Xăng đắt quá, sao cho dân đỡ khổ?
(Dân trí) - Một mặt hàng mà người bán lẫn người mua đều "kêu than". Bên thì than lỗ, bên thì kêu đắt. Mà cái sự đắt của xăng dầu còn "ăn" vào cả giá thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ...
Trong lần điều chỉnh gần nhất vào chiều ngày 11/2, giá xăng RON 95 đã chính thức vượt 25.000 đồng, cụ thể, tăng 960 đồng lên 25.320 đồng/lít.
Tôi đã thử truy cập trang web Global Petrol Prices để xem giá xăng dầu tại Việt Nam đang ở đâu so với thế giới. Dữ liệu thống kê của trang này cập nhật đến ngày 14/2 đối với giá xăng RON 95 thì chúng ta vẫn đang ở "khúc giữa giữa".
Nghĩa là với mức giá 1.096 USD/lít vào thời điểm nói trên, giá xăng RON 95 vẫn rẻ hơn so với Campuchia (1.153 USD), Nepal (1.176 USD), Philippines (1.213 USD), Trung Quốc (1.297 USD), Thái Lan (1.342 USD), Lào (1.342 USD), Hàn Quốc (1.421 USD). Những nơi có giá xăng đắt nhất là Hong Kong (2.709 USD/lít), Na Uy (2.313 USD/lít).
Tuy nhiên, so với giá xăng tại Mỹ (1.013 USD/lít) thì người dùng Việt Nam vẫn đang phải trả mức giá cao hơn. Nhiều quốc gia khác cũng đang hưởng giá xăng thấp hơn ta đáng kể: Indonesia (0,887 USD), Nga (0,677 USD), Malaysia (0,489 USD). Riêng tại Iran, người dân ở đây chỉ phải trả 0,051 USD cho một lít xăng RON 95.
Để kết luận là đắt hay là rẻ hơn thì hẳn sẽ gây tranh cãi vì liên quan nhiều yếu tố, trong đó có sự thuận lợi về tiếp cận nguồn cung hay sự tương xứng với thu nhập của người dân.
Tuy nhiên, có một thực tế là giá xăng trong nước hiện tại đã đắt hơn rất nhiều so với quá khứ và ai trong chúng ta cũng đều cảm nhận rất rõ về gánh nặng của chi phí xăng dầu. Nếu những người sở hữu xe gắn máy, ô tô cảm thấy "xót ví" mỗi lần đổ xăng thì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, việc đối phó với giá xăng dầu lên cao cũng không hề dễ dàng.
Bài viết "Lao đao, ốm đòn vì giá xăng dầu cao kỷ lục" đăng trên Dân trí ngày 16/2 đã phần nào phản ánh được tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" của các doanh nghiệp. Đơn cử như doanh nghiệp sản xuất máy tuốt lúa Tân Việt ở Nam Định đang đứng trước tình huống oái oăm: "Trước Tết Nguyên đán, giá cước vận tải biển tăng, các đại lý của công ty tôi ở nước ngoài đã kêu. Bây giờ, giá xăng dầu tăng, tôi không biết họ sẽ quyết định ra sao vì tiền vận chuyển nhiều khi còn hơn cả tiền sản phẩm". Và tôi tin, đây là vấn đề chung chứ chẳng phải của riêng đơn vị nào.
Chúng ta đều biết rằng, cả nền kinh tế đang nỗ lực hồi phục từ đại dịch Covid-19. Rất nhiều khó khăn, từ nguồn vốn, nhân lực đến thị trường, nay lại phải ứng phó với chi phí xăng dầu, vận tải nặng nề.
Khi giá dầu thế giới tăng thì giá xăng trong nước cũng tăng, đó là điều dễ hiểu. Vậy nhưng ở đây có một vấn đề cần xem xét chính là yếu tố thuế, phí. Việc các loại thuế, phí chiếm tỷ trọng quá lớn trong cơ cấu được cho là yếu tố rất quan trọng khiến giá xăng ở mức cao thời gian này.
Phóng viên Văn Hưng của Dân trí trong bài viết đăng ngày 17/2 đã "bóc tách" như sau: Giá một lít xăng RON 95 tại cảng có giá khoảng 14.936 đồng. Áp dụng công thức tính giá cơ sở, giá xăng RON 95 lúc này phải cộng thêm thuế nhập khẩu 10% (tương ứng 1.493 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 1.493 đồng), VAT 10% theo giá bán (khoảng 2.532 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít. Tổng chi cho 4 sắc thuế là 9.518 đồng/lít, tức chiếm 38% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95 (giá 25.322 đồng/lít).
Ngoài ra, mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Đến đây thú thật là tôi cũng bắt đầu "hoa mắt chóng mặt" với các con số rồi! Tổng cộng, các khoản thuế, phí lên tới 11.168 đồng trong mỗi lít xăng RON 95, tức là chiếm 44% giá thành bán ra của loại xăng này.
Giá xăng tới tay người tiêu dùng cao như thế mà doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn lỗ. Bởi, giá sau khi cộng thuế phí mà chưa tính lợi nhuận của doanh nghiệp, theo tính toán của phóng viên, đã là 26.104 đồng/lít, tức doanh nghiệp đang kinh doanh dưới giá vốn, càng bán càng lỗ (?!).
Có lý nào lại thế? Một mặt hàng mà người bán lẫn người mua đều "kêu than". Bên thì than lỗ, bên thì kêu đắt. Mà cái sự đắt của xăng dầu chẳng phải thể hiện ở mỗi giá bán ngoài trạm xăng mà còn "ăn" vào cả giá thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ... Áp lực lên lạm phát quá rõ ràng!
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - khi trao đổi với báo chí gần đây chia sẻ rằng: Bộ Công Thương đã tính phương án sử dụng hài hòa Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu. Nếu giả sử giá dầu thô thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng đẩy giá xăng, dầu lên cao thì lúc đó chắc chắn phải đề xuất sử dụng các công cụ khác là thuế, phí để điều hành giá xăng, dầu vì công cụ quỹ có hạn (Báo Quân đội nhân dân ngày 16/2).
Thiết nghĩ, phương án này là cần thiết và cũng khả thi nhất, đưa vào thực tế sớm chừng nào hay chừng ấy. So với việc ngân sách thu trực tiếp bao nhiêu từ thuế, phí xăng dầu thì cần tính đến những lợi ích lớn hơn, đó là giảm gánh nặng chi phí cho nền kinh tế - cho người dân và doanh nghiệp. Một khi CPI được kiểm soát, đời sống người dân tăng lên, doanh nghiệp tăng trưởng thì sẽ lại đóng góp trở lại cho ngân sách, không đi đâu mà thiệt!