1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Giá vàng tiếp tục sụt giảm trước áp lực chốt lời

(Dân trí) - Trước áp lực bán vàng ra để chốt lời của giới đầu tư, giá vàng thế giới giảm mạnh và đã mất ngưỡng cản quan trọng 1.800 USD/ounce. Theo đó, giá vàng SJC cũng tạm lùi xa mốc 51 triệu đồng/lượng.

Mở cửa thị trường vàng trong nước sáng nay 11/7, giá vàng SJC tại Hà Nội được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 50,3 triệu đồng/lượng (mua vào) - 50,6 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 50,31 triệu đồng/lượng - 50,59 triệu đồng/lượng.

Các mức giá này không đổi so với chốt phiên hôm qua.

Tại TPHCM, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 50,2 triệu đồng/lượng - 50,65 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 50.000 đồng/lượng.

Chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội niêm yết ở mức 50,3 triệu đồng/lượng - 50,6 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC tại TPHCM niêm yết ở mức 50,25 triệu đồng/lượng - 50,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tiếp tục sụt giảm trước áp lực chốt lời - 1

Giá vàng giảm nhưng vẫn trụ vững mốc trên mốc 50 triệu đồng/lượng (ảnh: Nguyễn Tuyền)

Trên thế giới, chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco.com ở mức 1.798,6 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.809 USD/ounce.

Giá vàng giao ngay mất mốc 1.800 USD/ounce trước làn sóng bán ra chốt lời của giới đầu tư. Trước đó, giá vàng thế giới đã đạt mức tăng cao nhất trong 9 năm qua.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan nhanh trên thế giới, vàng trở thành mặt hàng trú ẩn an toàn.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt đưa ra các khoản tiền lớn nhất trong lịch sử để cứu nền kinh tế. Giới chuyên gia cho rằng, việc bơm một lượng tiền khổng lồ sẽ khiến các loại tiền tệ trên toàn thế giới mất giá. Khi tiền tệ trở nên ít giá trị hơn thì những nhà đầu tư sẽ tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn là vàng. Vì thế, vàng sẽ còn tiếp tục tăng giá.

Dịch Covid-19 đến nay đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến ít nhất 560.000 người thiệt mạng và hơn 12,6 triệu người nhiễm bệnh. Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với ít nhất 136.000 ca tử vong và hơn 3,2 triệu ca mắc Covid-19.

Trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 9/7, ông Tedros - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - đã kêu gọi sự đoàn kết từ cộng đồng quốc tế để chống lại đại dịch Covid-19 đang lây lan trên toàn cầu.

Ông Tedros cho rằng trên thế giới, “virus vẫn chưa được kiểm soát và đang trở nên tệ hơn” và hệ thống y tế ở một số quốc gia giàu có đang bị ảnh hưởng.

Phát biểu của ông Tedros được đưa ra sau khi chính quyền Mỹ hôm 8/7 bắt đầu quá trình rút nước này khỏi WHO. Động thái này dự kiến sẽ hoàn tất trong 1 năm. Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO trong nhiều năm qua.

Quyết định của Mỹ khiến nhiều chuyên gia và một số nước đồng minh phản đối. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng WHO là bên đã phản ứng với dịch bệnh chậm chạp vào những ngày đầu và đưa ra những thông điệp không nhất quán làm ảnh hưởng tới nỗ lực chống dịch toàn cầu.

 An Hạ