Giá vàng xô đổ mọi kỷ lục

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Ngược chiều với diễn biến có phần chững lại của giá vàng trên thị trường thế giới, giá vàng miếng trong nước tiếp lập kỷ lục vượt xa ngưỡng 75 triệu đồng/lượng.

Giá vàng rơi nhẹ, vẫn cao ngất ngưởng

Sáng 21/12, giá vàng miếng SJC được các cửa hàng bán trang sức niêm yết ở mức 74,4-75,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 200.000 đồng mỗi chiều so với giá đóng cửa hôm qua song vẫn ở vùng giá cao. Phiên hôm qua, giá chiều bán vượt 75 triệu đồng/lượng, là lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc trên.

Vàng nhẫn giảm theo, hiện được niêm yết tại 61,4-62,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), tức giảm 100.000 đồng mỗi chiều. Chênh lệch giữa 2 chiều là 1 triệu đồng. 

Giá vàng trong nước tăng bất chấp việc giá thế giới giảm. Theo đó, trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay quay đầu giảm 8 USD, xuống 2.032 USD/ounce. Nếu quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, giá vàng thế giới thấp hơn vàng nhẫn trong nước hơn 2 triệu đồng và thấp hơn vàng miếng gần 15 triệu đồng.

Giá vàng xô đổ mọi kỷ lục - 1

Giá vàng trong nước tăng liên tục (Ảnh: Tiến Tuấn).

Thị trường vàng thế giới trầm lắng trong phiên giao dịch rạng sáng nay khi các nhà giao dịch chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế vào cuối tuần để có thêm manh mối mới về lộ trình chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Daniel Pavilonis - nhà môi giới hàng hóa cao cấp tại RJO Futures - một công ty chuyên về môi giới - đưa ra nhận định giá vàng sẽ ổn định trên mức 2.000 USD/ounce và chủ yếu giao dịch ở mức cao hơn khi xem xét rủi ro địa chính trị trên thị trường, bao gồm cả cuộc bầu cử tại Mỹ vào năm tới, điều này có thể thúc đẩy các nhà quản lý tiền tệ tăng cường vàng trong danh mục đầu tư của họ.

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh nhất trong 4 thập kỷ qua của họ đã kết thúc và việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra vào năm 2024.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic lại đưa ra quan điểm trái ngược rằng, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh và không vội để đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất. Quan chức này cho rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn cần thêm thời gian để có đủ dữ liệu và tin tưởng là lạm phát sẽ tiếp tục đi xuống và dự kiến đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ bắt đầu vào quý III năm sau.

Trong khi đó, theo công cụ FedWatch, các thị trường đang định giá khoảng 79% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3.

Hiện tại các nhà đầu tư chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, trong đó có báo cáo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tháng 11 - thước đo ưa thích của Fed về lạm phát cơ bản sẽ được công bố vào cuối tuần này.

Giá USD ngân hàng và chợ đen tăng

USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện giao dịch quanh vùng 101-102 điểm, thấp nhất 3 tháng.

Tỷ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.920 đồng/USD, giảm 18 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.723 đồng đến 25.116 đồng. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 3,1-3,2%.

Ngân hàng lớn hiện niêm yết tỷ giá mua - bán là 24.130-24.500 đồng/USD. Tại ngân hàng cổ phần, giá là 24.100-24.490 đồng/USD. Giá USD trong ngân hàng giảm 10-30 đồng trong phiên sáng nay.

Trên thị trường chợ đen, giá USD giảm 20 đồng mỗi chiều. Giá mua vào hiện phổ biến ở mức 24.640 đồng và giá bán ra là khoảng 24.730 đồng. USD chợ đen đang cao hơn các ngân hàng thương mại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm