnh quỹ bình ổn giá có hạn, cơ quan này cho rằng cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Tại các kỳ điều hành gần đây, trước diễn biến tăng giá liên tục của các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới, cơ quan điều hành quyết định sử dụng chi quỹ BOG đối với một số mặt hàng.
Tại kỳ điều hành ngày 21/2, giá xăng E5 RON 92 nếu không chi quỹ bình ổn ở mức 250 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 1.211 đồng/lít thay vì mức 960 đồng và giá bán sẽ là 25.782 đồng/lít;
Tương tự, giá xăng RON 95 nếu không chi quỹ BOG ở mức 100 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 1.065 đồng/lít và giá bán sẽ là 26.387 đồng/lít.
Tuy nhiên hiện nay quỹ này tại một số doanh nghiệp có mức âm rất lớn. Nhiều doanh nghiệp âm tới vài trăm tỷ đồng.
Đề xuất xem xét thuế, phí xăng dầu
Trao đổi với Dân trí, ông Bùi Ngọc Bảo, quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng cần linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu thời điểm này, nhất là vấn đề về thuế, phí. Ông Bảo cho biết, một số khoản thuế phí thu theo phần trăm nên giá càng tăng thì thu càng nhiều. Trong bối cảnh doanh nghiệp càng bán càng lỗ kém mặn mà, giá xăng cao nhưng ngân sách trong lĩnh vực này thì cao lên cũng nên được cân nhắc xem xét.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, cử tri trước đó cũng đã phản ánh hiện Bộ Tài chính áp dụng cơ cấu tính giá xăng dầu dựa vào các loại thuế quá cao (thuế nhập khẩu 10%, VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.800 - 4.000 đồng/lít; 4 loại thuế chiếm 38%) và các chi phí khác như vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn chiếm 62% dẫn đến giá xăng dầu trong nước cao, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng cao.
Về chính sách, cơ cấu thuế, phí và yếu tố cấu thành trong công thức giá, Bộ Tài chính cho biết các sắc thuế áp dụng với mặt hàng xăng gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo Bộ này, so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của Việt Nam vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước khoảng 45 - 60% (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì thấp hơn).
Trong khi đó, đối với Việt Nam, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%. Ngoài ra, giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức nhưng các khoản này chỉ chiếm 5 - 8% mức giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cho hay.
Trước đó trao đổi với Dân trí, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết, dư địa để "hạ nhiệt" giá xăng dầu bây giờ chỉ còn thuế phí. Ông cho rằng cơ quan quản lý cũng cần tính toán, có kiến nghị, giải pháp về việc giảm thuế nhập khẩu để doanh nghiệp giảm chi phí, hạ nhiệt giá cả. Liên Bộ cần phối hợp linh hoạt trong vấn đề này.
"Phải tính toán làm sao để trong những lúc căng thẳng thế này, lợi ích của doanh nghiệp giảm đi, nhưng không đồng nghĩa với việc để họ lỗ kéo dài. Nếu lỗ triền miên họ đóng cửa, làm sao để thông suốt được nguồn cung? Cũng không thể ép họ để họ phải mọi biện pháp lảng tránh, trốn tránh kinh doanh", ông Cường nêu quan điểm và cho rằng Nhà nước trong những thời điểm đặc biệt, biến động như hiện nay nên dùng các công cụ như thuế phí.